Phù Cát (Bình Định): Chăn nuôi heo gây ô nhiễm môi trường, dân bức xúc
Tiếng dân - Ngày đăng : 21:31, 28/07/2018
Theo tìm hiểu của PV, ông Đoàn Lương xây dựng trại chăn nuôi heo trong khu dân cư đã hơn 3 năm nay với số lượng mỗi đợt nuôi lên tới hàng chục con. Thế nhưng, chuồng trại phục vụ cho công việc chăn nuôi rất sơ sài; đặc biệt không hề có hệ thống xử lý nước thải. Do vậy, toàn bộ chất thải từ phân heo, thức ăn dư thừa… đều xả trực tiếp ra môi trường, phát sinh mùi hôi thối, gây ảnh hưởng tới cuộc sống của người dân trong vùng.
Chị T.T.V, hộ dân có nhà cách trại chăn nuôi heo của ông Đoàn Lương chừng 30m bức xúc nói: “Trại heo của ổng (ông Lương - PV) đang nuôi tới cả 80 chục con, mà chuồng không có hệ thống xử lý nước thải. Cứ cho chảy tùm lùm ra ngoài, khiến mùi hôi thối phát tán, ruồi nhặng bay khắp nơi. Mấy hôm nay trời nắng nóng đỉnh điểm, cả nhà ai cũng phát ói khi hít phải mùi thối này”.
Cũng không giấu nỗi sự bức xúc, ông Đ.T góp lời: “Nhiều khi dọn mâm cơm ra, nghe phải mùi phân heo, cả nhà không ai nuốt trôi cơm. Mùi tanh, mùi thối cứ xộc vào mũi, vào miệng. Những lúc như vậy, tôi ước sức chạy qua nhà ổng chửi trận. Song, tôi nghĩ làm vậy đâm ra cũng dở. Cả nhà ai cũng kìm nén sự tức giận, rồi cùng bà con chòm xóm qua nhắc nhở, khuyên ổng nuôi gì thì nuôi, nhưng nghiên cứu làm hệ thống xử lý nước thải, sử dụng thuốc vi sinh khử mùi, hạn chế mùi hôi phát sinh, đảm bảo môi trường sống cho bà con. Ai dè, mình nói ổng càng nuôi nhiều hơn, phó mặc cho nước thải, phân heo chảy ra ngoài. Làm ăn vậy, người dân nào chịu nổi!”.
Ngoài mùi hôi thối, PV còn nhận thấy, nước thải, phân heo đều xả trực tiếp ra vườn, chảy qua vườn nhà của một số hộ lân cận. Điều quan ngại lúc này, hầu hết giếng nước phục vụ sinh hoạt của bà con đã bị nhiễm bẩn. Chẳng hạn, giếng nước ông Đ.V.V phải bỏ hoang vì nước bị nhiễm chất thải, phân heo. Ngửi bằng mũi cũng cảm nhận rõ mùi tanh. “Nước giếng ô nhiễm, nên hằng ngày tôi phải xách xô qua nhà kế bên xin về tắm giặt, nấu nướng. Nước uống phải mua từng bình. Hoạt động chăn nuôi heo gây ô nhiễm của ông Đoàn Lương đã được bà con phản ánh lên xã, song chưa thất giải quyết”, ông V., nói.
Trước thực trạng trên, PV đã liên hệ và làm việc với ông Trần Công Tòng, Chủ tịch UBND xã Cát Tân (Phù Cát). Qua trao đổi, ông Tòng hứa sẽ cho cán bộ phụ trách tổ chức kiểm tra để có hướng xử lý. “Trước mắt, tôi sẽ chỉ đạo bộ phận xuống hiện trường kiểm tra. Qua kiểm tra nếu có ô nhiễm, cán bộ phụ trách sẽ lập biên bản xử lý. Tùy vào tính chất, xã sẽ có hướng xử lý, hoặc kiến nghị phòng TN-MT về kiểm tra nếu vượt quá thẩm quyền của địa phương”, ông Tòng nói.
Thiết nghĩ, xã Cát Tân là địa phương được tỉnh Bình Định công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2017. Do đó, để tránh những sự việc dân khiếu nại kéo dài, gửi đơn vượt cấp nhiều nơi, chính quyền địa phương cần khẩn trương vào cuộc kiểm tra, xử lý nhằm đảm bảo môi trường trong sạch để người dân an tâm sinh sống.