Hà Nội: Chuyện hy hữu trong vụ chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân tại xã Vạn Phúc, Thanh Trì
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:17, 28/08/2018
Chuyện hy hữu
Trong đơn kêu cứu của hơn 100 hộ dân sống tại xã Vạn Phúc, huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội gửi tới Báo Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, năm 2003, các hộ dân nơi đây đã ký thỏa thuận với Công ty TNHH Xây dựng Công trình Hoàng Hà (Công ty Hoàng Hà), đồng ý cho thuê đất nông nghiệp (được giao cho người dân theo Nghị định 64/CP - PV) để làm nơi tập kết vật liệu xây dựng. Giá thuê 200.000 đồng/sào/năm. Thời hạn thuê 14 năm (từ năm 2003 - 2017), khi hết hạn thuê đất, Công ty Hoàng Hà phải trả lại mặt bằng để người dân tiếp tục canh tác.
Tuy vậy, mấy năm đầu, Công ty Hoàng Hà cũng chỉ sử dụng diện tích đất thuê đó để trồng ngô như người dân. Đến khoảng giữa năm 2006, Công ty Hoàng Hà cho người về vận động nhân dân để tiếp tục thuê thêm diện tích. Giá thuê được nâng lên thành 90.000 đồng/m2 (kéo dài từ năm 2006 - 2017). Điều kiện Công ty Hoàng Hà đưa ra là người dân phải cho mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để họ đi phô tô. Theo các hộ dân, Công ty Hoàng Hà mượn Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục xin TP. Hà Nội cấp phép cho diện tích đất nêu trên làm bãi tập kết vật liệu xây dựng. Các hộ dân đã đồng ý và cử người đi nhận tiền và ký vào sổ biên nhận. Đáng nói ở chỗ, mọi giao dịch diễn ra vào năm 2006 đều bằng miệng chứ không có hợp đồng.
Sự việc phát sinh vào giữa năm 2016, khi xã Vạn Phúc tiến hành dồn điền đổi thửa và các hộ phải đi đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi làm thủ tục, người dân mới ngã ngửa biết tin, diện tích mà họ cho Công ty Hoàng Hà thuê trước đây đã được bán đứt cho Công ty này từ bao giờ.
Trao đổi với Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, bà Nguyễn Thị Thắng (1 trong những người được hơn 100 hộ dân ủy quyền đứng đơn kêu cứu) cho biết: “Sau khi biết thông tin đất của mình bị bán đứt cho Công ty Hoàng Hà, hơn 200 hộ dân đã kéo tới trụ sở UBND xã Vạn Phúc để yêu cầu làm rõ. Chúng tôi khẳng định, không ký giấy bán đất mà chỉ ký thỏa thuận cho thuê đất 14 năm với Công ty Hoàng Hà. Sau đó, phía xã cung cấp các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hơn 200 hộ dân đã ký với Công ty Hoàng Hà. Càng ngạc nhiên hơn bởi chúng tôi không hề biết tới hợp đồng này và không có chuyện ký vào đó. Tất cả chữ ký (gồm chữ ký của chủ thửa đất và các thành viên trong gia đình) đều là giả mạo”.
Bà Lã Thị Tám, hộ dân có liên quan chia sẻ: “Từ trước tới nay, chúng tôi chỉ ký vào giấy thỏa thuận cho Công ty Hoàng Hà thuê đất 14 năm và ký Giấy xác nhận cho Công ty này mượn sổ đỏ để họ đi phô tô chứ không ký giấy bán đất. Sau khi phát hiện sự việc, chúng tôi đã làm đơn kêu cứu gửi cơ quan chức năng đề nghị làm rõ ai đã giả mạo chữ ký của chúng tôi để ký vào hàng loạt các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đó. Tuy vậy, đến hiện tại, vấn đề chưa được giải quyết”.
