Đắk Nông: Phát hiện nhiều sai phạm tại dự án nông lâm nghiệp của Công ty Long Sơn

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:05, 12/09/2018

(TN&MT ) - Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông, tại dự án nông lâm nghiệp của Công ty Long Sơn ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức (Đắk Nông), đã phát hiện hàng loạt sai phạm nghiêm trọng. Điển hình như, dù biết dự án đầu tư của Công ty lập với hơn 1.000ha trong khi nguồn nhân lực, phương tiện, tình hình tài chính, các giải pháp đầu tư không khả thi nhưng vẫn được cho thuê đất hay việc tự ý cưỡng chế đất trái pháp luật…
SON1
 Khu vực đất thuộc Công ty Long Sơn quản lý, nhiều lần xảy ra tranh chấp với người dân

Hàng trăm ha sai quy hoạch, sai mục đích

Dự án của Công ty Long Sơn được thẩm định quy mô đầu tư là 1.079ha, gồm: khoanh nuôi quản lý, bảo vệ rừng 507,7ha; trồng hơn 571ha cây trồng các loại. Đến thời điểm thanh tra, toàn bộ 507,7ha rừng được giao cho Công ty Long Sơn đã xóa sổ hoàn toàn (trong đó, 319,3ha đã mất trước tháng 10/2008, 188,4ha đã mất từ tháng 11/2008 đến 10/2013). Trong hơn 571ha mà Công ty Long Sơn đã trồng cây các loại thì có 441ha cao su, 68,1ha rừng...

Theo Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông, trên diện tích đất mà Công ty Long Sơn được giao quản lý (1.079ha), hiện có 229 hộ gia đình lấn chiếm với diện tích gần 724,3ha. Khi triển khai dự án đã mời các hộ dân lấn chiếm trong vùng dự án để thống nhất mức hỗ trợ nhưng không đạt kết quả nên đã chuyển 900 triệu đồng cho UBND huyện Tuy Đức để thực hiện việc cưỡng chế, giải tỏa 150ha. Tuy nhiên, sau khi cưỡng chế, giải tỏa thì các hộ dân vẫn tiếp tục tái lấn chiếm, Công ty Long Sơn không xử lý được và tình hình ngày càng phức tạp.

Còn trong tổng diện tích 1.079ha mà Công ty Long Sơn thuê vào tháng 01/2018 thì đến 23/6/2017, UBND tỉnh Đắk Nông đã thu hồi gần 752ha, hơn 304ha còn lại Công ty tiếp tục quản lý, sử dụng. Theo kết quả xác minh, trên diện tích hơn 304ha này, Công ty Long Sơn đã trồng được gần 10ha cao su đúng quy hoạch, còn hơn 231ha cao su, bơ, hồ tiêu… sai quy hoạch và sai mục đích sử dụng đất, nằm trong 265 ha rừng bị hủy hoại. Cũng trên diện tích này, hiện có 31 hộ dân lấn chiếm hơn 85ha, kiên quyết không giao trả đất. Công ty không thể thực hiện được dự án và cơ quan chức năng cũng lúng túng, chưa có phương án giải quyết ổn định.

Tranh chấp đất với người dân kéo dài

Tháng 5/2008, khi nhận dự án, Công ty Long Sơn đã gửi thông báo đến 100 lượt hộ dân để thỏa thuận hỗ trợ nhưng chỉ 18 hộ dân đến làm việc và không thống nhất nhận hỗ trợ. Sau khi nhận bàn giao thực địa, Công ty đã cùng Đoàn 12 của UBND tỉnh Đắk Nông để giải tỏa hơn 150ha bị người dân lấn chiếm, phá rừng xâm canh nhưng bị chống trả quyết liệt, tình hình an ninh trật tự khu vực rất phức tạp.

Trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa Công ty Long Sơn và người dân, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều cuộc họp, đối thoại nhiều bên để tìm giải pháp nhưng bất thành. Theo đó, Công ty Long Sơn chỉ đồng ý hỗ trợ 3 - 5 triệu đồng/ha để người dân trả đất, di dời, trong khi người dân yêu cầu bồi thường tái định cư, định canh cho họ mới được thu hồi đất. 

