Tuy Phong (Bình Thuận): Cần làm rõ những bất cập trong trong việc cho thuê đất

Tiếng dân - Ngày đăng : 13:40, 10/07/2018

(TN&MT) - Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) trước hơn 2 tháng khi được ký kết hợp đồng thuê đất, giá tính tiền thuê đất rẻ bất ngờ so với quy định bảng giá đất tại địa phương, và quy trình thủ tục thu hồi đất để giao cho dự án chăn nuôi tại huyện Tuy Phong (Bình Thuận) là những vấn đề bất cập cần phải làm rõ nhằm tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh lành mạnh, giữ vững lòng tin trong nhân dân.
H1
Những cây trôm lấy mủ được người dân trồng từ 4 - 5 năm tuổi

Theo hồ sơ vụ việc, ngày 12/5/2017, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Tuy Phong lập tờ trình đề nghị cho ông Nguyễn Hoàng Anh (thường trú tại Quận 1, TP.HCM) thuê đất để “trồng cỏ, bắp để chăn nuôi bò” tại khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo. Đúng một tuần sau, ngày 19/5/2017, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong ban hành quyết định chấp thuận cho ông Nguyễn Hoàng Anh thuê đất diện tích gần 42 ha. Và cũng trong ngày 19/5/2017, UBND huyện Tuy Phong cấp luôn Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Hoàng Anh, trong khi đến ngày 24/7/2017, tức là sau hơn 2 tháng từ khi được cấp QSDĐ thì hợp đồng thuê đất mới được ký kết.

Về việc làm “thần tốc” và “tréo ngoe” này, Luật sư Lưu Ngọc Nam, Công ty Luật TNHH Khánh Dương và Cộng sự, thuộc Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết: Về thủ tục thuê đất, đối với trường hợp cho thuê không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, căn cứ Khoản 5 Điều 68 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; Thông tư 30/2014/TT-BTNMT ngày 02/6/2014 của Bộ TN&MT quy định về trình tự, thủ tục thuê đất, như sau:

Đầu tiên, Phòng TN&MT sẽ hướng dẫn chủ đầu tư (là cá nhân/hộ gia đình) lập hồ sơ xin thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; sau đó trình UBND huyện quyết định cho thuê đất và ký hợp đồng thuê đất. Người được thuê đất ký hợp đồng và nộp tiền thuê đất theo quy định. Sau khi người thuê đất hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Phòng TN&MT sẽ trình UBND cấp huyện cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho người thuê đất và chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.

H2
Người dân trúc trực bên hệ thống máy bơm tưới tiêu cho cây trồng tươi tốt

Riêng về thủ tục thu hồi đất, Luật sư Lưu Ngọc Nam thông tin: Căn cứ vào Điều 69 Luật đất đai năm 2013, việc thu hồi đất được thực hiện theo quy trình: Thông báo thu hồi đất; Ra quyết định thu hồi đất; Kiểm kê đất đai, tài sản có trên đất; Lấy ý kiến, lập và thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Quyết định phê duyệt và niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Tổ chức chi trả bồi thường.

Như vậy, việc UBND huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ban hành quyết định cho thuê đất và cấp QSDĐ cùng chung một ngày, trước khi ký hợp đồng thuê đất và thực hiện các nghĩa vụ liên quan, Luật sư Lưu Ngọc Nam cho rằng, đây là việc làm trái với quy định của pháp luật. Còn về thủ tục thu hồi đất, Luật sư Nam cũng đánh giá là các cấp chính quyền địa phương huyện Tuy Phong chưa thật sự xem xét đến quy trình, thủ tục, không bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người đang trực tiếp sử dụng đất.

Liên quan đến hợp đồng cho thuê đất để làm dự án phát triển chăn nuôi trên đất nông nghiệp với thời gian dài, trả tiền thuê đất hàng năm nhưng đơn giá chỉ có 55 đồng/m2, biết được thông tin này nhiều người dân tỏ ra khá nhiều bức xúc. Bởi theo người dân, trong số hàng chục hộ ở đây có nhiều hộ khó khăn, nghèo khó, họ đã đầu tư công sức, tiền của để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đến ngày nay đã có được những thành quả nhất định, rồi bỗng dưng chính quyền địa phương lại lấy giao cho một cá nhân khác thuê cũng chỉ là trồng cỏ, chăn nuôi với giá “bèo”.

Bà Nguyễn Thị Hoa (sinh năm 1962, ngụ xã Vĩnh Hảo) nói: “Năm 2012 gia đình tôi có vào khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo khai khẩn trên 10ha đất, chia ra 5 hộ chị em trong nhà mỗi người 2ha để trồng cây trái cải thiện cuộc sống gia đình. Từ đó đến nay chúng tôi canh tác ổn định, đầu tư rất tốn kém về công sức và tiền bạc. Năm 2015 tôi có lên UBND xã Vĩnh Hảo gặp ông Trần Ngọc Thuận - Chủ tịch xã để gửi văn bản đề nghị được thuê phần đất này để trồng cây và chăn nuôi, nhưng đến nay không được xem xét giải quyết”.

