Nghệ An: Người dân tái định cư thủy điện Hủa Na “đói” đất sản xuất

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:54, 21/09/2018

(TN&MT)- Năm 2012, thực hiện việc di dời các hộ dân ở khu vực lòng hồ thủy điện Hủa Na (huyện Quế Phong) lên các khu vực tái định cư (TĐC), nhường đất cho thủy điện với bao lời hứa ngọt ngào. Thế nhưng, đến nay hàng trăm hộ dân tái định cư vẫn thiếu đất sản xuất. Trong khi đó, quỹ đất được quy hoạch để giao cho những hộ dân thuộc diện này hiện đáng vướng ngược, mắc xuôi khiến người dân bức xúc.  

Loay hoay bài toàn “cần câu” và “con cá”
 

Công trình thuỷ điện Hủa Na được khởi công xây dựng vào tháng 3/2008, có công suất lắp máy 180 MW, sản lượng điện 726 triệu kWh với tổng mức đầu tư 3.528 tỷ đồng. Ngày 4/7/2012, Công trình thủy điện Hủa Na tiến hành đóng van hầm dẫn dòng, chính thức tích nước lòng hồ. Để thực hiện dự án này, các cơ quan chức năng đã phải di dời tới 1.362 hộ dân với 5.236 nhân khẩu của huyện Quế Phong đi TĐC nơi ở mới.
 

Hộ gia đình ông Vi Xuân Hành, ở bản Huồi Đừa rơi vào khốn khó vì không có đất sản xuất
Hộ gia đình ông Vi Xuân Hành, ở bản Huồi Đừa rơi vào khốn khó vì không có đất sản xuất

Khi tiến hành dự án trên, chủ đầu tư cũng như chính quyền địa phương đã có nhiều lời hứa hẹn tốt đẹp, thế nhưng sau khi nhân dân nhường đất cho dự án thì đến nay mọi thứ trên vùng đất TĐC mà nhân dân chuyển đến vẫn ngổn ngang, chưa có hạng mục nào đảm bảo. Đặc biệt là đấn nay vẫn chưa giao đủ đất cho nhân dân sản xuất khiến bà con nơi đây rơi vào cảnh vô cùng khó khăn, chạy ăn từng bữa.
 

Đã 6 năm trôi qua, số lượng gạo hỗ trợ cho đồng bào TĐC đã hết từ lâu. Cơ quan chức năng huyện Quế Phong và tỉnh Nghệ An vẫn loay hoay, chưa có đất sản xuất để giao cho dân. Bài toán “cần câu” và “con cá” vẫn mãi đeo đẳng, ám ảnh người dân huyện nghèo này.

Hộ gia đình ông Vi Văn Duyên, bản Huồi Đừa đang rơi vào cảnh hết sức khó khăn vì đất ruộng và đất rừng sản xuất không có, chỉ có một mảnh đất mấy chục m2 để trồng rau
Hộ gia đình ông Vi Văn Duyên, bản Huồi Đừa đang rơi vào cảnh hết sức khó khăn vì đất ruộng và đất rừng sản xuất không có, chỉ có một mảnh đất mấy chục m2 để trồng rau

Chuyển về điểm TĐC Pù Sai Cáng xã Thông Thụ (Quế Phong) từ năm 2012 nhưng đến nay, nhiều hộ gia đình vẫn chưa được giao đất sản xuất lúa nước và đất lâm nghiệp.
 

Hộ gia đình ông Vi Xuân Hành, ở bản Huồi Đừa, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong, có 6 miệng ăn hầu như chỉ trông chờ vào nguồn gạo hỗ trợ của nhà nước, từ những đồng tiền làm thuê, chặt nứa, lùng... đem bán.
 

Khi được hỏi về việc chưa được chia đất sản xuất thì làm gì để sống, ông Hành, ngao ngán: “Có đất mô mà sản xuất, trước đây trong bản cũ có gần 10 ha, có khi mô đói ăn mô. Giờ cứ đi làm ké ruộng của anh em bên khe suối, không đủ ăn, khổ lắm. Thỉnh thoảng vào rừng khai thác lùng, nứa về bán cho thương lái. Giờ thì phải đi xa hơn, mỗi ngày vất vả lắm chỉ kiếm được 100 ngìn thôi”.
 

Chung tình cảnh như ông Hành, rất nhiều hộ dân tại bản Huồi Đừa như hộ ông Lang Văn Ngân, Vi Văn Chính, Vi Văn Duyên… đang rơi vào cảnh hết sức khó khăn vì chưa được giao đất sản xuất dù đã đến khu TĐC từ bốn năm trước.

