Tứ Kỳ (Hải Dương): Vì sao lò gạch thủ công đã dừng gần 2 năm đột nhiên nổi lửa?

Tiếng dân - Ngày đăng : 10:40, 08/07/2018

(TN&MT) - Cán bộ và người dân xã Đông Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương thật ngỡ ngàng sau khi gần 2 năm, UBND tỉnh Hải Dương chỉ đạo dừng toàn bộ việc sản xuất gạch thủ công thì ngày 5-7, một cặp lò của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt lại ngang nhiên nổi lửa?

Thắng kiện từ tòa cấp cao

Gặp ông Tiêu Văn Đạt, chủ Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt, phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường được biết, sau hơn 1 năm khởi kiện UBND huyện và Chủ tịch UBND huyện về việc cưỡng chế, đình chỉ sản xuất, làm thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã xử bác đơn của tôi, sau đó Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã xử cho tôi thắng kiện. Việc đốt lò trở lại là thực hiện nội dung tòa cấp cao đã tuyên. Chúng tôi cũng biết việc đốt lò thời điểm này là vi phạm quyết định của UBND tỉnh về việc dừng đốt gạch thủ công. Thế nhưng 500 vạn viên gạch mộc của doanh nghiệp đáng nhẽ vẫn được đốt, nhưng cuối năm 2016, UBND huyện Tứ Kỳ tổ chức cưỡng chế, không cho sản xuất, trong khi Chính phủ vẫn cho phép loại hình lò đứng liên hoàn được hoạt động. Nếu không cho đốt lò, UBND huyện Tứ Kỳ phải đền bù toàn bộ gạch mộc cho doanh nghiệp và đền bù thời gian bắt buộc dừng lò trước hạn- ông Đạt chia sẻ.

Lò gạch 1
Lò được đốt trở lại.


Ông Phó chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Vũ Văn Hợp cho biết, việc nổi lửa đốt lò trở lại của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt là đi ngược lại với quyết định và sự chỉ đạo của UBND tỉnh. Hơn nữa, hiện đang là mùa mưa bão, huyện không cho vận chuyển qua đê, cấm các hoạt động sản xuất kinh doanh trong mùa lũ, vì vậy, lực lượng liên ngành của huyện yêu cầu Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt dừng đốt lò.
 

Lò gạch 2


Tìm hiểu về hoạt động của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt, chúng tôi được biết, ngày 7-2-2006, Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt xin phép Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Chi cục Phòng chống lụt bão - Quản lý đê điều tỉnh Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ, UBND xã Đông Kỳ được lập bãi chứa vật liệu xây dựng, sản xuất gạch bằng lò nung công nghệ mới tại xã Đông Kỳ. Theo đó san lấp bãi chứa vật liệu ngoài đê, bảo đảm quy định của hành lang đê, hành lang bờ sông; đề nghị được xây 2 lò nung công nghệ mới.

Việc xây dựng lò gạch theo công nghệ liên tục kiểu đứng là thực hiện chủ trương của UBND tỉnh Hải Dương ứng dụng tiến hộ khoa học kỹ thuật, có hiệu suất cao giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phù hợp với thời điểm đó, nhằm xóa bỏ lò gạch thủ công trên địa bàn toàn tỉnh. Được sự đồng thuận của UBND huyện Tứ Kỳ, xã Đông Kỳ, Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt đã xây dựng dự án lò gạch liên tục kiểu đứng, đáp ứng các tiêu chí theo quy định và vận hành sản xuất từ 1-1-2007.

Ngày 22-12-2016, ông Đạt nhận được Quyết định 4434/QĐ_UBND ngày 20-12-2016 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động đất sét nung bằng lò liên tục kiểu đứng, trong đó có 3 cặp lò của doanh nghiệp ông Đạt.

Từ những điều bất hợp lý, ban đầu tỉnh khuyến khích xây dựng sản xuất gạch đất nung theo công nghệ lò đứng, khuyến cáo ứng dụng tiến bộ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, doanh nghiệp bỏ ra khoản tiền đầu tư quy mô lớn, hàng chục tỷ đồng, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, có nhiều đóng góp cho địa phương. Lò sản xuất an toàn, ổn định, song không hiểu vì sao tỉnh, lại yêu cầu dừng lò, dừng sản xuất gạch theo công nghệ liên tục kiểu đứng trước 2 năm so với Quyết định của Chính phủ. Cách làm như vậy, vô hình trung không ủng hộ doanh nghiệp thu hồi vốn, không hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động dừng sản xuất gạch thủ công. Chính vì vậy, ngày 18-4-2017, ông Tiêu Văn Đạt, chủ Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt đã có đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương, yêu cầu hủy một phần Quyết định 4434/QĐ-UBND, ngày 20-12-2016 của UBND huyện Tứ Kỳ, khởi kiện ông Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Ngọc Sẫm về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động gạch đất sét nung bằng lò liên tục kiểu đứng, trong đó các lò của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt.

Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương đã mở phiên tòa sơ thẩm ngày 24-8-2017, xét xử công khai và ra quyết định không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tiêu Văn Đạt về việc về việc hủy một phần quyết định số 4434/QĐ-UBND, ngày 20-12-2016 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ với phần của ông Đạt.

Trước những bất cập của địa phương, ông Tiêu Văn Đạt đã kháng cáo Quyết định của Tóa án Nhân dân tỉnh Hải Dương, tiếp tục khởi kiện ông Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ Nguyễn Ngọc Sẫm tới Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội, yêu cầu hủy một phần quyết định số 4434/QĐ-UBND, ngày 20-12-2016 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ đã áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động gạch đất sét nung bằng lò liên tục kiểu đứng của Doanh nghiệp Thành Đạt.

