Tuy Phước (Bình Định): Xây dựng công trình trái phép trên đất do Nhà nước quản lý

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:02, 14/09/2018

(TN&MT) - Gần đây, người dân ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định) bày tỏ sự không đồng tình trước việc ông Nguyễn Đình Phương (ở TP Quy...

 

(TN&MT) - Gần đây, người dân ở thôn Bình An 1, xã Phước Thành (huyện Tuy Phước, Bình Định) bày tỏ sự không đồng tình trước việc ông Nguyễn Đình Phương (ở TP Quy Nhơn, Bình Định) tự ý xây dựng nhà xưởng ngoài khu vực được cơ quan có thẩm quyền cho thuê đất, vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt. Song, chính quyền địa phương xử lý thiếu rốt ráo.
 

anh cong trinh trai phep


Xây dựng ngoài vùng quy hoạch

Qua tìm hiểu, ngày 15/8/2012 UBND huyện Tuy Phước ban hành Quyết định số 859/QĐ-UBND cho phép chuyển mục đích 1.605m2 đất trồng cây hằng năm và đất nghĩa địa tại các thửa đất số 792, 824, 825 và 826, tờ bản đồ số 09 xã Phước Thành và cho ông Nguyễn Đình Phương thuê 575m2 đất để xây dựng Văn phòng mua bán nông, lâm sản trong thời hạn 30 năm kể từ ngày ký; diện tích còn lại 1.030m2 dùng vào mục đích đất hành lang.

Đến đầu năm 2018, ông Phương tiến hành tập kết nguyên vật liệu để thi công xây dựng nhà xưởng. Tuy nhiên sau đó, UBND xã Phước Thành cùng Công ty CP Đường sắt Phú Khánh (đơn vị quản lý đường sắt ở địa phương) kiểm tra thực tế hiện trường thì phát hiện ông Phương xây dựng công trình không đúng diện tích đất đã được UBND huyện Tuy Phước cho thuê. Cụ thể, ông Phương đã lấn chiếm 237,4m2; trong đó đã xây nhà xưởng kiên cố 201,4m2 và bao chiếm chưa xây dựng 36m2. Đáng nói diện tích đất mà ông Phương lấn chiếm, bao gồm cả đất hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt là 135,4m2; đất bằng chưa sử dụng do UBND xã Phước Thành quản lý là 102m2.

Trước vi phạm này, UBND xã Phước Thành đã lập báo cáo gửi UBND huyện Tuy Phước xem xét xử lý. Đến ngày 27/3/2018, ông Nguyễn Đình Thuận, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã ký Quyết định số 819 xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Phương với số tiền 77,5 triệu đồng về hành vi xây dựng công trình kiên cố trái phép trong phạm vi hành lang ATGT đường sắt và cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của UBND xã Phước Thành.

Ngoài phạt tiền, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước còn buộc ông Phương phải tự dỡ bỏ và di chuyển công trình kiên cố xây dựng trái phép ra khỏi phạm vi đất dành cho đường sắt và tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng vi phạm nội dung Giấy phép xây dựng được cấp; thời hạn thi hành quyết định 10 ngày. Thế nhưng, đến nay thời hạn thi hành Quyết định đã trôi qua hơn 5 tháng, song ông Phương chỉ thực hiện phần nộp phạt hành chính và dây dưa không chịu tháo dỡ phần vi phạm để trả lại đất cho địa phương quản lý và hành lang ATGT đường sắt.

Về việc này, ông Nguyễn Trung Hòa, công chức địa chính - xây dựng UBND xã Phước Thành, cho biết: “Khi phát hiện sai, chúng tôi đã kiểm tra và liên hệ với chủ đất để giải quyết, nhưng chủ đất là ông Nguyễn Đình Phương không hợp tác. Ngược lại, ông Phương còn đẩy nhanh tiến độ thi công dẫn tới sai phạm nghiêm trọng trên. Hiện nay, sự việc đã vượt khả năng giải quyết của địa phương. Chúng tôi đã có báo cáo gửi UBND huyện Tuy Phước để xin ý kiến chỉ đạo”.

