Nghệ An: Đùn đẩy trách nhiệm vệ sinh rác lòng hồ thủy điện Bản Vẽ
Tiếng dân - Ngày đăng : 21:16, 15/09/2018
Rác phủ kín lòng hồ
Do ảnh hưởng của những cơn bão vừa qua, nước lũ đổ về thủy điện Bản Vẽ rất lớn.Tại thời điểm cao nhất vào ngày 30/8 vừa qua, lượng nước đổ về từ thượng nguồn vào lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có lúc lên đến 4.200 m3/s.
Cơn lũ đã cuốn trôi nhiều nhà cửa và đồ đạc của người dân thượng nguồn sông Nậm Nơn ở một số bản: Xiềng Tắm, Xốp Tụ, Xăng Trên… ở xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Ngoài ra, lũ cuốn theo nhiều cây gỗ lớn nhỏ đổ xuống lòng hồ thủy điện Bản Vẽ khiến hồ thủy điện này như một bãi rác khổng lồ. Một số địa điểm tập trung nhiều rác nhất như đoạn hồ ở xã Hữu Khuông, xã Mai Sơn, Nhôn Mai …(huyện Tương Dương).
Anh Nguyễn văn Quỳnh, ở thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương), cho biết: Từ trước tới nay, mỗi khi có lũ về là rác lại về theo. Rác bủa vây lòng hồ khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, chưa có năm nào gỗ, rác lại trôi về nhiều như năm nay”.
Cô giáo Lương Thị Thùy – Giáo viên Trường THPTBK THCS Mai Sơn vẫn thường xuyên phải đến trường bằng thuyền từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, từ đợt lũ vừa qua do lượng rác về quá lớn nên đi thuyền rất chậm và không an toàn nên cô Thùy phải đi xe máy đường vòng lên huyện Kỳ Sơn rồi mới vào được trường, quãng đường cách xa hơn 100km. “Lượng rác năm nay về nhiều vô kể, phủ kín cả mặt hồ thủy điện Bản Vẽ. Thuyền đi không an toàn nên tôi không dám đi nữa mà phải đi xe máy vòng lên huyện Kỳ Sơn theo QL16 mất hơn 100km mới vào được trường, vất vả lắm”, Cô Thủy, cho hay.
Bà Lương Thị Vân Anh – Phó chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, cho biết, hiện nay, trong xã có 4 thuyền chở khách lên xuống hoạt động trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. Những chiếc thuyền được làm khá chắc chắn và chở đúng quy định nên từ trước tới nay vẫn an toàn cho hàng trăm lượt khách mỗi ngày. “Mặc dù biết nguy hiểm từ rác trải dài trên lòng hồ nhưng không thể không đi, vì đây là con đường ngắn nhất và duy nhất để đến được UBND xã. Vì lý do an toàn cho người dân, chính quyền xã và lực lượng công an địa phương đã phối hợp và thường xuyên tuyên truyền cho người dân và chủ thuyền khi tham gia giao thông đường thủy nội địa. Về vấn đề rác quá nhiều, phía xã cũng đã phản ánh lên chính quyền cấp trên qua các cuộc họp để có hướng thu gom, vớt rác, đảm bảo an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường” – Bà Vân Anh, cho hay.
Nhà máy thủy điện đùn đẩy trách nhiệm?
Việc rác thải sinh khối thực vật, xác gia súc, gia cầm… bị lũ cuốn trôi về lòng hồ thủy điện Bản Vẽ không chỉ khiến cho các phương tiện tham gia giao thông đường thủy gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm trong lưu thông mà còn tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường nước sông Cả khi lượng rác này ngâm nước lâu ngày và phân hủy.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trước đó, sau đợt mưa lũ tháng 7/2018 thì lượng rac thải sinh khối thực vật, xác gia súc, gia cầm… bị lũ cuốn trôi về đã bắt đầu phủ kín lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, đoạn thuộc địa phận xã Nhôn Mai, huyện Tương Dương. Sau khi kiểm tra, để giải quyết thực trạng trên, Sở TN&MT Nghệ An đã có văn bản 4680/STNMT-BVMT, ngày 13/8/2018 kiểm tra xử lý ô nhiễm môi trường vùng đầu nguồn lòng hồ thủy điện Bản Vẽ gửi UBND tỉnh Nghệ An. Trong đó, kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu Công ty CP thủy điện Bản Vẽ phải thực hiện thu dọn sinh khối thực vật khu vực lòng hồ và các biện pháp công trình bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, sau khi nhận được văn bản này của Sở TN&MT Nghệ An thì ngày 16/8/2018, Công ty CP thủy điện Bản Vẽ đã có văn bản số 410/TĐBV-P4 gửi UBND tỉnh Nghệ An và Sở TN&MT với nội dung việc thu dọn sinh khối, thực vật trôi nổi vùng lòng hồ không phải trách nhiệm của Công ty CP thủy điện Bản Vẽ.
Mới đây nhất, vào ngày 05/9/2018, Sở TN&MT tỉnh Nghệ An lại tiếp tục có văn bản số 5229/STNMT-BVMT về thực hiện công tác vệ sinh lòng hồ và an toàn hồ đập các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh. Theo đó, văn bản yêu cầu chủ đầu tư các công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh thực hiện đầy đủ các nội dung tại báo cáo đánh giá tác động môi trường/đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt; thường xuyên thực hiện vệ sinh, thu dọn lòng hồ đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn hồ đập.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải - Chủ tịch UBND huyện Tương Dương, cho biết: “Rác ngập lòng hồ thủy điện Bản Vẽ thì nhà máy phải có trách nhiệm vệ sinh, tránh ô nhiễm môi trường nguồn nước thượng nguồn. Việc nhà máy nói trách nhiệm việc dọn lòng hồ thuộc về chính quyền khiến chúng tôi hết sức bức xúc. Ai lại rác nhà mình mà đi bắt hàng xóm quét cho cơ chứ?”.
Còn ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ A, khẳng định: “Việc thu dọn rác tại lòng hồ thủy điện phải do đơn vị vận hành, quán lý thực hiện. Việc rác ứ đọng tại lòng hồ thủy điện Bản Vẽ phải do nhà máy này chịu trách nhiệm dọn dẹp. Chúng tôi cũng đã có văn bản gửi tất cả các chủ đập thủy điện, trong đó có thủy điện Bản Vẽ phải làm việc này rồi”.
Tuy nhiên, chiều ngày 13/9, ông Tạ Hữu Hùng – Phó giám đốc Công ty CP thủy điện Bản Vẽ lại cho rằng, không có một văn bản pháp luật nào quy định chủ đập phải dọn rác thải tại lòng hồ sau khi đã vận hành cả. “Chúng tôi không tự tạo ra rác được, lượng rác do thượng nguồn đổ về. Chúng tôi cũng muốn dọn cho sạch chung cho cả cộng đồng nhưng khổ nỗi không có căn cứ pháp luật nên khi dọn xong kiểm toán vào kiểm tra đưa ra khỏi hạng mục được phép chi, thanh toán thì chúng tôi lấy tiền đâu mà bù?”.
Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, mới đây thì phía đơn vị chủ quản là Tổng công ty phát điện 1 đã có văn bản cho phép Công ty CP thủy điện Bản Vẽ được dọn rác ở lòng hồ. Hiện, công tác dọn rác đang được phía nhà máy thủy điện này tìm nhà thầu tiến hành thực hiện.