Lò gạch 3
Một phần gạch mộc còn tồn trên bãi.

Phiên tòa công khai ngày 18-4-2018, tại Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội cho rằng tỉnh Hải Dương thực hiện Quyết định 661/QĐ-UBND, ngày 15-3-2011, cho phép các cơ sở sản xuất gạch bằng lò liên tục kiểu đứng hoạt động đến hết ngày 31-12-2015 là không đúng chỉ đạo của Chính phủ theo Quyết định 1469/QĐ-TTg, ngày 22-8-2014 và hướng dẫn 969/BXD-TTr của Bộ Xây dựng. Theo Quyết định 1469/QĐ-TTg của Chính phủ quy định đối với lò liên tục kiểu đứng ở khu vực đồng bằng phải chấm dứt vào năm 2018.

Quyết định 4434/QĐ-UBND, ngày 20-12-2016 của UBND huyện Tứ Kỳ về việc áp dụng biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động của 3 lò gạch của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt là không đúng với Quyết định 1469/QĐ-TTg của Chính phủ và và hướng dẫn 969/BXD-TTr của Bộ Xây dựng. Việc UBND huyện Tứ Kỳ giao cho UBND xã Đông Kỳ thông báo công khai và tổ chức cưỡng chế đối với các lò gạch của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt là sai. Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Tiêu Văn Đạt là sai.

Những mâu thuẫn cần giải quyết

Ngày 4-6-2018, UBND huyện Tứ Kỳ có báo cáo số 103/BC-UBND về việc ông Tiêu Văn Đạt, chủ Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt khởi kiện quyết định hành chính số 4434/QĐ-UBND ngày 20-12-2016 của Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ về việc áp dụng các biện pháp hành chính để chấm dứt hoạt động gạch đất sét nung bằng lò liên tục kiểu đứng trên địa bàn huyện Tứ Kỳ, theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hải Dương.

Lò gạch 4
Các vỏ lò vẫn còn tồn tại.

Cũng theo báo cáo này, UBND huyện Tứ Kỳ đưa ra nhiều vi phạm về Luật đất đai, Luật Xây dựng, Luật đê điều… như: Diện tích đất nông nghiệp do UBND xã Đông Kỳ giao cho Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt sử dụng không được cấp có thẩm quyền chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng khác; Doanh nghiệp của ông Tiêu Văn Đạt không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép khai thác khoáng sản để sản xuất gạch thủ công; Doanh nghiệp của ông Đạt không lập dự án đầu tư theo quy định; doanh nghiệp không lập hồ sơ thiết kế xây dựng; doanh nghiệp không trình UBND huyện Tứ Kỳ cho phép sản xuất gạch và đường vận chuyển tạm thời qua đê; doanh nghiệp không được UBND tỉnh cấp phép cho sản xuất gạch trên đất bãi ngoài đê…

Về xây dựng dự án, lập hồ sơ thiết kế xây dựng, sử dụng đất đai, chuyển đổi mục đích sử dụng, cho phép xây dựng, cho phép sản xuất… là các phần việc của địa phương và các ngành chức năng, có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ pháp lý. Huyện Tứ Kỳ, lực lượng liên ngành của tỉnh tổ chức nhiều đoàn kiểm tra hàng năm, nếu doanh nghiệp thực hiện chưa đầy đủ thì yêu cầu khắc phục, không nên lấy quy trình quy chuẩn 2018 áp đặt cho 2006.

Qua tìm hiểu hồ sơ chúng tôi được biết, ngày 7-2-2006, Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt đã làm hồ sơ xin phép gửi tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương, Chi cục Phòng chống lụt bão - Quản lý đê điều tỉnh Hải Dương, UBND huyện Tứ Kỳ, UBND xã Đông Kỳ. Ngày 17-3-2006, tại quyết định số 282/QD-UB của UBND huyện Tứ Kỳ về việc phê duyệt quy hoạch sản xuất gạch thủ công xét đơn của UBND xã Đông Kỳ và Doanh nghiệp xây dựng Thành Đạt, do Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Khiêm ký. Quyết định phê duyệt quy hoạch sản xuất gạch thủ công khu vực bãi ven sông Thái Bình, tờ bản đồ 01,02, diện tích 126.000 m2. Chủ dự án, ông Tiêu Văn Đạt, Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt, được khai thác đất làm gạch tại khu vực bãi ven sông Thái Bình thuộc xã Đông Kỳ, theo hợp đồng đã ký kết giữa UBND xã Đông Kỳ và Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt. Được xây dựng lò theo công nghệ mới và thời gian đốt là 12 tháng trong năm.

Tại xã Đông Kỳ, UBND tỉnh cũng có quyết định số 4071/QĐ-UBND, ngày 21-11-2017 phê duyệt quy hoạch sản xuất gạch đất nung với diện tích 224.902 m2. Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt còn có hợp đồng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật với Trung tâm úng dụng tiến bộ khoa học tỉnh Hải Dương để xây dựng lò gạch cho Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt. Như vậy việc hoạt động của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt từ 2007 tới nay cơ bản hợp pháp.

Theo thông tin của ông Tiêu Văn Đạt, ngày 6-7, UBND huyện Tứ Kỳ đã cử cán bộ tới kiểm đếm toàn bộ số gạch mộc và tài sản trên đất của Doanh nghiệp Xây dựng Thành Đạt. Thiết nghĩ, việc bồi thường thiệt hại cho doanh nghiệp và người lao động, UBND huyện Tứ Kỳ cần thực hiện; cần thực hiện tốt Quyết định thi hành án của tỉnh, thực hiện bản án mà Tòa án nhân dân cấp cao đã tuyên.