Thừa Thiên Huế: Các bãi tập kết cát trái phép “lơ” lệnh cấm của UBND huyện Phong Điền
Tiếng dân - Ngày đăng : 15:31, 26/08/2018
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế từng ban hành nhiều quyết định về việc quản lý, sử dụng các bến, bãi tập kết vật liệu xây dựng cát, sỏi trên địa bàn tỉnh; tuy nhiên, hiện tỉnh này vẫn tồn tại rất nhiều bãi tập kết cát, sỏi tự phát; trong khi các bãi nằm trong quy hoạch vẫn quản lý khó khăn.
Thời gian qua, các bãi tập kết cát trái phép xuất hiện trên địa bàn các xã Phong An, Phong Hiền, Phong Sơn (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã gây ô nhiễm, đường sá xuống cấp nghiêm trọng... Xung quanh các bãi tập kết đều không có tường rào che chắn, không có hệ thống xử lý chất thải, cát đưa lên đây được tập kết tràn lan trên những vùng đất trống phía sau nhà của nhiều hộ dân khiến họ tỏ ra rất bức xúc.
Cách đây 2 tháng, lãnh đạo UBND huyện Phong Điền đã yêu cầu Phòng Kinh tế và Hạ tầng cho thành lập đoàn kiểm tra liên ngành xuống kiểm tra thực tế đối với các bãi tập kết nằm trên địa bàn.
Phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Phong Điền báo cáo rằng, thực tế huyện hiện có đến 20 bãi tập kết vật liệu xây dựng của các tổ chức và cá nhân. Cụ thể, ở Phong Bình có 6 bãi (2 bãi được quy hoạch, 4 bãi hoạt động tự phát); xã Phong An có 5 bãi (1 bãi ngừng hoạt động, 2 bãi được quy hoạch và 2 bãi tự phát); xã Phong Sơn có 4 bãi (1 bãi được quy hoạch và 3 tự phát); xã Phong Hiền 4 bãi (2 bãi quy hoạch và 2 bãi hoạt động tự phát); xã Phong Thu có 1 bãi quy hoạch.
Sau khi kiểm tra, 20 bãi tập kết vật liệu xây dựng nói trên đều hoạt động chưa đúng theo các quy định tại điều 4- Quyết định 936 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế nên đã yêu cầu UBND các xã kiên quyết đóng cửa đối với các bãi tự phát.
Liên quan đến vấn đề trên, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường hồi tháng 7, ông Trịnh Đức Hùng- Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết: “Các bãi trên đã tồn tại lâu rồi; UBND huyện đã có lịch trình mời các chủ hộ lên để họp, tuyên truyền pháp luật và bắt cam kết dừng hoạt động đối với các bãi tập kết vi phạm. Huyện cũng cho thời gian để các hộ bán hết số các còn tồn đọng; nếu đã vi phạm mà vẫn còn tái diễn, ngang nhiên hoạt động thì huyện sẽ tiến hành cưỡng chế”.
Tuy nhiên, đã gần 2 tháng trôi qua nhưng các bãi tập kết cát trái phép vẫn ngang nhiên hoạt động, còn chính quyền địa phương thì lại đang “loay hoay” tìm cách giải quyết.
Có mặt tại các bãi tập kết cát trái phép ở xã Phong Hiền vào những ngày cuối tháng 8, theo ghi nhận, gần dưới chân cầu An Lỗ dọc theo sông Bồ có đến 4-5 bãi tập kết cát nằm liền kề nhau; hoạt động mua, bán cát tại các điểm tập kết này vẫn diễn ra rầm rộ và công khai. Trong bãi tập kết những chiếc máy vẫn đang “chăm chỉ” hút cát từ dưới lòng sông đưa lên bãi.
Quan sát tại cửa ra, vào ở các bãi tập kết, lượng xe tải chở cát lưu thông ra, vào khá nhiều. Những chiếc xe tải chở cát cứ nối đuôi nhau ra vào nhưng không hiểu vì sao lực lượng chức năng không xử lý.
“Những bãi cát này đã tồn tại lâu nay, mỗi ngày có hàng chục chiếc xe tải ra vào chở cát làm bụi bay tứ tung, đường sá xuống cấp nặng. Bà con nơi đây đã không ít lần gửi đơn lên chính quyền địa phương về tình trạng này nhưng mọi chuyện vẫn như không...”, một người dân phản ánh.
Ông Trần Đức Thiện- Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, ngoài các bãi tự phát vốn đã sai thì 2 bãi đã được quy hoạch vẫn không đảm bảo đầy đủ các quy định theo nghị định của UBND tỉnh.
“Chính quyền địa phương đã nhiều lần đi kiểm tra và lập biên bản xử lý đối với các bãi vi phạm, tính từ đầu năm 2018 chúng tôi cũng đã tiến hành lập biên bản xử phạt rất nhiều trường hợp. Khi có công văn của UBND huyện thì chính quyền xã đã ra quyết định xử lý đối với bãi cát của bà Nguyễn Thị Gái, nhưng một trong một thời gian sau thì họ lại hoạt động lại- ông Thiện cho hay.
Cũng theo ông Thiện, các bãi này đã hình thành từ lâu, theo kế hoạch mà đóng cửa một lúc là rất khó. Những bãi này có nguyện vọng xin đưa vào quy hoạch bổ sung nhưng huyện chưa đồng ý. Nếu mà các bãi này vẫn bất chấp để hoạt động thì chính quyền xã sẽ phối hợp các cơ quan liên ngành tiến hành lập biên bản để báo cáo với huyện và tìm cách xử lý.
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.