Tuyên Hóa (Quảng Bình): Chính quyền cần vào cuộc để trả lại đất cho dân

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:06, 06/08/2018

(TN&MT) - Mặc dù được các cơ quan chức năng cấp đất rừng để bảo vệ và sản xuất từ năm 2014, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên nhiều hộ dân tại xã Thanh Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) bị người khác lấn chiếm. Đáng nói là, sự việc này đã xảy ra từ lâu, nhiều lần người dân cũng đã phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thể giải quyết khiến họ hết bức xúc và bất bình vì có đất mà không được canh tác.

Theo phản ánh của người dân tại thôn 5 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa cho biết: Vào tháng 2/2014, có 8 hộ gia đình ở thôn này được Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Bình cấp đất để phục vụ sản xuất và bảo vệ rừng. Thế nhưng, sau đó diện tích đất này đã bị các hộ gia đình là Nguyễn Văn Phúc, Hoàng Anh Tuấn (cùng trú tại thôn 4 Thanh Lạng) và ông Nguyễn Văn Minh (thôn 5 Thanh Lạng) ngang nhiên lấn chiếm và sử dụng trái phép, không những vậy một số hộ còn xây dựng nhà cửa kiên cố trên đất mà không có sự can thiệp nào từ chính quyền địa phương.

Đất của bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ bị lấn chiếm để xây nhà
Đất của bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ bị lấn chiếm để xây nhà

Ông Nguyễn Khắc Thành, trú tại thôn 5 Thanh Lạng, xã Thanh Hóa, bức xúc: “Năm 2014, gia đình tôi được cấp hơn 2,3ha đất rừng nhưng sau đó đã bị anh Nguyễn Văn Phúc, trú thôn 4 Thanh Lạng lấn chiếm để trồng keo tràm. Sau nhiều lần thoả thuận và dù đã ký cam kết sẽ trả lại đất nhưng đến nay anh Phúc vẫn không chịu trả”.

Ông Thành cho biết, anh đã nhiều lần viết đơn phản ánh lên chính quyền địa phương, UBND xã Thanh Hoá cũng đã mời các bên liên quan lên làm việc. Trong các cuộc giải quyết này, anh Phúc đều thừa nhận lấn chiếm đất để trồng cây và không hề có giấy tờ hợp pháp, “Trong thoả thuận thì anh Phúc cam kết sẽ trả đất lại cho chúng tôi sau khi thu hoạch cây. Nhưng khi thu hoạch xong anh lại tiếp tục trồng cây lên, khi chúng tôi hỏi về đất thì bị anh ta đe doạ sẽ chém”.

Ông Nguyễn Khắc Thành bức xúc vì đất bị hộ khác lấn chiếm
Ông Nguyễn Khắc Thành bức xúc vì đất bị hộ khác lấn chiếm

Ngoài gia đình ông Nguyễn Khắc Thành, còn có các hộ dân khác như: bà Nguyễn Thị Mỹ Lệ, ông Nguyễn Tiến Mùi, bà Cao Thị Lan, bà Nguyễn Thị Hoa, bà Nguyễn Thị Phúc, ông Võ Quốc Hội và ông Nguyễn Văn Hương dù được cấp đất rừng sản xuất và bảo vệ rừng nhưng sau đó đã bị người khác lấn chiếm. Cũng như hộ anh Nguyễn Khắc Thành đến nay đất của những hộ dân này bị người khác lấn chiếm vẫn chưa thể giải quyết khiến họ rất bất bình.

Được biết, địa chính xã Thanh Hoá đã nhiều lần mời các hộ dân bị lấn chiếm và hộ gia đình anh Nguyễn Văn Phúc cùng một số hộ khác liên quan đến việc chiếm đất lên làm việc. Sau đó, dù đã ký vào bản cam kết nhưng phía gia đình anh Phúc vẫn không thực hiện.

“Đất chúng tôi đều được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng lại không được canh tác. Nhiều lần chúng tôi kiến nghị lên chính quyền địa phương giải quyết. Sau các cuộc họp họ đều thừa nhận lấn chiếm đất chúng tôi nhưng lại không chịu trả đất. Nhiều năm nay gia đình tôi không có đất để canh tác, giờ cũng không biết kêu ai nữa”, một hộ dân bất bình.

Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều hộ dân được cấp năm 2014
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều hộ dân được cấp năm 2014

Trao đổi với PV việc này, ông Nguyễn Hữu Tâm - Chủ tịch UBND xã Thanh Hoá, thừa nhận có xảy ra tình trạng lấn chiếm đất, gây bức xúc dư luận. “Sau khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, chúng tôi đã mời những người có liên quan lên xã giải quyết, một số vụ sau đó đã được xử lý. Tuy nhiên, có một số vụ phương án hoà giải bất thành nên xã sẽ hướng dẫn các hộ dân đó làm thủ tục kiến nghị lên toà án để giải quyết”, ông Nguyễn Hữu Tâm cho biết.

Sự việc diễn ra đã quá rõ ràng, nhưng không hiểu sao từ năm 2014 đến nay các hộ dân vẫn không có đất để trồng trọt, sản xuất, trong khi đó chính quyền địa phương tỏ ra bất lực trước sự việc này. Mặc dù người dân cũng đã báo cáo lên các cấp Chính quyền địa phương để được giải quyết. Rất mong UBND tỉnh Quảng Bình, UBND huyện Tuyên Hóa cần vào cuộc để giải quyết triệt để vấn đề này, trả lại đất để cho người dân an tâm sản xuất.