Cầu xuống cấp nghiêm trọng, chủ đầu tư dự án “đá bóng” trách nhiệm?

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:42, 16/06/2018

(TN&MT) - Sau hơn 40 năm xây dựng, cầu Châu Thành cũ nằm trên quốc lộ 1, đoạn qua km 1202+486 quốc lộ 1 (phường Nhơn Thành, TX.An Nhơn, Bình Định) đã bị xuống cấp nghiêm trọng, cần được sửa chữa để đảm bảo an toàn giao thông. Tuy nhiên, công việc này đang gặp trở ngại do các bên có liên quan chưa tìm “tiếng nói chung”.
cau 1
Cầu Châu Thành cũ đã bị xuống cấp. Trong ảnh: Mặt cầu Châu Thành cũ xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài

Xuống cấp trầm trọng!

Theo Chi cục Quản lý đường bộ III.2 thuộc Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cầu Châu Thành cũ bắt qua nhánh sông Côn (thuộc khu vực Tiên Hội, phường Nhơn Thành, TX.An Nhơn). Cầu được xây dựng trước năm giải phóng với 5 nhịp, mỗi nhịp dài 18,5m. Sau thời gian dài đưa vào khai thác, đến nay, cầu này đã xuống cấp.

Qua ghi nhận, cầu Châu Thành cũ nằm trên tuyến giao thông huyết mạch Bắc - Nam. Do vậy, hằng ngày, lưu lượng và mật độ phương tiện qua lại rất nhiều. Thế nhưng, mặt cầu hiện tại đã xuất hiện nhiều vết nứt xẻ dọc, kẻ ngang. Các vết nứt này ước chừng rộng 1 - 1,5cm. Khe co giãn cũng bị hư hỏng, các dầm ngang có hiện tượng nứt vỡ. Mặt bê tông nằm dưới lớp nhựa đường của cầu cũng xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nhiều mảng bê tông của mặt cầu bị bong dộp trơ những thanh sắt hoen gỉ. Nước mưa dễ dàng lọt xuống các kẽ bị hở, nứt tác động xấu đến kết cấu công trình.

Ông Nguyễn Quốc Dũng, tài xế lái xe tải BKS 77H - 456.xx (ở khu vực Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa, TX.An Nhơn), bày tỏ quan ngại: “2 tháng trước, tôi điều khiển xe qua đây đã thấy mặt cầu xuất hiện nhiều vết nứt ngắt quãng. Tôi nghĩ do thời tiết nên lớp nhựa đường bên trên bị bong bật. Chừng tháng trở lại đây, tôi thấy các vết nứt này có dấu hiệu lan rộng. Thậm chí, giữa mặt cầu đang có vết nứt kéo dài hơn 35m. Khe nứt có chỗ đút cả ngón tay út cũng lọt và nhiều vết nứt ngang khác. Dấu hiệu này cho thấy, công trình này đã xuống cấp và cần sửa chữa, nâng cấp kịp thời để đảm bảo giao thông. Từ ngày cầu hư hỏng, tôi kiên kè hơn mỗi khi chở nông sản qua đây”.

cau3
Cầu Châu Thành cũ bị xuống cấp, cơ quan chức năng lắp biển báo giới hạn tải trọng để cảnh báo giao thông

Chủ đầu tư “đá bóng” trách nhiệm?

Trao đổi vấn đề này, ông Lê Minh Tuân, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.2, cho biết: Trước đây, cầu Châu Thành cũ có kết cấu bằng dầm thép, nằm trong danh mục những cây cầu yếu cầu được nâng cấp, sửa chữa. Sau khi Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 được triển khai, cầu Châu Thành cũ dự tính sẽ xây mới. Tuy nhiên, dự án sau đó gặp khó khăn về nguồn vốn nên Bộ Giao thông Vận tải GTVT có chỉ đạo chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh rà soát và duy tu, sửa chữa tạm thời công trình để tiếp tục khai thác. Tuy nhiên, cầu do xây dựng quá lâu nên sau đó lại tiếp tục xuống cấp, hư hỏng.

Theo ông Lê Minh Tuân, cầu Châu Thành cũ sau khi sửa chữa, đưa vào khai thác đã xảy ra hư hỏng trước hết do lỗi của chủ đầu tư và nhà tư vấn thiết kế, vì trước khi sửa chữa không đánh giá hết tình trạng khai thác của cầu cũ, lựa chọn giải pháp sửa chữa chưa phù hợp. Công trình này nằm trong Dự án Nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và đang trong thời gian bảo hành nên việc sửa chữa thuộc về trách nhiệm của nhà đầu tư. Do đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam không sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ để sửa chữa đối với công trình thuộc dự án.

Trong khi đó, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc điều hành Ban quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh (đơn vị chủ đầu tư quốc lộ 1 qua tỉnh Bình Định), cho rằng: “Chủ đầu tư đã bàn giao cầu Châu Thành cũ cho đơn vị quản lý là Cục Quản lý đường bộ III (Tổng cục Đường bộ Việt Nam). Bởi, đây là công trình cũ và trong hồ sơ kiểm duyệt của dự án cầu này chỉ có sửa lại lan can và thảm lại mặt cầu. Trường hợp cầu được thi công mới thì trách nhiệm mới thuộc chủ đầu tư. Hiện nay, mặt cầu Châu Thành cũ đã xuất hiện vết nứt do xây dựng đã rất lâu. Điều này cho thấy, kết cấu của cầu đã bị ảnh hưởng. Do vậy, trách nhiệm của Cục Quản lý đường bộ III là phải đưa cầu Châu Thành cũ vào danh mục sửa chữa, nâng cấp bằng nguồn từ Quỹ bảo trì đường bộ (!)”.

Để đảm bảo giao thông, thiết nghĩ, các đơn vị có liên quan (Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Ban Quản lý dự án đường Hồ Chi Minh) cần ngồi lại bàn bạc, thống nhất các phương án để kịp thời sửa chữa, nâng cấp lại công trình, tránh để xảy ra các tình huống tai nạn không đáng có mà nguyên nhân bắt nguồn từ những hư hỏng đã dự báo trước.