Kon Tum: Dân bức xúc vì lò gạch thủ công gây ô nhiễm môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:03, 04/07/2018

(TN&MT) - Nhiều lò gạch thủ công trên địa bàn TP. Kon Tum nằm xen lẫn trong khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường và biến đổi hiện trạng đất đai khu vực xung quanh, khiến người dân vô cùng bức xúc.
gach1
Lò gạch thủ công nằm ngay sau lưng trường Mầm non thôn Kon Tu 1, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của lớp học

“Chẳng nhớ rõ chính xác là từ khi nào, nhưng phải đến gần 20 năm nay, khi dân làng Kon Mơ Nây còn thưa thớt thì các lò gạch này đã xuất hiện và bắt đầu hoạt động. Bây giờ nhà dân san sát nhau, hơn 10 lò gạch nằm xung quanh, chen trong khu dân cư và gây ô nhiễm lắm, nhất là lúc họ đốt lò”, đó là những gì mà dân làng Kon Mơ Nây (thôn Kon Tu 1, xã Đăk Blà, TP. Kon Tum) cho biết khi hỏi về các lò gạch thủ công trong làng.

Giữa trưa nắng, đám trẻ con làng Kon Mơ Nây từ nhỏ đến lớn vẫn chạy nhảy ngoài sân, ngoài đường. Còn người lớn thì tụ tập ngồi ngoài hiên nhà để tránh khói đen từ các lò gạch đã lồng vào trong nhà và không thoát ra được do trời lặng gió. Ông A Hnhưr (63 tuổi) - một người dân làng Kon Mơ Nây (thôn Kon Tu 1) cho biết: “Mỗi lần đốt lò là liên tục 3 ngày 3 đêm, khói của lò gạch màu đen ngòm, có mùi hăng nồng rất khó thở. Mỗi lần đốt lò gạch thì cả nhà phải đóng kín cửa hoặc bỏ ra ngoài vì khói bay vào khắp nhà”.

gach2
Nhiều người dân làng Kon Mơ Nây bức xúc vì hoạt động gây ô nhiễm môi trường của các lò gạch thủ công trong làng

Đầu làng Kon Mơ Nây là lớp mẫu giáo thôn Kon Tu 1 với khoảng 20 em nhỏ từ 3 - 5 tuổi. Chị Y Tưr (21 tuổi) kể lại: “Mấy hôm trước khi mấy đứa nhỏ đang học mà người ta đốt lò, khói đen bốc vào lớp học, cô giáo phải dẫn học sinh đến học tại nhà Rông của làng”. Cũng theo Y Tưr, khói đen từ lò gạch không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống sinh hoạt của người dân làng mà còn khiến cây cối xung quanh không thể phát triển được.

Ngoài ra, việc đào đất sét để làm gạch từ nhiều năm nay đã làm cạn kiệt nguồn nguyên liệu này, biến đổi hiện trạng đất đai xung quanh. Suối Chà Mòn phía sau làng Kon Mơ Nây không còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho bà con nữa, nay bị xói lở hai bên bờ và ô nhiễm, nguy cơ sạt lở lớn vào mùa mưa bão.

Ông Trịnh Lê Văn - Phó Chủ tịch xã Đăk Blà xác nhận, trên địa bàn có 30 lò gạch thủ công hoạt động, làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của người dân nhiều năm nay. Người dân đã ý kiến rất nhiều lần, đề nghị di dời các lò gạch này. “Hiện nay, các lò vẫn hoạt động cầm chừng, tuy không thường xuyên như trước nhưng vẫn tiếp tục sản xuất gạch do lượng đất sét ở các lò vẫn còn. Xã Đăk Blà cũng tổ chức nhiều cuộc họp, yêu cầu các lò dừng hoạt động và tháo dỡ trong năm 2018. Đối với các lò thuê đất của xã thì phải san lấp mặt bằng trả lại nguyên hiện trạng đất đai ban đầu cho xã”, ông Văn nói.

gach3
Lò gạch thủ công hoạt động từ hàng chục năm trước gây biến đổi lớn về hiện trạng đất đai, sạt lở bờ suối nghiêm trọng

Thực tế tại TP. Kon Tum, hoạt động sản xuất gạch thủ công diễn ra tại 05 xã: Ngô Mây, Kroong, Hòa Bình, Ngok Bay và Đăk Blà từ hàng chục năm nay. Thống kê cho thấy, hiện trên địa bàn thành phố có 310 lò gạch thủ công hoạt động, trong đó, có 104 lò nằm ngoài quy hoạch. UBND TP. Kon Tum đã xây dựng lộ trình giảm dần và chấm dứt sản xuất gạch đất sét nung bằng lò thủ công từ năm 2018 đến 2020.

Theo đó, chính quyền tại các địa phương phải tăng cường công tác quản lý khoáng sản để ngăn chặn, xử lý trình trạng khai thác, sử dụng đất sét trái phép để sản xuất gạch đất sét nung; kiên quyết không cho phép đầu tư dự án, cơ sở sản xuất gạch thủ công. Đồng thời, hỗ trợ chủ các cơ sở chuyển đổi nghề nghiệp, tạo sinh kế cho lao động đang tham gia sản xuất gạch thủ công…

Trước đó, từ năm 2006, TP. Kon Tum đã có chủ trương di dời các lò gạch này ra khỏi khu dân cư, về một vùng tập trung. Thế nhưng, vì không có quỹ đất nên đến nay các lò gạch thủ công vẫn hoạt động và tồn tại, gây ô nhiễm môi trường và nhiều hệ lụy khác. Hy vọng với chủ trương xóa bỏ lò gạch thủ công lần này, tình trạng ô nhiễm sẽ chấm dứt, trả lại cuộc sống yên bình cho người dân.