Theo báo cáo của Công an huyện Tuy Đức, từ năm 2008 đến nay, trên vùng dự án đã xảy ra 7 vụ án hình sự như gây thương tích, giết người, hủy hoại tài sản, chống người thi hành công vụ, trong đó có vụ án chấn động ngày 23/10/2016 khiến 03 người chết, 13 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2018, Công ty Long Sơn đã có 07 báo cáo về việc bị đốt phá, hủy hoại tài sản, lấn chiếm đất… trên vùng dự án. Trước tình hình này, UBND tỉnh Đắk Nông đã yêu cầu Công an tỉnh, UBND huyện Tuy Đức phải tăng cường lực lượng, đảm bảo an ninh trật tự tại “điểm nóng” này.

SON2
Cây trồng của người dân bị phía Công ty Long Sơn cưỡng chế trái pháp luật

Lập dự án không đúng năng lực tài chính

Theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông, sau khi tách tỉnh năm 2004, tỉnh Đắk Nông chủ trương cho doanh nghiệp cho thuê đất để thực hiện dự án khoanh nuôi, phát triển rừng, trồng cao su… để phát triển kinh tế là đúng đắn. Tuy nhiên trong quá trình cho Công ty Long Sơn thuê 1.079ha để thực hiện dự án đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế…

Cụ thể, Công ty Long Sơn lập dự án không chính xác về năng lực điều hành, tổ chức lao động, năng lực tài chính. Công ty cũng không có cán bộ có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực bảo vệ rừng và quản lý điều hình dự án; lập dự án với tổng mức đầu tư không đúng thực tế tình hình tài chính của Công ty; thiếu năng lực, trách nhiệm trong triển khai thực hiện dự án để xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm, sang nhượng đất rừng trái phép nhưng không có giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn.

Bên cạnh đó, khi nhận bàn giao ngoài thực địa có biến động về diện tích nhưng Công ty Long Sơn đã không kiến nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh lại dự án diện tích khoanh nuôi, quản lý bảo vệ rừng cho phù hợp tình hình thực tế. Khi thực hiện dự án, Công ty để mất gần 184ha rừng tự nhiên, sử dụng 231/265ha đất từ nguồn gốc rừng bị hủy hoại sai quy hoạch đã được phê duyệt, trái mục đích sử dụng.

Ngoài ra, khi bị người dân lấn chiếm đất được cho thuê, Công ty Long Sơn đã tự ý tổ chức thực hiện giải phóng mặt bằng không đúng chức năng, thẩm quyền dẫn đến xung đột với người dân mà đỉnh điểm là vụ án sáng 23/10/2016. Chịu trách nhiệm cho những sai phạm này của Công ty Long Sơn là ông Nguyễn Văn Thành - đại diện pháp luật của Công ty (từ năm 2007 đến tháng 10/2013) và bà Nguyễn Thị Hồng Tươi -  đại diện pháp luật của Công ty (từ tháng 11/2013 đến nay).

Nhiều cơ quan quản lý liên quan sai phạm

Cũng theo kết luận của Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông, liên quan đến các sai phạm này còn có những người đứng đầu, lãnh đạo ở các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNN), Kế hoạch và Đầu tư, UBND huyện Tuy Đức… Cụ thể, Sở NN&PTNN Đắk Nông (giai đoạn 2006 - 2007) dù biết dự án đầu tư của Công ty Long Sơn lập với hơn 1.000ha trong khi nguồn nhân lực, phương tiện, tình hình tài chính, các giải pháp đầu tư không khả thi nhưng Sở này vẫn ban hanh văn bản thẩm định dự án.