Chị Lang Thị Thầu, bản Huồi Đừa chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” vì không có đất để đi sản xuất
Chị Lang Thị Thầu, bản Huồi Đừa chỉ biết “ngồi chơi xơi nước” vì không có đất để đi sản xuất

Ông Lương Thượng Hiền - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thông Thụ, cho biết: Toàn xã có 8 điểm TĐC gồm Huồi Sai, Pù Sai Cáng, Huồi Lướm, Na Lướm, Huồi Đừa, Na Hứm, Phú Lâm, Bản Mải: “Hiện tại hầu hết các hộ tái định cư đã được giao đất ở. Còn đất rừng sản xuất còn rất nhiều hộ chưa được giao” – Ông Hiền, thông tin.
 

Vì chưa có đất sản xuất, hàng trăm hộ dân và hàng trăm nhân khẩu tại các điểm TĐC, thủy điện Hủa Na buộc phải mưu sinh bằng rất nhiều nghề từ đi làm thuê nơi khác, làm thuê tại chỗ, tận thu lâm sản phụ (chặt nứa, lùng đem bán), chăm sóc bảo vệ rừng, nuôi trồng thủy sản... nhưng thực tế cho thu nhập quá thấp.
 

Giao đất sản xuất - Vướng ngược, mắc xuôi
 

Được biết, việc chưa được giao đất sản xuất đã làm quyền lợi người dân bị ảnh hưởng và xáo trộn. Nguyên nhân chậm trễ này là do các đơn vị tư vấn thực hiện khảo sát, thiết kế chậm. Mặt khác, một số đất rừng nằm trong quy hoạch giao cho dân sản xuất nhưng để kéo dài nên rừng tốt lên; vì thế đã vướng vào chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng nên được yêu cầu phải dừng lại để tìm quỹ đất khác thay thế.

Nhà máy thủy điện Hủa Na đi vào hoạt động đã hơn 6 năm nhưng vấn đề “lạc nghiệp” cho người dân TĐC vẫn đang còn tồn tại nhiều vướng mắc
Nhà máy thủy điện Hủa Na đi vào hoạt động đã hơn 6 năm nhưng vấn đề “lạc nghiệp” cho người dân TĐC vẫn đang còn tồn tại nhiều vướng mắc


Theo số liệu do UBND tỉnh Nghệ An cung cấp, công tác giao đất nông nghiệp mặc dù đã thực hiện giao đất thực địa hoàn thành 13/13 điểm TĐC (thuộc 3 xã Thông Thụ và Đồng Văn và Tiền Phong - PV). Tuy nhiên, trong quá trình rà soát thì có 67,4ha/950,51ha đang có rừng tự nhiên, phải giữ lại rừng, không được giao do liên quan đến Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư nói trên. Vì thế, UBND tỉnh Nghệ An đã có văn bản chỉ đạo UBND huyện Quế Phong khẩn trương khảo sát quỹ đất mới để giao đất sản xuất nông nghiệp thay thế cho người dân tái định cư trong quý IV/2018. Tuy nhiên, đến nay tiến độ thời gian đã cận kề nhưng tình hình vẫn chưa có chuyển biến đáng kể nào.
 

Ông Lê Văn Giáp - Chủ tịch UBND huyện Quế Phong thừa nhận: “Những bất cập khó khăn trong vấn đề này nguyên nhân là do nhiều phía. Trách nhiệm này là của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn và cả chính quyền địa phương thiếu đôn đốc trong công tác chỉ đạo. Trong thời gian tới huyện tiếp tục kêu gọi gạo cứu trợ cho người dân và không thể để dân đói, dân thiếu gạo ăn. Về quan điểm của huyện sẽ xử lý nghiêm những ai, cơ quan nào liên quan để xảy ra tình trạng day dưa, kéo dài như thế này”.
 

Việc hàng trăm hộ dân ở các điểm TĐC Nhà máy thủy điện Hủa Na đang phải sống “lay lắt”, chạy ăn từng bữa và trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước từ nhiều năm nay đã khiến cho cuộc sống của người dân bị đao lộn. Khó khăn ngày càng chồng chất, đi ngược lại với viễn cảnh tốt đẹp mà các nhà chức trách đã “vẽ” ra khi thực hiện dự án này đã khiến cho người dân, mệt mỏi bức xúc.
 

Thiết nghĩ, UBND huyện Quế Phong, UBND tỉnh Nghệ An cần nhanh chóng phối hợp với các sở, ngành liên quan cùng với chủ đầu tư có biện pháp giải quyết dứt điểm, giúp người dân sớm “an cư, lạc nghiệp”!