Bình Xuyên, Vĩnh Phúc: Ai tiếp tay cho doanh nghiệp ngang nhiên phá rừng sản xuất?

Tiếng dân - Ngày đăng : 12:03, 15/08/2018

(TN&MT) – Khoảng 3,5 ha rừng sản xuất của Nông trường Tam Đảo (thuộc xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã bị một số doanh nghiệp san ủi, cho xây dựng các trạm trộn bê tông trái phép. Điều đáng nói là dù nhiều đoàn kiểm tra của huyện Bình Xuyên và của tỉnh Vĩnh Phúc đã xuống kiểm tra, làm việc nhưng hoạt động xây dựng ở đây vẫn diễn ra rầm rộ.

Phản ánh của người dân xã Thiện Kế, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc tới báo TN&MT cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã xuất hiện 2 trạm trộn bê tông rất lớn ở đồi Hiệp Thuận gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân quanh khu vực. Theo người dân nơi đây, những trạm trộn bê tông này hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết. Những chiếc xe trọng tải lớn chở cát, sỏi và bê tông thành phẩm chạy rầm rập gây ra tiếng ồn và bụi bặm. Không chỉ vậy, do xe tải trọng lớn chạy liên tục nên hệ thống đường giao thông bị xuống cấp rất nhanh.
 

pha rung o Binh Xuyen 1
Hàng loạt công trình vẫn đang được xây dựng trên diện tích đất rừng sản xuất của Nông trường Tam Đảo

Nhằm làm rõ thông tin phản ánh, PV báo TN&MT đã có mặt tại đồi Hiệp Thuận vào những ngày đầu tháng 8 để ghi nhận thực tế. Quan sát của PV cho thấy, đây là một ngọn đồi khá lớn, trồng rất nhiều tràm. Tuy nhiên, ngọn đồi đã bị san phẳng để xây dựng các trạm trộn bê tông, làm nơi tập kết vật liệu, làm cây xăng, dựng lán và hàng loạt các công trình khác. Thời điểm PV có mặt, 4 chiếc máy xúc cỡ lớn vẫn hoạt động hết công suất, san ủi đất xuống các triền đồi tạo thành một mặt bằng rộng mênh mông. Ngoài ra, chủ đầu tư đã cho san và hạ cốt nền để làm thành 3 con đường lớn dẫn đến đỉnh đồi, phục vụ các phương tiện vận tải hoạt động.

Tìm hiểu thêm PV được biết, hai trạm trộn bê tông này thuộc sở hữu của HTX Vật liệu xây dựng Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần bê tông Phúc Thành. Khu vực mà hai trạm trộn bê tông này hoạt động có diện tích rộng hàng vạn mét vuông. Ngoài việc sản xuất bê tông, các đơn vị này còn tận dụng làm xưởng sản xuất gạch, khu tập kết, mua bán vật liệu xây dựng ...

Điều đáng nói là hỏi người dân quanh khu vực, không ai là không biết hai trạm trộn bê tông này. Bác Nguyễn Đình H. (một người dân sống gần khu vực trạm trộn bê tông) cho biết: “Họ làm rầm rập suốt thời gian dài nhưng chúng tôi có thấy lực lượng nào về kiểm tra, xử lý đâu. Trong khi trụ sở UBND xã cách đó chưa đầy 700m và xe tải trọng lớn thì chạy đi chạy lại suốt ngày đêm. Tôi không rõ là cơ quan chức năng có vào cuộc kiểm tra, xử lý hay không nhưng như các anh thấy đấy, việc thi công và sản xuất bê tông vẫn hoạt động hết sức rầm rộ”.
 

pha rung o Binh Xuyen 2
Những chiếc máy xúc vẫn miệt mài làm việc

Nhằm làm rõ thông tin phản ánh trên, PV báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Đào Trọng Tuấn, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND xã Thiện Kế. Tại buổi làm việc, ông Tuấn cho biết: “Toàn bộ khu vực đồi Hiệp Thuận được tỉnh Vĩnh Phúc cấp cho Nông trường Tam Đảo từ những năm 1960. Hiện trạng sử dụng đất ở đó là rừng sản xuất. Do UBND xã không quản lý khu đất này nên chúng tôi không biết trạm trộn bê tông xuất hiện từ bao giờ, việc xây dựng có được phép hay không? Bởi trách nhiệm xử lý thuộc thẩm quyền của tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi nhân dân có ý kiến, tôi đã báo cáo sự việc với UBND huyện Bình Xuyên”.

Đối với tình trạng các doanh nghiệp ngang nhiên phá rừng sản xuất để xây trạm trộn bê tông trái phép và hoạt động gây ô nhiễm môi trường, ông Đào Trọng Tuấn cũng nói rằng không biết thông tin này. “Trên địa bàn chúng tôi đang xây dựng mấy khu công nghiệp. Tôi cứ tưởng hoạt động của những trạm trộn bê tông này nhằm phục vụ xây dựng các khu công nghiệp đó. Hơn nữa, vị trí đặt trạm trộn thuộc đất của Nông trường Tam Đảo nên chúng tôi không biết, không kiểm tra, không theo dõi”.
 

pha rung o Binh Xuyen 3
Vật liệu xây dựng được tập kết với số lượng lớn tại đây

Được biết, ngày 15/5/2018, UBND huyện Bình Xuyên đã có văn bản số 567/TNMT-UBND gửi tỉnh Vĩnh Phúc để báo cáo về sự việc nêu trên. Theo văn bản này, 2 trạm trộn bê tông được xây dựng trên đồi Hiệp Thuận có diện tích khoảng 3,5ha chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Việc 2 trạm trộn bê tông hoạt động trái phép khiến cho người dân bức xúc và đã có ý kiến phản ánh lên chính quyền địa phương. Tuy nhiên, do UBND huyện Bình Xuyên không đủ thẩm quyền nên đã đề nghị UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật đất đai tại khu vực này.

Điều đáng nói ở chỗ, trong văn bản báo cáo gửi tỉnh Vĩnh Phúc, huyện Bình Xuyên đã không không báo cáo việc các doanh nghiệp này ngang nhiên phá rừng sản xuất để xây trạm trộn bê tông. Báo cáo chỉ nói rất chung chung về việc có hai trạm trộn bê tông xây dựng trên diện tích đất chưa được cơ quan chức năng cho phép.

Đáng nói hơn, dù huyện Bình Xuyên đã báo cáo sự việc với tỉnh Vĩnh Phúc từ tháng 5/2018 nhưng cho tới thời điểm PV có mặt vào tháng 8/2018, hoạt động xây dựng và sản xuất của những doanh nghiệp nêu trên vẫn được tiến hành rất rầm rộ, công khai. Theo nguồn tài liệu mà PV tiếp cận được, có vẻ như không có văn bản nào của các cơ quan chức năng yêu cầu những doanh nghiệp vi phạm này phải tạm dừng hoạt động hoặc có những biện pháp quyết liệt hơn. Liệu có khuất tất gì đằng sau sự chậm trễ bất thường của cả huyện Bình Xuyên lẫn tỉnh Vĩnh Phúc trong việc xử lý vấn đề trên?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc...