Tàn phá rừng Bắc Kạn
Tiếng dân - Ngày đăng : 09:39, 15/08/2018
Câu chuyện buồn 4 thành viên trong 1 gia đình người dân tộc Dao ở xã Cao Kỳ, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn đã chịu án phạt tù vì tội phá rừng trái pháp luật vừa mới khép lại, thì chỉ ít thời gian sau tại địa bàn huyện Pác Nặm lại xảy ra vụ việc phá rừng nghiêm trọng khác. Vụ việc này không chỉ người dân mà cán bộ, đảng viên, thậm chí lãnh đạo UBND xã An Thắng, huyện Pác Nặm cũng tham gia phá rừng trên quy mô lớn, khiến nhiều ha rừng bị tàn phá…
Theo báo cáo của UBND huyện Pác Nặm, qua kiểm tra thực tế tại hiện trường, thăm nắm thông tin: có 25 hộ đã vi phạm phát, phá vào rừng sản xuất, thuộc trạng thái rừng tự nhiên phục hồi sau nương rẫy. Các loài cây chủ yếu là Sau sau, Kháo, Mận rừng và một số loài ưa ánh sáng. Tổng diện tích rừng bị phát, phá là 10,909 ha với 3.581 cây bị chặt hạ, khối lượng 623,121 m3.
Theo nhận định của ngành chức năng thì đây là vụ việc rất phức tạp, có nhiều người thực hiện hành vi cùng một thời điểm, đặc biệt có sự tham gia trực tiếp của người nhà lãnh đạo xã, thôn, cùng một số chức danh khác của xã. Và cá biệt có hộ bà Vương Thị Hà là vợ Chủ tịch UBND xã An Thắng đã chặt phá 1,998ha rừng. Tổng số cây bị chặt hạ 635 cây với khối lượng 103,435m3. Theo cơ quan chức năng, đây là vụ việc vi phạm rất nghiêm trọng các quy định hiện hành của Đảng và Nhà nước trong quản lí, bảo vệ, phát triển rừng và các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn. Vụ việc đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu UBND tỉnh Bắc Kạn phải xử lý nghiêm minh các đối tượng vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả.
Đến đầu tháng 7/2018, Tại vườn Quốc gia Ba Bể, nơi bất khả xâm phạm lâm sản rừng thì lại xảy ra vụ chặt trộm cây gỗ nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi. Trạm Kiểm lâm Đán Đeng, Vườn quốc gia Ba Bể phát hiện tại khoảnh 2, tiểu khu 59, thuộc địa phận xã Cao Thượng, huyện Ba Bể có một cây gỗ nghiến có giá trị thuộc nhóm IIA bị chặt hạ trái phép với khối lượng gỗ 24,068 m3.
Tại thời điểm kiểm tra không phát hiện đối tượng vi phạm. Trông cây nghiến già cổ thụ bị đốn hạ nằm lặng giữa rừng già mà thấy xót ruột vô cùng. Những thớ gỗ đỏ au còn rỉ nhựa như máu. Cây nghiến bị chặt hạ trái phép có kích thước rất lớn, vài người vòng tay ôm mới trọn thân cây. Một số đoạn thân đã bị lâm tặc cắt khúc, chuẩn bị xẻ nhỏ để vận chuyển đi. Theo đánh giá của những người già bản địa nhận định: Một cây nghiến to như vậy có tuổi đời lên tới hàng trăm năm. Hiện nay, vụ việc vẫn đang làm đau đầu cơ quan chức năng liên quan vì khó tìm ra thủ phạm.
Mới đây, theo cơ quan sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn báo cáo vào ngày 30/7, Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại khu rừng tự nhiên thuộc các thôn Ma Nòn, Khau Liêu, xã Thượng Quan, có 17 cây gỗ các loại từ nhóm III đến nhóm VII như Dổi, Dẻ, De, Chò Chỉ .v.v. bị chặt hạ với tổng khối lượng 87, 368m3.
Theo ông Nguyễn Mỹ Hải, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bắc Kạn cho biết: Khu vực 17 cây gỗ lớn bị chặt hạ nằm ở vạt rừng giáp ranh giữa xã Thượng Quan, huyện Ngân Sơn của tỉnh Bắc Kạn và xã Quang Trọng, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ngay sau khi xảy ra vụ vi phạm, Sở NN&PTNT đã báo cáo UBND tỉnh, tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo. Quan điểm của tỉnh là chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra xác minh làm rõ đối tượng vi phạm để xử lý theo pháp luật, đồng thời sẽ kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vụ phá rừng trái phép tại địa phương.
Theo bà Chu Thị Huyền, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Việc trông giữ rừng ở Ngân Sơn là rất khó khăn. Địa bàn huyện rộng. Diện tích đất rừng chiếm 11.147,35ha/16.097,25ha đất tự nhiên. Trên địa bàn huyện có 01 cán bộ kiểm lâm địa bàn trông nom, kiểm soát hơn 11 nghìn ha rừng. Địa hình đèo dốc, núi cao, rừng rú bạt ngàn rất khó khăn cho việc phát hiện ra phá rừng. Đất rừng tự nhiên đã giao cho người dân quản lí nhưng không có cơ chế hỗ trợ tiền công chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên cho họ nên kết hợp với nhận thức không cao về pháp luật bảo vệ rừng, người dân dễ để mất rừng lắm. Đây là khó khăn lớn nhất của huyện. Lãnh đạo huyện băn khoăn nhiều nhưng chưa có cách nào giải quyết được tình trạng này.
Tại hiện trường, ngoài khu vực 17 cây gỗ có giá trị bị chặt hạ thì tại thôn Khau Liêu, lực lượng chức năng cũng phát hiện gần 1ha rừng tự nhiên (chủ yếu là cây vầu, gỗ) bị chặt hạ trái phép….Các khu vực rừng có cây bị chặt hạ hầu hết thuộc diện rừng tự nhiên sản xuất đã được giao cho 5 hộ gia đình quản lý, bảo vệ.
Vụ việc này có tính chất phức tạp. Hiện cơ quan chứng năng của tỉnh Bắc Kạn, huyện Ngân Sơn đã vào cuộc canh giữ hiện trường và điều tra đối tượng chặt phá rừng ở Thượng Quan.
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục cập nhật thông tin về vụ việc này.