Dự án nâng cấp QL15B tại Hà Tĩnh: Nghi vấn chủ đầu tư, nhà thầu thiếu trách nhiệm,
Tiếng dân - Ngày đăng : 09:47, 11/06/2018
(TN&MT) - Bỏ qua tiêu chuẩn đất san lấp nền phải đạt K98, khai thác đúng điểm được thẩm định phê duyệt, nhiều nhà thầu có dấu hiệu gian dối sử dụng vật liệu...
(TN&MT) - Bỏ qua tiêu chuẩn đất san lấp nền phải đạt K98, khai thác đúng điểm được thẩm định phê duyệt, nhiều nhà thầu có dấu hiệu gian dối sử dụng vật liệu không đảm bảo yêu cầu, khi thực hiện Dự án nâng cấp, mở rộng đường QL15B tại Hà Tĩnh, có mức đầu tư gần 250 tỷ đồng.
Thi công bằng đất “lậu”
Dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng QL15B là công trình trọng điểm, được thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa, vật liệu, giao thông đi lại, sản xuất, sinh hoạt của nhân dân trong vùng, phục vụ khách du lịch vào thăm quan các khu di tích lịch sử văn hóa, đặc biệt di tích quốc gia Ngã ba Đồng Lộc; Góp phần phát triển kinh tế xã hội, phát triển tiềm năng du lịch, đảm bảo an ninh - quốc phòng và thu hút đầu tư…
Theo đó, quá trình thực hiện dự án được chia làm bốn giai đoạn do Sở GTVT Hà Tĩnh làm chủ đầu tư, tổng vốn thực hiện gần 250 tỷ đồng bằng nguồn trái phiếu Chính phủ. Khởi công từ quý II/2017, với chiều dài tuyến xây dựng của Dự án là 11,308Km đi qua địa bàn 7 xã thuộc hai huyện Can Lộc và Thạch Hà, chia làm 5 gói thầu. Dự kiến, công trình sẽ được hoàn thành vào quý IV/2018 và vận hành vào quý I/2019. Trong đó, khâu thi công phần đào, đắp xây dựng nền đường chính, cống, rãnh thoát nước thuộc giai đoạn 2 dự kiến hoàn thiện trước quý III năm 2018.
Thông tin từ Ban Quản lý và điều hành dự án Xây dựng giao thông (Sở GTVT Hà Tĩnh), để chuẩn bị cho việc đắp đất thi công nền đường, tỉnh Hà Tĩnh đã thí nghiệm các mẫu đất, sau đó quy hoạch và thống nhất sử dụng đất tại mỏ do Công ty cổ phần vận tải Bích Hóa quản lý và khai thác thuộc địa phận xã Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà. Đây là mỏ duy nhất đủ điều kiện cung cấp đất tiêu chuẩn K98, Ban Quản lý dự án cũng đã có phương án để các nhà thầu lấy đất tại đây. Tính toán của chủ đầu tư thì tổng cự ly vận chuyển từ mỏ đến tuyến thi công khoảng 16,8km, nhu cầu sử dụng đất trên 210 ngàn m3.
Tuy nhiên, trong quá trình thi công dự án này bộc lộ nhiều bất cập, nhà thầu có dấu hiệu gian dối bỏ qua tiêu chuẩn đất san lấp nền phải đạt K98, sử dụng không đúng điểm đã được thẩm định phê duyệt mà tiêu thụ vật liệu trái phép, không đảm bảo yêu cầu chất lượng.
Sau khi nhận được phản ánh của người dân về trình trạng đất “thổ phỉ” tung hoành tại huyện Can Lộc và Thạch Hà phục vụ thi công đường QL15B, phóng viên đã kịp thời có mặt để tìm hiểu sự việc. Thời điểm chúng tôi có mặt tại công trường một số nhà thầu đang thi công các hạng mục: Đào, đắp xây dựng nền đường chính, cống, rãnh thoát nước nên nhu cầu đất san lấp là rất lớn.
Lần theo phương tiện vận tải, chúng tôi kiểm tra gói thầu thuộc Công ty Cổ phần xây dựng Hợp Lực thi công qua xã Việt Xuyên, huyện Thạch Hà phát hiện đơn vị này vừa nhận đất san lấp không đúng nơi quy định tại nhiều điểm cải tạo vườn đồi, trong đó sử dụng đất tại xã Bắc Sơn chưa được cơ quan chức năng cấp phép khai thác, không kiểm định đầu vào, từng khối đá tảng lớn trộn lẫn được san gạt, lu nền trong khi thiết kế được phê duyệt đất đắp, đầm chặt đạt K 98. Nhận thấy có dấu hiệu gian dối, nhưng quan sát đỏ mắt chúng tôi cũng không thấy bóng dáng đơn vị giám sát, chủ đầu tư xuất hiện.
