Tĩnh Gia (Thanh Hóa): Dân phản đối Công ty Thành Phát nổ mìn gây nguy hiểm

Tiếng dân - Ngày đăng : 22:04, 10/08/2018

(TN&MT) – Việc nổ mìn khai thác đá của Công ty Thành Phát gây ảnh hưởng, làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục hộ dân thôn Tân Phúc, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Mỏ đá chỉ cách hộ dân chưa tới 100m, mỗi lần nổ mìn nhà cửa bị rung lắc, bụi phủ mù mịt, nước sinh hoạt bị ô nhiễm, nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng tới tính mạng của người dân.  

Ngày 17/4/2014, UBND tỉnh Thanh Hóa có Quyết định số 135/GP-UBND cho phép Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Thành Phát (đc: số 144A, đường 4- Khu liền kề Tân Hương, phường Đông Hương, tp Thanh Hóa) được khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường bằng phương pháp lộ thiên tại núi Gò Trường, xã Tân Trường, huyện Tĩnh Gia.
 

Mỏ đá cách nhà ông Nguyễn Văn Huế chưa đầy 100m, không đảm bảo khoảng cách an toàn khi nổ mìn.
Mỏ đá cách nhà ông Nguyễn Văn Huế chưa đầy 100m, không đảm bảo khoảng cách an toàn khi nổ mìn.

Ngày 22/8/2017, UBND tỉnh Thanh Hóa ra giấy phép số 325/GP-UBND, cho phép Công ty CP Đầu tư và thương mại dầu khí Thành Phát (Công ty Thành Phát) được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác đá làm vật liệu xây dựng. Tại điều 2 của giấy phép: Theo phương án nổ mìn được Giám đốc Công ty Thành Phát phê duyệt tại Quyết định số 23/QĐ-CT ngày 01/08/2017, được Sở Công thương thẩm tra tại Công văn số 860/SCT-KT&ATCN ngày 07/08/2017. Yêu cầu công ty Thành Phát thực hiện đúng phương án nổ mìn đã được lập, kho bảo quản VLNCN  đảm bảo theo quy định; bán kính nổ mìn cách nhà ở của dân tối thiểu 300m, cách công trình, thiết bị tối thiểu 150m; đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản theo đánh giá tác động môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 

Được biết, vào cuối năm 2017, Công ty Thành Phát đã chuyển nhượng toàn bộ mỏ đá cho hộ ông Nguyễn Trọng Niên, người thôn Tân Phúc. Hiện tại ông Niên là người khai thác và hưởng lợi từ mỏ đá. Trước đây khi công ty Thành Phát khai thác, hàng tháng phía công ty có hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng sống xung quanh mỏ đá. Thế nhưng từ khi hộ ông Nguyễn Trọng Niên mua lại và tiến hành khai thác, các hộ dân cho biết ông Niên không hỗ trợ gì.
 

Nhà cửa của các hộ dân sống xung quanh mỏ đá bị nứt toác.
Nhà cửa của các hộ dân sống xung quanh mỏ đá bị nứt toác.

Theo ghi nhận thực tế của PV, mỏ đá nằm ngay sát nhà dân, hàng chục hộ dân đang chịu ảnh hưởng từ mỏ đá, nhà cửa bị nứt toác, nước sinh hoạt không thể dùng được vì bụi đá, mỗi lần nổ mìn bụi phủ kín cả một vùng và nguy hiểm tính mạng do khoảng cách nổ mìn quá gần. Như hộ gia đình Nguyễn Văn Huế nhà cách mỏ đá chưa tới 100m, mỗi lần nổ mìn ông phải mang cháu nhỏ đi sơ tán.
 

Quá bức xúc trước thực trạng nổ mìn làm đảo lộn cuộc sống, nguy hiểm tới tính mạng, các hộ dân thôn Tân Phúc đã làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã. Qua kiểm tra thực tế, UBND xã Tân Trường có trả lời các hộ dân như sau: Cả ba hộ dân kiến nghị  trong đơn đều nằm trong khoảng cách không an toàn về người khi công ty nổ mìn; nhà của các hộ dân bị nứt; ngoài ra hộ gia đình ông Lê Tăng Xa do công ty đổ đá, đất làm bờ cản bụi, giảm tiếng ồn cho khu dân cư làm đổ tường rào và chuồng trại chăn nuôi, công ty đã khắc phục lại cho gia đình.
 

