Đông Anh, Hà Nội: Ai chống lưng cho doanh nghiệp “xẻ thịt” 9 ha đất công để cho thuê trái phép?

Tiếng dân - Ngày đăng : 17:56, 17/07/2018

(TN&MT) – Mặc dù được thành phố Hà Nội cho thuê đất để phục vụ mục đích kinh doanh, sản xuất nhưng 3 công ty này lại không chấp hành nghiêm chỉnh. Thay vào đó, họ ngang nhiên “xẻ thịt” từng khu vực rồi cho các đơn vị khác vào thuê xưởng sản xuất gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường trầm trọng trên địa bàn.

Mới đây, báo TN&MT đã đăng tải bài viết Đông Anh, Hà Nội: Dân nghẹt thở vì hàng loạt doanh nghiệp đua nhau xả khói. Nội dung bài báo phản ánh thông tin mấy chục cơ sở sản xuất gỗ dán, tái chế phế liệu, đúc phôi thép, chiết xuất dầu … nằm trên địa bàn xã Việt Hùng (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đua nhau xả khói làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân. Được biết, dù đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đông Anh đã về làm việc, ra văn bản xử lý nhưng các cơ sở vẫn ngang nhiên hoạt động, bất chấp các biện pháp ngăn cấm, xử lý của chính quyền địa phương.
 

o nhiem xa Viet Hung 1
Ai chống lưng cho những đơn vị được thành phố Hà Nội cho thuê đất vi phạm pháp luật? 

Trả lời PV báo TN&MT trước đó, ông Nguyễn Hữu Sáng, Chủ tịch UBND xã Việt Hùng, huyện Đông Anh cho biết, khu vực nêu trên rộng khoảng 5 ha, được thành phố Hà Nội cho 3 công ty gồm: Chi nhánh công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy Bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh; Công ty cổ phần dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh; Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI thuê đất. Từ cuối năm 2016, các công ty này ngang nhiên cho các đơn vị khác vào thuê đất, dựng xưởng trái phép và tình trạng ô nhiễm môi trường bắt đầu phát sinh từ đó.

Tìm hiểu sâu hơn PV được biết, Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh được thuê đất với tổng diện tích sử dụng là 62.052m2 để xây dựng nhà xưởng hoạt động sản xuất bê tông; Công ty cổ phần dịch vụ và sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng Đông Anh được thuê đất với tổng diện tích 15.397 m2 để làm nơi sản xuất vật liệu xây dựng gốm sứ; Công ty cổ phần sản xuất và kinh doanh vật tư thiết bị VVMI thuê đất được thuê đất với tổng diện tích 14.477m2 để xây dựng công trình, nhà xưởng hoạt động sản xuất cơ khí. Tính tổng diện tích cả ba công ty này được Hà Nội cho thuê đất khoảng 9 ha.

Thế nhưng thay vì tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, 3 công ty này lại thi nhau “xẻ thịt” diện tích đất được thành phố Hà Nội cho thuê rồi cho các đơn vị khác thuê lại kiếm lời. Cụ thể, kết quả kiểm tra của đoàn kiểm tra liên ngành của huyện Đông Anh cho biết, Chi nhánh Công ty cổ phần đầu tư sản xuất công nghiệp - Nhà máy bê tông kết cấu thép xây dựng Đông Anh đã cho 7 đơn vị khác thuê đất để sản xuất, kinh doanh khi chưa được sự chấp thuận của Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hà Nội. Hai công ty còn lại, mỗi công ty đã tự ý cho 4 đơn vị khác thuê đất. Tổng số có 18 doanh nghiệp (theo thống kê chính thức của chính quyền) đang hoạt động tại đây.
 

o nhiem xa Viet Hung 2
Những cột khói đen kịt như thế này đang khiến cho môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng

Điều đáng nói ở chỗ, theo kết quả kiểm tra của huyện Đông Anh, hầu hết các đơn vị hoạt động sản xuất kinh doanh tại địa bàn này chưa có hồ sơ, thủ tục pháp lý về đất đai, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng nhà xưởng không được cấp giấy phép xây dựng; hoạt động gây ô nhiễm môi trường. Câu hỏi mà dư luận đang hết sức quan tâm là tại sao một chuỗi sai phạm liên hoàn, xảy ra trên phạm vi lớn và trong suốt thời gian dài như vậy nhưng các cấp chính quyền từ xã Việt Hùng đến huyện Đông Anh lại làm ngơ? Mọi chuyện chỉ vỡ lở khi người dân phản ứng quyết liệt và báo chí vào cuộc thì chính quyền mới tập nập ra quân xử lý… chuyện đã rồi?

Quan trọng hơn, từ tháng 5/2018 – 6/2018, ông Nguyễn Xuân Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh đã ký một số Thông báo kết quả kiểm tra quản lý đất đai, trật tự xây dựng, bảo vệ môi trường đối với những công ty nêu trên. Tại những thông báo này, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đều bị yêu cầu tạm đình chỉ và tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên ghi nhận của PV vào giữa tháng 7/2018 thấy rằng, chưa có công trình nào bị tháo dỡ hoặc phải tạm dừng hoạt động. Người dân nơi đây khẳng định, các cơ sở vẫn hoạt động rầm rộ từ chiều muộn cho tới sáng hôm sau.

Vậy tại sao các công ty, cơ sở sản xuất nơi đây bất chấp pháp luật, bất chấp chỉ đạo của huyện Đông Anh để ngang nhiên hoạt động, xả thải bức tử người dân? Liệu có thế lực nào chống lưng cho những công ty, cơ sở sản xuất này hay không?

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc./.