Hà Tĩnh: Dân “tố” nhà máy chế biến gỗ gây ô nhiễm môi trường

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:55, 01/06/2018

(TN&MT)- Được mời gọi đầu tư về quê hương nhằm góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Vậy...
(TN&MT) - Được mời gọi đầu tư về quê hương nhằm góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu và thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Vậy nhưng, Nhà máy chế biến gỗ của Công ty chế biến lâm sản THT đặt tại thôn Vĩnh Cát, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đang khiến người dân vô cùng bức xúc vì hoạt động phát tán khói bụi gây ô nhiễm.

Ông Lê Công Ba (70 tuổi), một người dân ở thôn Vĩnh Cát, xã Thạch Vĩnh bức xúc cho biết: “Khói từ nhà máy thải ra có mùi hôi rất khó chịu gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Vào buổi tối, mùi hôi cũng rất nồng nặc. Nhà tôi chỉ cách ống xã khói của nhà máy tầm 50m nên đêm nào cũng phải đóng kín cửa, nhưng mùi hôi vẫn theo gió len lỏi vào không thể chịu nổi”
Dãy ống khói phát tán khiến cho môi trường ô nhiễm
Dãy ống khói phát tán khiến cho môi trường ô nhiễm
“Vất vả nhất bây giờ là trong nhà đang có cháu nhỏ, nếu tình trạng này không được khắc phục thì người dân khó sống nỗi trên vùng đất này. Nhà nào cũng đóng cửa im ỉm để đối phó mùi hôi nhưng cũng chẳng ăn thua, lúc gió thổi ngược còn đỡ nhưng khi gió lùa về hướng nhà thì gần như ngột ngạt. Người dân vùng bị ảnh hưởng thường xuyên bị viêm họng, viêm mũi, cảm sốt...”, bà Nguyễn Thị Hồng cho biết thêm.
Các lò đốt phát tán khói bụi tầng thấp khiến các công nhân làm việc tại nhà máy cũng thừa nhận không khí rất ngột ngạt
Các lò đốt phát tán khói bụi tầng thấp khiến các công nhân làm việc tại nhà máy cũng thừa nhận không khí rất ngột ngạt
Không chịu đựng nổi tình cảnh ô nhiễm, người dân đã nhiều lần kiến nghị đến các cuộc tiếp xúc cử tri đề nghị can thiệp nhưng tình hình vẫn không có gì chuyển biến. Ông Phạm Như Thường - Bí thư chi bộ thôn Vĩnh Cát cho biết, ở cách vai trăm mét còn cảm nhận được mùi hôi, thì những hộ dân sống cạnh nhà máy như gia đình ông Ba đương nhiên là chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là vào những buổi tối khi người dân quây quần bên gia đình thì cảm giác thực sự bất bình.
Rác thải, phế thải dư thừa vứt bừa bãi
Rác thải, phế thải dư thừa vứt bừa bãi
Theo ông Phạm Như Thường, khu vực người dân thôn Vĩnh Cát ở gần nhà máy chế biến gỗ của Công ty chế biến lâm sản THT có 40 hộ dân, hộ ở gần nhất cách khoảng 50m. Mặc dù hoạt động đã gần ba năm nay, gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc, nhưng để tìm gặp được giám đốc Nhà máy phản rất khó, chưa lần nào được tiếp cận.
Dụng cụ chứa đựng nằm ngổn ngang
Dụng cụ chứa đựng nằm ngổn ngang
Được biết, Công ty chế biến lâm sản THT đặt tại thôn Vĩnh Cát, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) do ông Trần Hữu Thìn là người đứng tên đại diện chịu trách nhiệm về pháp luật. Đây là doanh nghiệp được mời gọi đầu tư về quê hương nhằm góp phần giải quyết việc làm, tiêu thụ sản phẩm gỗ nguyên liệu và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.
Rác thải, phế thải dư thừa vứt bừa bãi
Rác thải, phế thải dư thừa vứt bừa bãi
Theo hồ sơ hoạt động của Công ty chế biến lâm sản THT, ngày 12 tháng 1 năm 2015, đơn vị bắt đầu đi vào hoạt động khi UBND huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) có thông báo số 03/TB- UBND về việc chấp nhận bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường của dự án “Đầu tư sản xuất than chuông tại xã Thạch Vĩnh”. Theo đó, quá trình hoạt động đơn vị cũng như cá nhân ông Trần Hữu Thìn phải có trách nhiệm thực hiện đầy đủ những nội dung trong bản cam kết bảo vệ môi trường; UBND huyện Thạch Hà cũng yêu cầu đối với đơn vị hoạt động khi có những thay đổi, điều chỉnh nội dung bản cam kết phải có báo cáo và chỉ được thực hiện khi được chấp thuận bằng văn bản.
Bà Nguyễn Thị Hồng- Một người dân bức xúc phản ánh
Bà Nguyễn Thị Hồng - Một người dân bức xúc phản ánh
Để tìm hiểu rõ hơn về hoạt động của doanh nghiệp bị người dân “tố” gây ô nhiễm, PV đã mục sở thị tại Nhà máy sản xuất than chuông thuộc Công ty chế biến lâm sản THT nhận thấy: “Công tác chấp hành cam kết bảo vệ môi trường được đơn vị thực hiện hết sức sơ sài. Hệ thống ống khói được lắp đặt quá thấp so với nhà dân, trong đó có một số ống bị  hỏng, chưa khắc phục nhưng vẫn hoạt động khiến cho khói lan tỏa ở tầng thấp; hệ thống nắp đậy hố ga, mương thoát thải gần như bị vùi lấp; các dụng cụ, chất thải, sản phẩm dư thừa vứt bừa bãi, thiếu tập trung…”. 
 
Đáng chú ý nữa, quá trình cưa xẻ gỗ gây ồn, bụi. Công tác phòng cháy chữa cháy gần như không được đề cập. Mặc dù, chủ trương đầu tư nhằm góp phần giải quyết việc làm cho con em địa phương nhưng hiện tại cả nhà máy chỉ có 8 công nhân làm việc, hầu hết không được trang bị bảo hộ lao động.
 
Trong khi đó, ông Trần Hữu Thìn - Giám đốc công ty chế biến lâm sản THT làm việc với phóng viên cho rằng: “Hoạt động của nhà máy với ngành nghề sản xuất than chuông, nguyên liệu từ cây bạch đàn thì không có gì độc hại cả. Riêng ống khói có bị gãy thì ngày mai tôi sẽ cho khắc phục”. Tuy nhiên, phóng viên đề cập đến bản Quan trắc đị kỳ thì ông Thìn cho biết không thực hiện…?!.
Ông Thìn cũng tâm sự: Việc đầu tư nhà máy ở thôn Vĩnh Cát do tiếng gọi đầu tư về quê hương, chính quyền cũng như người dân đã nhường lại hơn 1 hecta đất xây dựng nhà máy với kỳ vọng tạo việc làm cho con em, tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương. Tuy nhiên, qua thời gian nhà máy hoạt động không hiệu quả, nguồn nguyên liệu khan hiếm nên hiện tại chỉ cầm chừng để duy trì đến hết năm nay.
 
Liên quan đến hoạt động của Công ty chế biến lâm sản THT gây ô nhiễm, ông Phan Văn Đăng - Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) thừa nhận người dân phản ánh là có thật. Theo ông Đăng: “sau khi tiếp nhận phản ánh của người dân về vấn đề này, năm 2017, chúng tôi cũng đã đến kiểm tra và có nhắc nhở, đồng thời yêu cầu nhà máy nhanh chóng có phương án khắc phục tình trạng này”.