UBND xã Tân Trường cũng yêu cầu ông Nguyễn Trọng Niên thỏa thuận hỗ trợ với các hộ dân bị ảnh hưởng môi trường do sản xuất, khai thác mỏ gây ra trước ngày 31/05/2018 để ổn định cuộc sống.
 

Bể nước sinh hoạt bỏ không vì ô nhiễm từ bụi đá.
Bể nước sinh hoạt bỏ không vì ô nhiễm từ bụi đá.

Ông Nguyễn Văn Huế (nhà cách mỏ đá chưa đầy 100m) bức xúc cho biết: Gia đình tôi ở ngay sát mỏ đá, mỗi lần nổ mìn nhà rung lắc rất mạnh, hiện tại tường đã bị nứt toác hết. Nước giếng khoan thì không thể dùng ăn uống được vì bơm lên nước đục vì bụi đá, gia đình phải mua nước bình về nấu nướng và uống. Tôi và các hộ dân cũng làm đơn kiến nghị gửi lên UBND xã, xã cũng đã làm việc với các hộ và ông Nguyễn Trọng Niên. Gia đình tôi yêu cầu phải đền bù, để gia đình tôi chuyển đi nơi khác sinh sống, chứ ở như thế này ô nhiễm đã đành, mỗi lần nổ mìn lúc nào cũng nơm nớp lo nhà cửa bị ảnh hưởng, nhà có mấy cháu nhỏ phải đi sơ tán.
 

Cũng chung những bức xúc đó, bà Lê Thị Hải cho biết: Khổ lắm cô chú à, nhà cửa nứt toác, bụi đá thì mù mịt, máy xay nghiền hoạt động tới nửa đêm không tài nào ngủ được. Vào ngày 29/04, công ty lại cho công nhân nổ mìn vào 12h30, cháu tôi chưa đầy 2 tuổi đang nằm trên giường văng xuống đất. Bình thường trời nắng thì bụi đá mù mịt như sương mù, bể nước không dùng được, giếng khoan bơm lên đục chỉ để rửa chứ không ăn được, chỉ cần nắng mấy ngày là mái nhà phủ kín một lớp trắng xóa. Xã cũng đã mời gia đình lên làm việc với ông Nguyễn Trọng Niên, yêu cầu ông Niên thỏa thuận thống nhất mức hỗ trợ cho người dân trước ngày 31/05/2018. Nhưng tới giờ vẫn chưa thấy ông Niên nói năng gì. Không hiểu vì sao, ngành chức năng lại cấp phép mỏ đá ngay sát nhà dân như thế. Chúng tôi kiến nghị dừng hoạt động mỏ đá để đảm bảo tài sản, tính mạng của người dân.
 

Ông Nguyễn Ngọc Bê – Chủ tịch UBND xã Tân Trường xác nhận tình trạng khai thác, sản xuất đá của mỏ đá công ty Thành Phát (hiện tại ông Nguyễn Trọng Niên đang khai thác và hưởng lợi) ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân. Với thẩm quyền của xã cũng đã mời 2 bên lên làm việc và yêu cầu ông Niên thỏa thuận hỗ trợ cho các hộ dân!
 

Trong giấy phép sử dụng vật liệu nổ công nghiệp, quy định rõ; bán kính nổ mìn cách nhà ở của dân tối thiểu 300m, cách công trình, thiết bị tối thiểu 150m. Thế nhưng, khoảng cách từ mỏ đá tới hộ ông Nguyễn Văn Huế chỉ mấy chục mét, các hộ dân khác cũng chỉ khoảng 100m. Các hộ dân sống xung quanh mỏ đá lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, cuộc sống sinh hoạt bị đảo lộn.
 

Không hiểu khi khảo sát thực địa để cấp phép mỏ đá các ngành chức năng có căn cứ vào quy định, khoảng cách an toàn khi nổ mìn để cấp phép hay không?

 

BáoTài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này