Gia Lai: Bất cập làng tái định cư vùng sạt lở sông Ba

Tiếng dân - Ngày đăng : 19:48, 07/08/2018

(TN&MT) - Dự án di dời 170 hộ dân thuộc xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được thực hiện là một dự án nhân văn và kịp thời để đưa gần 900 nhân khẩu người dân tộc Ja Rai ra khỏi vùng nguy hiểm do sạt lở sông Ba. Tuy nhiên, khu vực làng mới chưa đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu như đường điện, nước sinh hoạt, đường xá và các cơ sở hạ tầng khác khiến đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn.
l1
Người dân làng tái định cư phải mang can đi lấy nước ở sông suối về dùng

Nhiều khó khăn, thiếu thốn

Dự án bố trí di dân vùng sạt lở tại 04 buôn: Chik, Pan, Puh, Kting (xã Ia Rsai, huyện Krông Pa) được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt năm 2012. Theo đó, 170 hộ dân với gần 900 nhân khẩu người đồng bào dân tộc Ja Rai sinh sống trong khu vực nguy hiểm do sông Ba sạt lở được di dời đến nơi ở mới, để đảm bảo an toàn tính mạng và ổn định đời sống sản xuất.

Làng tái định cư nằm cách làng cũ khoảng tầm hơn 1km. Di dời về làng mới, mỗi hộ dân được hỗ trợ 10 triệu đồng, được cấp 700 - 800 m2 đất bao gồm cả đất ở và đất sản xuất, hơn 100 cây phân tán (huỳnh đàn), 08 cây ăn quả và 02 cuộn kẽm gai để rào vườn. Hiện có 150 hộ dân đã di dời về làng tái định cư, ổn định đời sống, sản xuất, còn 20 hộ trong danh sách di dời vẫn ở tại làng cũ.

Theo ông Hiao Buk - Chủ tịch xã Ia Rsai, nguyên nhân được đưa ra là vì các hộ có nhà lớn, việc chuyển nhà rất tốn kém, với kinh phí 10 triệu đồng hỗ trợ thì không đủ. Một số khác do điều kiện khó khăn chưa thể di dời. Đặc biệt, làng tái định cư không có đường điện, không đủ nước sinh hoạt, đường xá đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng không đầy đủ cũng là lý do khiến các hộ dân còn lại không mấy mặn mà với việc di dời.

Chuyển về làng tái định cư được 2 năm nay, nhưng điều kiện gia đình anh KPă Mlúi (buôn Kting, xã Ia Rsai) vẫn rất khó khăn. Anh Mlúi chia sẻ: “Ở làng mới không có đường điện, mình phải mua dây kéo điện từ làng cũ về. Nước sinh hoạt thì phải mang can, chai ra sông, suối lấy về để dành dùng dần. Đường đi ở làng mới cũng khó khăn nhất là mùa mưa. Làng mới không có trường học nên con cái phải về làng cũ để học”.

Đó cũng là hoàn cảnh chung của các hộ dân sau khi di dời về làng tái định cư. Ông Nay Thuy - Trưởng thôn buôn Chik cho biết, tuy địa phương đã đào 04 giếng nước cho người dân sử dụng nhưng vì số hộ dân đông, nên nước không đủ cung cấp. Nhiều hộ đã tự bỏ tiền khoan giếng để dùng. Vì kéo dây điện ở làng cũ về nên lượng điện hao hụt lớn, chi phí điện hàng tháng tăng lên gấp 2 đến 3 lần so với lúc ở làng cũ. Cá biệt có những hộ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn, không có tiền để kéo điện nên phải lấy ánh sáng từ bếp củi, đốt than hoặc sử dụng đèn pin.

Thiếu nước cùng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt ở nơi được mệnh danh là chảo lửa của tỉnh Gia Lai nên số cây trồng được cấp lúc đầu còn sống chỉ gần một nửa  và phát triển cũng èo uột. Làng tái định cư được bà con chuyển về từ 2 năm nay nhưng vẫn còn rất khó khăn, số hộ nghèo chiếm đến hơn một nửa dân cư. Mặc dù được cấp đất ở làng mới nhưng các hộ đến nay vẫn chưa được cấp bìa đỏ đất.

Ông Hiao Buk cho biết, trong số 20 hộ chưa di dời có những hộ nằm cách sông Ba chỉ 20m. Xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân sớm di dời về nơi ở mới để tránh những rủi ro có thể xảy ra trong điều kiện thời tiết thay đổi bất thường như hiện nay. Các hộ đã cam kết sẽ chuyển về làng mới trước ngày 30/9/2018.

l2
Làng tái định cư với điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất và hạ tầng

Thiếu kinh phí

Theo ông Đinh Xuân Duyên - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa, dự án di dời 170 hộ dân của xã Ia Rsai được phê duyệt với kinh phí là 17,4 tỉ đồng. Nhưng hiện tại, địa phương mới chỉ được cấp 9 tỉ đồng. Vì vậy, huyện mới chỉ đủ kinh phí thực hiện việc hỗ trợ ban đầu là 10 triệu đồng/hộ được di dời và thực hiện khâu làm đường giao thông cũng như xây dựng cơ sở hạ tầng khác tại làng tái định cư.

Các hộ dân di dời thuộc diện khó khăn nhưng chưa có “bìa đỏ” đất sử dụng để vay vốn sản xuất. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Pa đang gấp rút tiến hành đo đạc, làm thủ tục hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân trong năm 2019, để các hộ dân có căn cứ làm hồ sơ vay vốn ngân hàng, đầu tư làm ăn, phát triển nông nghiệp.

“Huyện Krông Pa đã đề xuất kéo dài thời gian thực hiện dự án để các Sở, ban, ngành của tỉnh Gia Lai và Trung ương hỗ trợ thêm vốn bố trí dân cư di dời khỏi vùng sạt lở và đầu tư các cơ sở hạ tầng cần thiết đang còn thiếu tại làng tái định cư”, ông Đinh Xuân Duyên cho biết thêm.

Một dự án được mong đợi, đưa dân cư vùng sạt lở về nơi ở an toàn, nhưng chỉ vì thiếu kinh phí mà làng tái định cư còn nhiều thiếu thốn về cơ sở vật chất, hạ tầng cần thiết nên đời sống dân cư còn nhiều khó khăn, tính nhân văn của dự án vì thế cũng còn dang dở, chưa trọn vẹn. Mong rằng, các cấp chính quyền của tỉnh Gia Lai và Trung ương sớm có giải pháp hỗ trợ cấp vốn để dự án được triển khai hoàn chỉnh, đồng bào dân tộc Ja Rai ở vùng sạt lở sông Ba sớm ổn định đời sống.