Quảng Nam: Bất chấp lệnh dừng, thủy điện ngang nhiên thi công
Tiếng dân - Ngày đăng : 12:32, 19/09/2018
Dự án thủy điện Nước Chè do Cty CP thủy điện Nước Chè làm chủ đầu tư với tổng diện tích khoảng 120ha, chiều dài theo dòng sông nước Chè bị ảnh hưởng 7km, sâu 50 mét, ảnh hưởng đến 1.000 hộ dân 2 xã Phước Năng, Phước Mỹ (huyện Phước Sơn). Sau thời gian bị tạm dừng hoạt động, đến tháng 6/2018, dự án này bắt đầu triển khai lại.
Trong khi huyện chưa có quyết định phê duyệt giá đất cũng như cây cối, hoa màu để có cơ sở đền bù cho người dân thì chủ đầu tư đã tự ý san lấp mặt bằng để thi công làm vùi lấp đất đai, cây cối, hoa màu của người dân xung quanh khu vực dự án. Các hộ dân 2 xã Phước Năng và Phước Mỹ đã làm đơn khiếu kiện lên chính quyền buộc thủy điện phải dừng triển khai.
Sau khi người dân khiếu kiện, lãnh đạo huyện Phước Sơn đã kiểm tra và đình chỉ hoạt động xây dựng, san lấp công trình để tập trung giải quyết các thủ tục đất đai, đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB). Thế nhưng, bất chấp lệnh dừng của chính quyền, chủ đầu tư vẫn ngang nhiên cho các phương tiện thi công rầm rộ.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch huyện Phước Sơn cho biết, ngày 22/8, lãnh đạo huyện đã đến hiện trường kiểm tra, yêu cầu chủ đầu tư dừng thi công để khắc phục. Kết luận tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện và chủ đầu tư thống nhất, trong thời gian chờ giải quyết xong các hồ sơ, thủ tục có liên quan đến công tác đất đai, đền bù, GPMB của dự án thủy điện Nước Chè theo đúng quy định, đề nghị Cty CP thủy điện Nước Chè dừng toàn bộ hoạt động thi công các hạng mục dự án thủy điện Nước Chè; đồng thời không thực hiện thỏa thuận với người dân trong việc hỗ trợ, đền bù GPMB liên quan đến Dự án; chỉ đạo đơn vị thi công không được nổ mìn thi công các hạng mục khi chưa được các cấp thẩm quyền cho phép…
Đồng thời, khẩn trương phối hợp với các đơn vị liên quan của huyện hoàn thành công tác đền bù, GPMB của dự án thủy điện Nước Chè để chi trả tiền cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định, tránh trường hợp khiếu kiện về sau.
Ngoài ra, huyện Phước Sơn còn yêu cầu chủ đầu tư phối hợp chặt chẽ với các ngành của huyện và các xã vùng dự án triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật. Có phương án mở rộng và nâng cấp tải trọng tuyến đường giao thông phục vụ việc thi công dự án, làm cầu thay thế do bị ngập nước để đảm bảo giao thông đi lại của nhân dân trong vùng dự án.
“Chính quyền địa phương đã đề nghị chủ dự án khẩn trương phối hợp với các ngành chức năng huyện, xã UBND Phước Mỹ hoàn thành công tác đền bù, GPMB của dự án để chi trả tiền cho các hộ bị ảnh hưởng theo đúng quy định. Nếu Công ty chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai, GPMB mà tiếp tục triển khai thi công thì huyện sẽ báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương dừng việc triển khai dự án trên”- ông Nguyễn Quảng khẳng định.
Tuy nhiên, sau buổi làm việc, chủ đầu tư trực tiếp xuống nhà các hộ dân bị ảnh hưởng tự thỏa thuận giá cả đền bù rồi tiếp tục thi công cho thấy thái độ xem thường pháp luật của chủ đầu tư, khiến người dân và chính quyền địa phương rất bức xúc.
Đến ngày 28/8, chính quyền huyện Phước Sơn tiếp tục có buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Thủy điện Nước Chè. Tại đây, lãnh đạo huyện tiếp tục yêu cầu chủ đầu tư dừng toàn bộ các hoạt động thi công các hạng mục của dự án; khẩn trương rà soát lại toàn bộ diện tích đất và danh sách hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Đồng thời phối hợp với các ngành chức năng của huyện và xã hoàn chỉnh các thủ tục về đất đai để thực hiện hỗ trợ, bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng theo đúng quy định.
Ngoài ra, chính quyền huyện đề nghị Công ty triển khai dự án theo hướng GPMB đến đâu thi công xây dựng đến đó; tập trung máy móc, thiết bị, nhân công để đẩy nhanh tiến độ thi công đối với các hạng mục đã hoàn thành công tác bồi thường, GPMB.
Có giải pháp khắc phục tình trạng đất đá đổ xuống làm ảnh hưởng mố cầu treo và đường vào khu sản xuất 703 tại thôn 3, xã Phước Mỹ; đồng thời phục hồi nguyên trạng và đúng vị trí ban đầu các mốc giới GPMB bị mất do đơn vị triển khai các hoạt động thi công; phối hợp với các địa phương giải quyết dứt điểm những khiếu nại của các hộ dân liên quan đến việc Công ty thi công san ủi tuyến kênh làm vùi lấp đất đai, cây cối hoa màu của người dân nằm ngoài diện tích thu hồi phía taluy âm.
Quảng Nam được xem là địa phương có mật độ thủy điện nhiều nhất cả nướcvới 46 dự án thủy điện đã được phê duyệt, trong đó có 36 thủy điện nhỏ và vừa. Thế nhưng, vào thời điểm này, trong khi người dân Đà Nẵng đang phải dùng nước sinh hoạt nhiễm mặn do các thủy điện ở thượng nguồn sông Thu Bồn – Vu Gia chặn dòng không xả nước thì lại có thêm 1 dự án thủy điện đang xây dựng khiến dư luận hoài nghi về tính đúng đắn của dự án.