Người đã khuất cũng ký giấy bán đất
Trong quá trình trao đổi với PV, người dân đã cung cấp những bằng chứng cụ thể để chứng minh hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là giả mạo. Bởi trong số những hộ dân ký xác nhận bán đất cho Công ty Hoàng Hà, có những người đã qua đời, có người không biết chữ và có người chưa đủ năng lực dân sự.
Được biết, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa Công ty Hoàng Hà với các hộ dân được ký kết trước sự chứng thực của UBND xã Vạn Phúc. Tuy vậy, anh Nguyễn Hữu Vĩnh, thôn 3, xã Vạn Phúc bức xúc: “Chúng tôi nghi ngờ lãnh đạo xã Vạn Phúc và Công ty Hoàng Hà bắt tay nhau để làm giả hồ sơ, chữ ký của các hộ dân. Tại sao chúng tôi ký giấy bán đất, chúng tôi lại không có hợp đồng? Tại sao mãi cuối năm 2016, khi sự việc xảy ra, UBND xã Vạn Phúc mới thông báo cho tất cả các hộ dân ra xã để nhận bản sao hợp đồng chuyển nhượng đất? Tại sao người đã mất, người không biết chữ, người không đủ năng lực dân sự vẫn ký tên đồng ý bán đất cho Công ty Hoàng Hà?”
Đơn cử, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Mão, thôn 3, xã Vạn Phúc mất năm 2005 (có Giấy chứng tử - PV) nhưng năm 2007, vẫn “có mặt” để ký vào Hợp đồng số 24/HĐ-HH ngày 6/2/2007, đồng ý chuyển nhượng 160 m2 đất của gia đình cho Công ty Hoàng Hà. Chị Nguyễn Ngọc Bích (SN 1993, thôn 3, xã Vạn Phúc) khi ký giấy đồng ý bán đất cho Công ty này mới chỉ 14 tuổi và chưa đủ năng lực dân sự. Con trai bà Lã Thị Tám là anh Đinh Trọng Bình không biết chữ nhưng cũng tham gia ký tên bán đất (thậm chí, chữ của anh Bình rất đẹp?!).
Bà Nguyễn Thị Thắng cho biết thêm: “Tôi được biết, trong số các hợp đồng chuyển nhượng, có 3 hộ mà chủ hộ đã mất nhưng vẫn ký tên bán đất. Ngoài ra, người không biết chữ, chưa đủ năng lực dân sự tham gia ký tên bán đất rất nhiều. Vậy ai là người đã giả mạo chữ ký của chúng tôi? Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội làm rõ điều này”.
Nhằm xác minh thông tin nêu trên, PV đã có buổi làm việc với lãnh đạo xã Vạn Phúc. Ông Chử Mạnh Thắng, Chủ tịch UBND xã Vạn Phúc cho biết: “Vụ việc của hơn 100 hộ dân thôn 3 đã được các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội và huyện Thanh Trì trả lời nhưng họ không đồng tình. Vì thế hiện nay, Sở TN&MT thành phố vẫn tiếp tục thanh, kiểm tra sự việc để trả lời người dân”.
Trước sự việc nhiều hợp đồng ký kết giữa Công ty Hoàng Hà và các hộ dân có điểm bất thường, ông Thắng thẳng thắn thừa nhận: “Thông tin người đã chết, người chưa đủ năng lực dân sự, thậm chí, người không biết chữ nhưng vẫn ký tên bán đất cho Công ty Hoàng Hà là có. Tuy vậy, thời điểm họ ký kết hợp đồng và có sự chứng thực của lãnh đạo UBND xã, tôi không tham gia chứng thực nên không rõ. Người chứng thực là Chủ tịch UBND xã và cán bộ Tư pháp xã lúc đó đều đã qua đời. Về những trường hợp mà hồ sơ có vấn đề rõ ràng như thế, chúng tôi đã hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa để tòa phân xử. Chúng tôi cũng đã làm hết trách nhiệm”.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.