Nhiều sai phạm tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình
Tiếng dân - Ngày đăng : 21:26, 09/07/2018
Ban quản lý rừng ngập mặn phá rừng?
Theo phản ánh của công dân thì tháng 10/2016, Ban quản lý rừng ngập mặn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình do ông Bùi Trọng Kỳ Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh kiêm Trưởng ban đã thuê máy móc, nhân công chặt phá nạo vét rừng ngập mặn do Hội quản lý với diện tích gần 1 ha. Không những thế, trong quá trình nạo vét chặt phá này còn xâm lấn cả sang đất, rừng ngập mặn thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Kim Sơn quản lý với diện tích trên 4.000 m2.
Theo tài liệu mà PV có được thì ngày 21/09/2016 BQL rừng ngập mặn do ông Bùi Trọng Kỳ ký có văn bản số 211/CV - BQL gửi Sở NN&PTNN tỉnh Ninh Bình về việc cho phép Ban nạo vét lạch nước để đắp bờ xung quanh khu vực rừng ngập mặn do Hội quản lý (ở 2 lô; ký hiệu trên bản đồ rừng ngập mặn năm 2015 là 03-9rtm và 03-21rtm); dự kiến chiều dài nạo vét lạch nước khoảng 400 m, nguồn kinh phí thực hiện từ sự hỗ trợ của nhà tài trợ.
Cuối văn bản này còn ghi rõ “BQL rừng ngập mặn phòng hộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh cam kết trong quá trình thực hiện không xâm lấn, không làm ảnh hưởng đến rừng”?
Ngày 29/09/2016, Sở NN & PTNN tỉnh Ninh Bình có văn bản số 1263/SNN – KL yêu cầu “BQL rừng phòng hộ Hội chữ thập đỏ chủ động, xây dựng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn việc xâm hại diện tích rừng được giao quản lý bảo vệ và chịu trách nhiệm bảo vệ diện tích rừng được giao. Mọi hoạt động thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng phải đảm bảo không được làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái, tình hình sinh trưởng phát triển của diện tích rừng được giao quản lý và rừng liền kề”.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không hiểu vì lý do gì một phần không nhỏ diện tích rừng ngập mặn thuộc quản lý của Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã bị xâm lấn, chặt phá.
Nhiều người dân khu vực này bức xúc cho biết: Khu vực rừng ngập mặn này được trồng rừng từ cách đây 20 năm, tuyệt nhiên không hề có việc hủy hoại, xâm lấn, chặt phá rừng. Kể cả một số hộ có ao đầm nuôi thủy sản ngay gần bìa rừng cũng không hề mở rộng xâm lấn vào đất rừng. Tuy nhiên, không hiểu sao vào năm 2016, Hội Chữ thập đỏ tỉnh lại ngang nhiên đưa máy móc, nhân công đào đắp lạch nước, chặt phá xâm lấn đất rừng. Rất nhiều cây to có, nhỏ có bị chặt phá, thậm chí có cây to hơn cổ chân người lớn, cao cả chục mét cũng bị đốn hạ khiến người dân chúng tôi không khỏi xót xa.
Không những thế BQL rừng ngập mặn Hội Chữ thập đỏ tỉnh còn chặt phá, xâm lấn sang cả diện tích đất rừng thuộc BQL rừng phòng hộ Kim Sơn quản lý ngay gần đó. Cụ thể, theo Biên bản kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Kim Sơn thì BQL rừng ngập mặn đã đào đắp chồng lấn vào diện tích lạch nước và diện tích rừng của BQL rừng phòng hộ Kim Sơn với tổng diện tích 4.100 m2 (trong đó: diện tích lạch nước 2.460 m2, diện tích cây tái sinh 1.640 m2).
Phớt lờ chỉ đạo của Tỉnh ủy?
Trong nhiều Biên bản Kiểm tra của Hạt Kiểm lâm Kim Sơn thì đơn vị này đã yêu cầu QBL rừng phòng hộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh hoàn trả nguyên trạng ban đầu, trồng bổ sung diện tích cây bị ảnh hưởng trong quá trình nạo vét lạch nước.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tỉnh ủy Ninh Bình đã có văn bản số 852 - CV/TU ngày 04/07/2017 về việc khiếu tố đồng chí Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình. Văn bản nêu rõ: “Thường trực Tỉnh ủy, yêu cầu: Chi bộ, lãnh đạo, Ban quản lý rừng ngập mặn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với đồng chí Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch, Trưởng Ban quản lý rừng ngập mặn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình”. “Đồng chí Bùi Trọng Kỳ, Chủ tịch, Trưởng Ban quản lý rừng ngập mặn Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình hoàn thành việc trồng bổ sung diện tích cây tái sinh bị ảnh hưởng trong quá trình nạo vét lạch nước (hoàn thành trong tháng 5/2018)”.
Tuy nhiên, theo quan sát của PV đã quá thời hạn tháng 5/2018 nhưng diện tích rừng ngập mặn bị xâm lấn, chặt phá vẫn chưa được trồng bổ sung theo chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình.
Thế nhưng, trả lời về vấn đề này với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Bùi Trọng Kỳ - Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình lại cho rằng: “Việc nạo vét lạch nước đã xin Sở Nông nghiệp nạo vét đàng hoàng, trong quá trình nạo vét có múc đến cây chúng tôi đã rút kinh nghiệm và đã trồng bổ sung rồi”? “Kinh phí thuê máy móc, nhân công nạo vét tôi cũng đã lấy tiền cá nhân thanh toán rồi”?
Khi được hỏi về việc trồng lại diện tích cây rừng bị xâm lấn, chặt phá có biên bản nghiệm thu hay hợp đồng trồng lại rừng không thì được vị Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ lý giải: “Chưa có, quá trình này phải 4 năm mới nghiệm thu được”?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.