Lúng túng xử lý?

Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước là đơn vị được Chủ tịch UBND huyện giao rà soát, tham mưu phương án xử lý. Thế nhưng trao đổi với PV, đại diện đơn vị này là ông Vũ Tiến Hiệp, Phó Trưởng Phòng, cho rằng: “Đến nay, đơn vị chưa có phương án xử lý chính thức vì sự việc gặp vướng mắc. Hơn nữa, ông Phương lại có đơn cho xin tồn tại công trình kể trên (!)”.

Theo ông Hiệp, Quyết định xử phạt hành chính do Chủ tịch UBND huyện ký vào ngày 27/3/2018. Thời điểm này, căn cứ vào Luật Đường sắt năm 2005 thì nhà xưởng kiên cố do ông Phương đứng tên trong giấy tờ chỉ cách mép chân đường đắp 9,6m (Luật quy định khoảng cách ATGT đường sắt mỗi bên là 15m). Như vậy, công trình ông Phương đã vi phạm vào hành lang ATGT đường sắt gần 6m và kéo dài gần 60m. Ngày 1/7/2018, Nghị định 56/2018/NĐ-CP ngày 16/4/2018 về “Quy định quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt” chính thức có hiệu lực. Căn cứ vào các quy định trong Nghị định này, cho thấy: phạm vi bảo vệ hai bên đường sắt theo phương ngang đối với nền đường đào, nền đường đắp quy định chỉ 5m (tính từ chân nền đường đắp) và 3m (tính từ mép ngoài rãnh dọc của nền đường). Dựa theo quy định mới này, nhà xưởng ông Phương lại nằm ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt hơn 1,5m.

Trước sự nhùng nhằn này, Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Tuy Phước đã tổ chức cuộc họp với sự tham gia của các bên liên quan để bàn bạc, tìm hướng giải quyết. Song đến nay, phương án giải quyết cụ thể ra sao vẫn chưa được đưa ra. Trong khi đó, tại Khoản 1, Điều 39 (về giải quyết tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt) Nghị định 56/2018/NĐ-CP nêu rõ: Đối với công trình tồn tại trong phạm vi đất dành cho đường sắt trước ngày 1/7/2018, giải quyết theo quy định của Luật Đường sắt năm 2005 và các quy định khác có liên quan của pháp luật. Căn cứ theo Quyết định xử phạt vi phạm do Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước ký, thì rõ ràng công trình sai phạm trên tồn tại trước khi Nghị định 56 có hiệu lực.

Nhìn nhận về sự việc trên, trung tá Đỗ Thanh Bình, Đội trưởng Đội CSGT đường sắt thuộc Phòng CSGT (Công an tỉnh Bình Định), cho hay: “Trách nhiệm về việc giải quyết chậm trễ thuộc về UBND huyện Tuy Phước. Trước đó, chúng tôi đã tham mưu cho cấp trên và đến ngày 27/3/2018, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, thời gian thi hành quyết định 10 ngày. Thế nhưng, tôi chẳng hiểu sao địa phương lại chần chừ, kéo dài thời gian xử lý. Thời điểm đó huyện Tuy Phước làm quyết liệt, tôi nghĩ rằng sự việc không gặp rắc rối như hiện nay. Đây cũng là bài học kinh nghiệm đối với các địa phương khác trong việc chậm trễ xử lý công trình vi phạm”.

Có thể thấy, việc xử lý vi phạm đối với công trình nhà xưởng do ông Phương đứng tên vẫn chưa có lối ra. Phần diện tích đất do Nhà nước quản lý vẫn đang bị xâm chiếm trái phép. Đáng nói hơn, chính sự chần chừ, chậm trễ giải quyết vi phạm khiến “cái sảy nảy cái ung” vô hình chung tạo tiền lệ xấu, kéo dài công tác xử lý đối với các trường hợp vi phạm khác.