Kết quả phúc tra vào tháng 10/2008 có sự biến động về diện tích rừng, đất rừng là hơn 319ha so với Quyết định cho thuê đất của UBND tỉnh Đắk Nông nhưng Sở NN&PTNN vẫn không đề xuất phương án xử lý dứt điểm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất. Sở NN&PTNN cũng không hướng dẫn Công ty Long Sơn điều chỉnh quy mô dự án cho phù hợp hiên trạng; không chỉ đạo lực lượng Kiểm lâm theo dõi diện biến tài nguyên rừng, đất lâm nghiệp nhằm hoạch định chính sách lâm nghiệp địa phương, phục vụ công tác bảo vệ, phát triển rừng.

Đối với Sở Tài nguyên và Môi trường, khi xây dựng đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển Lâm trường Quảng Tín đã không tham mưu UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp quản lý dử dụng đất dẫn đến việc không rà soát hiện trạng, giải quyết dứt điểm đối với trường hợp lấm chiếm đất rừng để chỉnh lý, cập nhật hồ sơ địa chính… Ngoài ra, việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho thuê đất, rừng đối với dự án của Công ty Long Sơn cũng chưa chặt chẽ; tham mưu UBND tỉnh cho Công ty Long Sơn thuê đất, rừng khi chưa giải quyết dứt điểm diện tích đang bị người dân lấn chiếm, xâm canh.

Riêng đối với Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao đánh giá năng lực tài chính của Công ty Long Sơn nhưng còn chủ quan. Với quy mô dự án là 1.079 ha, doanh nghiệp dự toán giai đoạn kiến thiết cơ bản cần gần 38 tỉ đồng, trong đó 80% là vốn tự có, 20% là vốn vay. Qua thẩm tra hồ sơ, thì doanh nghiệp không đảm bảo năng lực tài chính nhưng không hiểu vì sao Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn kết luận doanh nghiệp đủ năng lực và đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông cấp giấy chứng nhận đầu tư.

Còn đối với Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông có trách nhiệm tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định cho Công ty Long Sơn thuê 1.079ha đất rừng đã có câu chữ không chuẩn dẫn đến hiểu nhầm, ngộ nhận. Cụ thể, tại điều 2 của Quyết định cho Công ty Long Sơn thuê đất có nội dung yêu cầu Công ty “thỏa thuận, hỗ trợ bồi thường thiệt hại đối với các hộ dân đang sử dụng đất và chỉ được sử dụng diện tích đất để sử dụng dự án trên khi được sự chấp thuận của chủ sử dụng đất cũ”.

Theo Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông, mục đích của nội dung trên là nhằm tránh thiệt thòi cho người dân có đất lấn chiếm, sang nhượng trái phép nhưng thiếu chặt chẽ, gây ngộ nhận cho người dân cố tình hiểu không đúng pháp luật về đất đai, yêu cầu bồi thường và đòi đảm bảo quyền lợi như chủ sở hữu đất hợp pháp. Trong kết luận, Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông cũng chỉ ra nhiều sai phạm của UBND huyện Tuy Đức trong việc quản lý rừng, quản lý đất đai và dân di cư tự do dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng ở địa phương quá mức kiểm soát… trên địa bàn tỉnh.

Đề nghị chuyển hồ sơ qua Cơ quan Công an xử lý hình sự

Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông kiến nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính giá trị thiệt hại về rừng đã bị phá, lấn chiếm để buộc Công ty Long Sơn phải bồi thường thiệt hại. Liên quan đến các sai phạm của các Sở, ngành, địa phương Thanh tra tỉnh Đắk Nông đề nghị xử lý trách nhiệm cá nhân, tập thể ở những giai đoạn vi phạm theo kết luận của Thanh tra tỉnh.

Thanh tra Nhà nước tỉnh Đắk Nông cũng cho rằng: Hành vi sử dụng đất không đúng quy hoạch đã được duyệt, sai mục đích sử dụng trên diện tích hơn 231 ha đất có nguồn gốc đất rừng bị hủy hoại là vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Vì vậy, đề nghị UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để xử lý hình sự đối với đại diện theo pháp luật của Công ty Long Sơn từ 2008 đến nay.