Dự án "đường cong mềm mại": Chuyện 4 gia đình được cấp 2 căn tái định cư

Tiếng dân - Ngày đăng : 10:56, 14/07/2018

(TN&MT) - Cả gia đình ở trên một thửa đất lớn, đã tách hộ sinh con đẻ cái sinh hoạt riêng hàng chục năm nay. Nhưng dự án "đường cong mềm mại" chỉ xét cho 2 căn...
(TN&MT) - Cả gia đình ở trên một thửa đất lớn, đã tách hộ sinh con đẻ cái sinh hoạt riêng hàng chục năm nay. Nhưng dự án "đường cong mềm mại" chỉ xét cho 2 căn tái định cư khiến họ đang lúng túng không biết làm thế nào.

Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của nhiều hộ dân gia đình ở đường Trường Chinh (phường Khương Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội) phản ánh phương án bồi thường tái định cư trong dự án đường vành đai II chưa thỏa đáng. 

Trong đơn khiếu nại, ông Hoàng Văn Bình (đại diện cho các hộ) cho biết, họ sinh sống lâu năm trên mảnh đất của cha mẹ mình để lại. Mảnh đất này đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 136m2.

Các anh em trong nhà đã xây dựng gia đình, sinh con đẻ cái và tách hộ khẩu từ lâu. Nộp thuế đất hằng năm cũng theo 4 suất riêng biệt.

Năm 2011, UBND TP Hà Nội quyết định đầu tư xây dựng đường vành đai II đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Dịch Vọng. Tuy nhiên, các hộ dân cho rằng, nhiều quyền lợi của mình trong công tác bồi thường tái định cư chưa đảm bảo. 

Ông Bình và các hộ gia đình cho biết, trên mảnh đất có 4 hộ gia đình đang sinh sống với tổng số gần 20 nhân khẩu nhưng trong phương án hỗ trợ tái định cư chỉ xét duyệt cho họ 2 căn nhà. Điều này là không thỏa đáng. Trong khi đó, các thông báo nộp thuế và việc nộp thuế luôn tách rời thành 4 hộ riêng biệt. Gia đình ông Bình và các anh em yêu cầu phải được hỗ trợ 4 căn hộ tái định cư mới đúng. Vì 4 gia đình, đều đã có tuổi, có con cháu, không thể vào ở trong 2 căn nhà nhỏ được.
37027103 2148215682168626 9023449194785931264 n
Dự án đường vành đai 2 (đường Trường Chinh, còn được gọi là "đường cong mềm mại") vẫn đang giải tỏa và mở rộng

Các gia đình này cũng cho rằng, dự án làm đường lấy đất của người dân nhưng không có phương án hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm cho họ.

Trước đến nay, mảnh đất bị thu hồi là nơi kinh doanh duy nhất của các hộ gia đình, mỗi tháng thu nhập trên dưới 100 triệu đồng. Nay phải dời đi và ở căn hộ tái định cư thì họ chưa biết phải làm gì để kiếm sống.

Theo đơn, các gia đình cũng cho biết, họ bị cấp sổ đỏ với diện tích nhỏ hơn so với đất thực tế mà họ sở hữu. Vì vậy trong việc bồi thường họ bị nhiều thiệt thòi. Phần diện tích đất chênh lệch nói trên là do lỗi của đo đạc, tính toán của các cơ quan chuyên môn có thẩm quyền chứ không phải lỗi của gia đình. Phương án đền bù bỏ trống không áp giá đền bù cho phần đất thực tế còn thừa là không đúng.

Ngoài ra, họ cho rằng, đơn giá bồi thường một số phần đất trong mảnh đất này bị tính rẻ hơn là không đúng quy định. 

Các hộ dân đã nhiều lần làm đơn lên chính quyền phường, quận, thành phố nhưng đến nay chưa được giải quyết.

UBND Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo UBND quận Đống Đa tổ chức tiếp dân, kiểm tra giải quyết khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật. UBND phường và Ban giải phóng mặt bằng quận Đống Đa đã tổ chức gặp mặt các hộ dân. Tuy nhiên đến nay vẫn không thấy quận và phường có phương án giải quyết cụ thể nên gia đình ông Bình và các hộ dân vẫn tiếp tục chờ đợi.

Làm việc với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Văn Mạnh (cán bộ địa chính UBND phường Khương Thượng) cho biết, phương án bồi thường đã được huyện và thành phố quyết định. Theo ông Mạnh, trong Quyết định 23/2014-QĐ/UBND của TP Hà Nội, các hộ trong gia đình nhà ông Bình thuộc trường hợp chỉ được xét 2 căn tái định cư. Diện tích mỗi căn chỉ hơn 60m2.

Tuy nhiên, ông Mạnh cũng xác nhận, ông Bình, ông Phú, ông Thanh, ông Lộc đều là những gia đình độc lập, đã tách hộ, còn có con cháu. Trên thực tế, tuy ở trên một thửa đất đứng tên chung nhưng đã sinh hoạt tách riêng với nhau. "Nếu bây giờ 4 gia đình chỉ có 2 căn chung cư về sống chung với nhau thì quả là bất hợp lý." - Ông Mạnh nói.

Cũng theo cán bộ địa chính, trong các quyết định của thành phố và quận luôn có điểm mở "nếu có vướng mắc thì báo cáo đề xuất để giải quyết". Phường nhận thấy, việc của gia đình ông Bình chính là những điểm vướng mắc. Ngoài ra, còn một số hộ dân cũng gặp vướng mắc tương tự. Vì vậy, phường Khương Thượng đã có văn bản báo cáo, đề xuất quận và thành phố xem xét để bố trí cho gia đình ông Bình thêm 2 suất tái định cư như gia đình đề nghị.

Phóng viên hỏi bao giờ gia đình ông Bình được giải quyết, ông Mạnh lắc đầu cho rằng phường cũng chỉ biết chờ ở trên quyết định.

Chúng tôi cũng nêu thắc mắc của người dân về hỗ trợ nghề nghiệp sau khi bị mất đất ngoài mặt đường đang kinh doanh ổn định. Cán bộ địa chính cho rằng, việc các hộ kinh doanh ở đây là kinh doanh cá thể, không nộp thuế nên không có cơ sở để xem xét. Người dân cũng đã được bồi thường đất theo đơn giá mặt đường cao hơn trong ngõ. Vậy là hết. Thực tế ở tất cả dự án tại Hà Nội cũng như vậy. Theo cán bộ địa chính, hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm cho người dân là điều không thể có.

Để giải đáp nhiều dấu hỏi trong bồi thường tái định cư thuộc dự án vành đại II tại phường Khương Thượng, chúng tôi đã đề nghị được cung cấp danh sách các hộ đã được xét duyệt. Cán bộ địa chính nói rằng sẽ báo cáo lại với chủ tịch phường rồi mới cung cấp được. 
 
Dự án đường vành đai 2 (đoạn Ngã Tư Sở - Ngã Tư Vọng) được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu tư xây dựng từ năm 2011 và khởi công năm 2013. Dự án này từng khiến báo chí tốn giấy mực khi có tranh luận về việc con đường đang thẳng biến thành cong. Sau đó, sự việc được giải thích rằng, đây là “cong mềm mại”. Theo đó, nhiều người còn gọi con đường này là "đường cong mềm mại".

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...