Dự án The Pride của công ty Hải Phát: 8000 dân vỡ mộng vì “bánh vẽ” của chủ đầu tư
Tiếng dân - Ngày đăng : 17:57, 17/07/2018
Quá nhiều vấn đề
Tổ hợp thương mại dịch vụ và căn hộ The Pride (đường Tố Hữu, phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) do Công ty cổ phần đầu tư Hải Phát (thuộc Tập đoàn Hải Phát) làm chủ đầu tư được quảng cáo với những mỹ từ đẹp đẽ nhất. Thế nhưng từ khi đi vào sử dụng (khoảng năm 2014) cho tới nay, hàng loạt vấn đề nghiêm trọng đã xảy ra khiến cho khoảng 8000 người mua nhà tại đây bức xúc, phản ứng gay gắt. Và cho tới thời điểm hiện tại, “cuộc chiến” giữa cư dân và chủ đầu tư vẫn đang diễn ra chưa có hồi kết.
Trao đổi với PV, ông Trương Quang Minh - người đại diện tạm thời của cư dân đang sinh sống nơi đây trong thời gian chờ bầu ban quản trị (BQT) cho biết, suốt hơn 3 năm sinh sống tại đây, ông và người dân đã phải sống trong những bức xúc kéo dài. “Chúng tôi đã thống nhất gửi đơn tới các cơ quan chức năng, phản ánh hàng loạt sai phạm của chủ đầu tư như: tình trạng ô nhiễm môi trường kéo dài mà không xử lý dứt điểm; thang máy thường xuyên rơi tự do, không an toàn; không chịu bàn giao gần 100 tỷ đồng quỹ bảo trì; thu giá dịch vụ quá cao; an ninh, an toàn chưa đảm bảo …”.
Cũng theo ông Minh, hai vấn đề nhức nhối nhất mà cư dân đang đấu tranh là vấn đề ô nhiễm môi trường và việc chủ đầu tư không chịu bàn giao quỹ bảo trì. “Suốt 3 năm qua, khu vực hầm để xe đều bốc mùi hôi thối. Nhiều khi mùi hôi còn xuất hiện ở cả khu vực thang máy. Cư dân nhiều lần phản ánh với chủ đầu tư kiểm tra bể phốt của tòa nhà, hầm chứa rác hoặc hệ thống thoát nước thải trực tiếp của các nhà hàng đặt trong tòa nhà … nhưng chủ đầu tư đều không chịu thực hiện hoặc chỉ làm cho có. Hiện tại, tình trạng này cũng chưa được xử lý dứt điểm. Bên cạnh đó, quỹ bảo trì của các tòa nhà khoảng 80 tỷ đồng có dấu hiệu bị chủ đầu tư chiếm dụng trái phép bằng nhiều biện pháp. Nổi bật nhất là chủ đầu tư cố tình kéo dài việc thành lập BQT vì theo quy định, khi thành lập được BQT thì chủ đầu tư phải bàn giao quỹ bảo trì. Trong hơn 3 năm qua, chủ đầu tư làm gì với quỹ bảo trì trên thì không một cư dân nào được rõ” – ông Minh cho biết.
Cũng theo lời vị đại diện này, ngoài những chuyện bức xúc nêu trên, nhiều vấn đề khác liên quan tới chất lượng công trình liên tục xảy ra như: tình trạng thang máy rơi tự do, không theo lệnh điều khiển hoặc bị treo đã khiến cho cư dân bao phen hú hồn; gạch ốp lát ngoài trời ở tòa CT1,CT4 và phía cửa ra vào tầng 6, 7 toà CT4 thỉnh thoảng bị rơi đã trở thành mối nguy đến sự an toàn của cư dân; chất lượng dịch vụ kém như vậy nhưng chủ đầu tư vẫn áp đặt phí dịch vụ 7.000 đồng/ m2 …
Choáng với kiểu xử lý chợ búa
Trước những sự việc bức xúc nêu trên, giữa cư dân và chủ đầu tư dự án The Pride đã nổ ra một “cuộc chiến” kéo dài suốt hơn 3 năm qua. Đỉnh điểm của mâu thuẫn là cư dân không chịu đóng phí dịch vụ để phản ứng mức phí mà chủ đầu tư đưa ra (cụ thể là 7000 đồng/1m2). Cư dân ở đây cho rằng mức phí dịch vụ phải được sự đồng ý và thống nhất của toàn dân để đưa ra một mức phí hợp lý chứ chủ đầu tư không thể muốn thu thế nào thì thu.
Đáp lại phản ứng từ phía cư dân, chủ đầu tư đã dùng nhiều biện pháp như dọa cắt nước, cắt điện, thậm chí ngăn không cho gửi xe vào tầng hầm để ép cư dân phải nộp phí dịch vụ. Hàng loạt cư dân vì quá bức xúc nên cho xe tràn ra cả khuôn viên khu vực của tòa nhà. Lúc này có những kẻ lạ, mặt bặm trợn lởn vởn ở khu vực trên. Thậm chí có cả lực lượng mặc sắc phục công an xuất hiện tại khu vực để giữ trật tự. Khi người dân hỏi thì có đồng chí nói là được “chủ đầu tư mời đến”?
Sau những căng thẳng kéo dài, tối 3/6/2018 vừa qua, đại diện chủ đầu tư là công ty Hải Phát đã phải trực tiếp đối thoại với cư dân. Người dân chất vấn gay gắt về các vấn đề bất cập, chất lượng dịch vụ của tòa nhà và yêu cầu chủ đầu tư phải tổ chức Hội nghị chung cư, thành lập Ban quản trị. Tuy nhiên mọi ý kiến của cư dân đều chỉ dừng ở mức được chủ đầu tư ghi nhận.
Được biết, ở một số dự án mà công ty Hải Phát làm chủ đầu tư như: dự án HHB Tân Tây Đô, dự án HPC Landmark 105, dự án The Pride thì tình trạng cư dân căng băng rôn phản đối chủ đầu tư và ban quản lý vẫn thường xuyên xảy ra. Mà nguyên nhân chủ yếu đều xoay quanh chất lượng dịch vụ, chất lượng công trình cùng nhiều vấn đề liên quan khác.
Dư luận đang vô cùng thắc mắc bởi một loạt những dự án hiện đã bàn giao của công ty Hải Phát đang gặp phải những “lùm xùm” thì liệu những dự án đang được thi công, xây dựng, sắp đến ngày bàn giao có tiếp tục đi vào “vết xe đổ” này hay không? Và quan trọng hơn cả, khách hàng có tiếp tục ăn “bánh vẽ” ở những dự án khác của công ty Hải Phát như: dự án Roman Plaza (cùng nằm trên trục đường Tố Hữu, quận Hà Đông), dự án Hanoi Homeland (ở quận Long Biên)?
Có lẽ thời gian sẽ trả lời tất cả?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.