Tiếp cận địa điểm đang thi công qua địa bàn xã Phù Việt, theo công nhân tại công trường đang thi công thì đây là gói thầu do Công ty CP Thành Công thực hiện. Mặc dù đơn vị đã triển khai được gần xong phần đổ đất làm nền nhưng những gì đang xẩy ra cho thấy không có bất kỳ một khâu kiểm duyệt đầu vào cho vật liệu đất san lấp. Chứng kiến bằng mắt thường cũng dễ nhận thấy, đất nhà thầu đang sử dụng không đạt độ K theo yêu cầu.
Đến đoạn đường do Công ty Cổ phần xây dựng và Thiết kế Thành Sen thi công, chúng tôi khá bất ngờ khi giám sát công trường cũng không biết đất được lấy tại đâu. Qua theo dõi phương tiện, PV phát hiện đất mà công trình sử dụng được khai thác tại xã Thạch Ngọc, điểm cải tạo phục hồi môi trường được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho Công ty CP Hoàng Tuấn Khanh thực hiện chỉ được phép phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn xã Thạch Kênh và Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà. Sự việc cũng tương tự xẩy ra tại hai gói thầu còn lại do Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển ViNaCo, Công ty Cổ phần Xây dựng Hồng Ngọc đang thi công.
Liên quan đến tình trạng khai thác đất “thổ phỉ” phục vụ công trình QL15B khiến dư luận bức xúc, ông Nguyễn Đình Sơn- Phó Phòng TN&MT huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) thừa nhận: “Từ khi dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 15B được khởi công, do nhu cầu lớn về đất để thi công nên tình trạng khai thác đất trái phép, “biến tướng” tại các điểm được cấp phép cải tạo diễn ra ồ ạt. UBND huyện Can Lộc đã phải lập tổ công tác tuyên chiến với tình trạng này để lập lại trật tự trên địa bàn…”.
Có dấu hiệu sử dụng tài nguyên trái phép?
Dự toán là thế, nhưng nhà thầu đã phớt lờ quy định. Thay vì sử dụng vật liệu ở điểm mỏ đã được thẩm định phê duyệt tại xã Ngọc Sơn thì đất san lấp của Dự án đường QL15B lại được nhiều nhà thầu sử dụng từ nguồn tài nguyên khai thác trái phép.
Ở một diễn biến khác, hơn 5 ngàn m3 đất lấy từ mỏ cải tạo vườn đồi ở xã Phú Lộc được Công ty TNHH Hân Thương khai thác thừa nhận đã cung ứng cho đường QL15B không thể đạt, khu vực này trước đó đã được đơn vị kiểm định độc lập tiến hành kiểm tra nhưng đều không đạt độ chặt K98. Mặt khác, đây lại là vị trí được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cải tạo vườn đồi, cho phép tận thu đất dư thừa phục vụ xây dựng NTM trên địa bàn xã Phú Lộc, huyện Can Lộc và nghiêm cấm bán khoáng sản ra khỏi địa bàn…?.
Sau khi tìm hiểu kỹ quá trình thi công dự án đường QL15B bộc lộ nhiều bất cập, PV đã liên hệ với ông Lê Việt Hòa - Trưởng Ban Quản lý và Điều hành dự án Xây dựng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh trực tiếp phụ trách thi công dự án đường QL15B, đồng thời trao đổi những nội dung liên quan đến việc sử dụng vật liệu san lấp trái phép, không đảm bảo chất lượng.
Mặc dù đã nói rõ nội dung có dấu hiệu gian dối của nhà thầu trong quá trình thi công, những bất cập liên quan đến quá trình thực hiện dự án nhưng qua hai lần liên hệ làm việc đều được ông Lê Việt Hòa biện lý do đi công tác và phải báo cáo lãnh đạo…?. Trong khi đó, nhà thầu vẫn tùy tiện sử dụng vật liệu trái phép, nghi vấn chất lượng không đảm nhưng chủ đầu tư không hề bàn tới.
Có một điểm chung là khi thắc mắc vì sao có thể sử dụng đất tùy tiện để san lấp nền đường tại Dự án gần 250 tỷ đồng này, chúng tôi đều nhận được câu trả lời từ các đơn vị thi công cho rằng: Chỉ nhận đất tại công trường, đất được lấy ở đâu là do các đơn vị vận tải hợp tác thực hiện. Đó cũng là lý do mà tại các gói thầu hầu hết không đăng ký gắn biển tên đơn vị thi công trên phương tiện vận tải.
Dư luận đang hoài nghi, việc thiếu trách nhiệm của Ban Quản lý và Điều hành dự án Xây dựng giao thông thuộc Sở Giao thông Vận tải Hà Tĩnh?