Pleiku (Gia Lai): Nước thải “nguy hại” trực tiếp đổ ra suối?

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:35, 18/09/2018

(TN&MT) - Màu nước đỏ thẫm, bốc mùi hôi kèm bọt nổi trắng xóa rỉ ra từ bãi chôn lấp rác thải đang từng ngày, từng giờ đổ “xối xả” vào con suối, nơi có hàng trăm diện tích lúa, hoa màu của nông dân đang trồng cấy.
nuoc1
Nước rỉ thải từ bãi chôn lấp rác ở xã Gào xả ra môi trường

Cách Trung tâm Hành chính của tỉnh Gia Lai chừng 16km, bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt tập trung được đặt tại xã Gào (TP.Pleiku), do Công ty Cổ phần Công trình Đô thị Gia Lai quản lý điều hành, được xây dựng và đưa vào sử dụng từ tháng 9/2010 với mức đầu tư trên 7 tỷ đồng. Bãi chôn rác thải này được xây dựng trên diện tích khoảng 10ha với quy mô khép kín. Theo cam kết, nước thải sau xử lý đạt nước thải loại B có thể tưới cây, thời gian sử dụng là khoảng 10 năm. Hiện, có khoảng 30 xe rác, khoảng 150 tấn/ngày được tập kết chôn lấp tại nơi này. 

Theo phản ánh của người dân địa phương, hiện tại họ đang phải sống trong hoàn cảnh cực khổ trăm bề vì không chỉ bị ô nhiễm về không khí, rồi ruồi muỗi phát sinh gây bệnh tật, mà còn phải chịu cảnh nguồn nước rỉ từ hàng triệu tấn rác thải không qua xử lý được xả chảy thẳng vào đất, tràn ra cống thoát dân sinh và đổ vào hệ thống suối gây ngộ độc cho cây trồng, ảnh hưởng đến cuộc sống mưu sinh.

Theo chỉ dẫn của người dân, tại khu vực cống thoát đấu nối ngang đường Hồ Chí Minh đoạn qua xã Gào, chúng tôi nhìn thấy có dòng nước màu đỏ thẫm kèm theo mùi hôi thối và bọt trắng xóa chảy tràn trên mặt đất và đổ toàn bộ vào cống hòa vào suối nơi có nhiều diện tích hoa màu, lúa nước đang được hàng chục hộ nông dân gần đây canh tác. Lần ngược theo dòng nước có “màu lạ” đang cuộn chảy, vượt qua vườn bạch đàn với "đàn muỗi kêu như sáo thổi" và cỏ gai, chúng tôi tiếp cận 01 cống thoát khác nằm cách con đường nhựa vài chục mét. Đây là nơi đón cả 02 nguồn nước có cùng màu đỏ thẫm đổ thẳng vào hố xử lý nước thải.

Tại đây, nguồn nước có màu đỏ ngòm, đặc sệt với bọt trắng nổi lềnh bềnh, kèm theo mùi hôi kinh tởm. Cả 2 hố gom nước rỉ thải thì hố thứ 2 đã rách bạt chống thấm vẫn tiếp tục gom nước vào hố thứ 3 chỉ là hố đất được khơi rộng, không có bạt chống thấm. Từ đây, con đường đi của nguồn nước gớm ghiếc này là từng ngày từng giờ chảy ra môi trường, thấm vào lòng đất, đổ vào dòng suối Ia Puch gần đó, nhập vào suối Bầu Cạn (huyện Chư Prông) và dẫn nhập vào sông Sê-Rê-Pôk (tỉnh Đắk Lắk).
 

nuoc2


Theo người dân địa phương, từ năm 2010 đến nay, cả triệu tấn rác được chôn lấp tại khu vực này. "Với cách xử lý kiểu này, chẳng biết đã có bao nhiêu chất thải độc hại thấm vào đất và nguồn nước", người dân bức xúc. Còn theo lãnh đạo địa phương khu vực kế cận, trong năm 2017, tình trạng ô nhiễm mùi hôi và ruồi muỗi phát sinh từ bãi rác được người dân phản ánh rất nhiều. "Việc này, chúng tôi đã có ý kiến với cấp trên và từ đó đến nay không thấy dân ý kiến gì nữa (?)", ông Mai Văn Hoàn - Chủ tịch UBND xã Ia Kênh cho biết.

Riêng tại khu vực xã Gào nơi có bãi chôn lấp rác thải, khi xem các hình ảnh và video nước thải ô nhiễm bãi rác trực tiếp đổ ra suối, ông Trần Ngọc Thanh - Chủ tịch UBND xã Gào thẳng thắn nói rằng, nước rỉ thải như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 900 hộ dân, 3.500 khẩu đang sinh sống tại 5 thôn, làng và nền sản xuất nông nghiệp của bà con. "Tôi sẽ đi kiểm tra và yêu cầu ngăn chặn kịp thời việc xả thải trước khi tình hình nghiêm trọng thêm", ông Thanh khẳng định.

Được biết, báo cáo năm 2017 của UBND TP.Pleiku về công tác bảo vệ môi trường đã xác định, bãi chôn lấp tìm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm; nước rỉ thải từ rác có thể ngấm vào đất... Bãi chôn lấp rác thải nằm chính trên địa bàn xã Gào, tuy nhiên mùi hôi thối, ruồi nhặng sinh ra tại đây lại phát tán trên diện rộng. Có thời điểm mùi hôi đưa đến tận khu vực núi Hàm Rồng, cách bãi rác hơn 10km. Song, khi làm việc về vấn đề này, người phụ trách quản lý về môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Gia Lai tỏ ra ngạc nhiên và cho rằng nơi đây không được phản ánh về ô nhiễm và được kiểm tra định kỳ mỗi năm.

Tuy nhiên, khi đề nghị xem kết quả kiểm tra môi trường định kỳ gần đây nhất, vị cán bộ Chi cục Bảo vệ Môi trường Gia Lai sau một lúc rà soát lại nói rằng... năm 2017 không kiểm tra (?). "Địa điểm bãi chôn lấp rác thải tại xã Gào trước đây đã được liệt kê vào danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, tuy nhiên phương án xử lý lâu dài tại đây đang được xem xét", bà Lê Thị Hồng Quyên - Phó Chi cục Bảo vệ Môi trường Gia Lai cho biết thêm.