H3
Qua bàn tay chăm sóc của người dân, những đám xoài xanh tốt giữa vùng đất khô cằn sỏi đá

Xung quanh việc xin thuê đất của bà Hoa, theo tài liệu chúng tôi có được, ngày 02/11/2016 Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong đã có văn bản đề nghị Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo kiểm tra xem xét giải quyết đơn kiến nghị của bà Hoa đúng theo quy định của pháp luật. Gần đây nhất là vào ngày 18/01/2018, sau khi xem xét công văn của Phòng TN&MT, Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong lại có văn bản trả lời rằng huyện chưa xem xét lý do thành phần hồ sơ xin thuê đất của bà Hoa không đủ điều kiện để thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện cho thuê đất. Trường hợp bà Hoa thật sự có nhu cầu xin thuê đất, đề nghị bà Hoa liên hệ với Phòng TN&MT để được hướng dẫn các thủ tục theo quy định.

Tuy nhiên, phần đất 10ha của gia đình bà Nguyễn Thị Hoa cũng đã bị UBND xã Vĩnh Hảo liệt vào danh sách “đất lấn chiếm” và buộc phải thương lượng, thỏa thuận với ông Nguyễn Hoàng Anh. Trong buổi làm việc ngày 30/5/2018 do UBND xã Vĩnh Hảo tổ chức, bà Hoa thẳng thắn: “Tôi không đồng ý thương lượng với ông Nguyễn Hoàng Anh, bởi vì ông Hoàng Anh thuê được thì tôi cũng được quyền thuê đất”. Thế là cái tên Nguyễn Thị Hoa cũng bị đưa vào danh sách cùng với nhiều hộ khác “đang tác động trong phạm vi đất thuê của ông Nguyễn Hoàng Anh”. Và danh sách này được Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo Trần Ngọc Thuận đính kèm văn bản đề nghị ông Nguyễn Hoàng Anh có đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân huyện “để thụ lý, giải quyết”.

Như Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường ra ngày 6/7/2018 đã phản ảnh: Hàng chục hộ dân ở xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) sử dụng đất đai ổn định từ 5 - 10 năm, không tranh chấp và họ đã đầu tư tiền tỷ để sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thế nhưng, UBND huyện Tuy Phong đã ra quyết định cho một cá nhân khác thuê để “trồng cỏ, bắp để chăn nuôi bò”. Việc làm này khiến người dân bức xúc, kêu cứu khắp nơi.

H4
Hệ thống máy bơm nước phục sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được người dân quan tâm đầu tư

Điều đáng lưu ý ở đây là, sau một tuần khi Trưởng phòng TN&MT huyện Tuy Phong lập tờ trình đề nghị cho thuê đất, ngày 19/5/2017 Chủ tịch UBND huyện Tuy Phong ban hành cùng lúc quyết định chấp thuận cho thuê đất và cấp luôn Giấychứng nhận QSDĐ với diện tích gần 42 ha tại khu vực Láng Lớn, xã Vĩnh Hảo cho ông Nguyễn Hoàng Anh. Rồi sau hơn 2 tháng từ khi được cấp QSDĐ thì hợp đồng thuê đất mới được ký kết. Trong đó, về thủ tục thu hồi đất cũng chưa được thực hiện theo quy trình quy định của pháp luật. Thời gian cho thuê lên đến 50 năm, trả tiền thuê đất hàng năm nhưng đơn giá chỉ được tính có 55 đồng/m2, trong khi nhóm đất nông nghiệp tại xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong có giá thấp nhất là 10.000 đồng/m2.

Người dân càng bức xúc hơn khi chính quyền địa phương quyết định giao khu vực đất cho dự án chăn nuôi với quy mô lớn nằm dọc theo tuyến kênh tiếp nước từ đầu nguồn đưa nước ngọt về phục vụ nước sản xuất và sinh hoạt cho nhân dân, nên vấn đề đảm bảo vệ sinh môi trường nguồn nước trong quá trình chăn nuôi được bà con nơi đây tỏ ra lo lắng.

Giờ đây, hàng chục hộ dân xã Vĩnh Hảo tha thiết mong chờ các cấp chính quyền, các ngành chức năng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận xem xét, đưa ra hướng giải quyết vụ việc thật có lý, có tình, giúp họ an tâm lao động sản xuất, nhằm ổn định cuộc sống mưu sinh trên chính quê hương, xứ sở của mình.

Ngày 23/6/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 1765/QĐ-UBND về việc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển chăn nuôi tập trung và cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung giai đoạn 2015 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Theo đó, tại huyện Tuy Phong, vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung được điều chỉnh còn 01 vùng tại xã Phan Dũng với diện tích 200ha. Như vậy, trong giai đoạn 2015 - 2020, xã Vĩnh Hảo không thuộc khu vực quy hoạch phát triển chăn nuôi.