Vụ từ chối cấp sổ đỏ tại Nam Định - Bài 8: Luật sư cho rằng UBND huyện Giao Thủy phạm luật!

Tiếng dân - Ngày đăng : 21:33, 29/05/2018

(TN&MT) – Theo ý kiến của luật sư, việc UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định từ chối cấp GCNQSDĐ cho gia đình nhà bà Phạm Thị - Mẹ Việt Nam Anh hùng là trái quy...
(TN&MT) – Theo ý kiến của luật sư, việc UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định từ chối cấp GCNQSDĐ cho gia đình nhà bà Phạm Thị - Mẹ Việt Nam Anh hùng là trái quy định pháp luật.

Liên quan đến vụ việc gia đình bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Liên (trú tại địa chỉ tổ dân phố số 3, thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nhiều năm kêu cứu vì không được UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà gia đình đề nghị, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam (Đoàn luật sư TP. Hà Nội).

Theo đó, Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cho rằng, hành vi từ chối Cấp GCNQSDĐ cho gia đình nhà Bà Phạm Thị Liên của UBND huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định là trái quy định pháp luật.

Ông Hùng cho biết, lý do UBND huyện Giao Thủy đưa ra trong văn bản trả lời không cấp GCNQSDĐ cho toàn bộ diện tích đất theo yêu cầu của gia đình bà Liên vì UBND huyện Giao Thủy cho rằng diện tích đất của gia đình bà Liên trong bản đồ 1995 tăng lên 3.400 m2 so với diện tích được thể hiện trên bản đồ năm 1988 là do khi tiến hành đo đạc, thành lập bản đồ hiện trạng, gia đình bà Liên đã tự khai nhận phần diện tích đất hai lúa của hợp tác xã vào diện tích đất của gia đình. 

Tuy nhiên, đây là khẳng định không có căn cứ bởi qua hồ sơ, tài liệu của vụ án chứng minh được rằng đất nhà bà Liên là đất có nguồn gốc hợp pháp, sử dụng ổn định, lâu dài.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Liên 10 năm đội đơn xin cấp sổ đỏ bất thành.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Liên 10 năm đội đơn xin cấp sổ đỏ bất thành.
Lý giải cho nhận định này, ông Hùng cho rằng toàn bộ diện tích đất của bà Phạm Thị Liên từ năm 1960 đến nay (khoảng 50 năm) có được một phần là mua lại (năm 1960, ông Phan Văn Khoa và bà Phạm Thị Liên mua lại một thửa đất tại tờ bản đồ số 11, bản đồ năm 1995 thì thửa đất này là thửa đất số 206, có diện tích 6.150 m2  của  người xã Giao Sơn), một phần là khai khẩn đất hoang hóa, sinh lầy để ở và canh tác.

Tại bản đồ 229 lưu tại UBND thị trấn Ngô Đồng, tại Tờ số 4, được đo đạc từ tháng 10-11/1992 thì có 2 thửa: Thửa số 54 có S=2670m2 tên ông Khoa (bố ông Nhất) và thửa 58 có S= 2420m2 là đất 2 Lúa do vợ chồng bà Liên, ông Khoa khai khẩn đất ao sình để trồng lúa từ trước 1990. Việc nhà bà Liên sử dụng ổn định 2 thửa đất này là lâu dài, ổn định và liên tục.

Diện tích đất và nguồn gốc mảnh đất đã được xác thực của ông Phan Văn Mao – Chủ tịch xã trong nhiệm kì từ năm 1968 đến năm 1986 và Nguyễn Văn Nhuệ - cán bộ địa chính xã Bình Hòa nhiệm kì từ năm 1982 đến năm 1988 xác thực trong quá trình sử dụng diện tích đất trên gia đình Bà Phạm Thị Liên chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về thuế nông nghiệp, giấy xác thực của 02 cán bộ trên đã được chứng thực của UBND xã Bình Hòa. 

Luật sư Hùng cũng cho biết, tại Biên bản họp lấy ý kiến của cán bộ các tổ dân phố lân cận do UBND thị trấn Ngô Đồng chủ trì ngày 12/05/2017, thì ông Phan Phi Hồng (nguyên chủ tịch UBND xã Bình Hòa giai đoạn 1964-1968, Chủ tịch UBND thị trấn Ngô Đồng rồi lên làm Phó ban tổ chức chính quyền huyện Giao Thủy) sau khi kể nguồn gốc hình thành thửa đất nhà bà Liên, ông đã đi đến kết luận: Nguồn gốc và diện tích đất, quá trình sử dụng đất như bà Liên trình bày là đúng.

Khẳng định về việc này, Luật sư Hùng cho rằng, gia đình bà Phạm Thị Liên đã sử dụng diện tích đất ổn định, lâu dài. Điều này được chiếu theo quy định tại Khoản 2 Điều 101 Luật đất đai 2013.

Theo hồ sơ lưu trữ tại UBND thị trấn Ngô Đồng, Phòng Tài nguyên –Môi trường huyện Giao Thủy và Văn phòng đăng ký đất đai thì diện tích đất của hộ bà được thể hiện trên bản đồ, số mục kê lập năm 1988, bản đồ tỷ lệ 1/2.000 tại tờ số 02 thửa 345 có tổng diện tích là 2.750 (trong đó chia ra đất ở: 360 ; đất vườn: 540 ; đất ao: 600 ; đất 2 lúa: 1.250 ). Gia đình bà là hộ cá thể không tham gia hợp tác xã nông nghiệp, không có hộ khẩu nông nghiệp, do đó không thuộc diện được giao ruộng theo quyết định 115/QĐ-UBND ngày 15/02/1992 của UBND tỉnh Hà Nam Ninh.

Năm 1995 thị trấn Ngô Đồng đo đạc thành lập bản đồ hiện trạng theo tỷ lệ 1/1.000, hộ gia đình bà (lúc này do ông Phan Văn Nhất là con trai của bà đứng tên) được thể hiện tại tờ số 11, thửa 206 có tổng diện tích là 6.150 (trong đó chia ra đất ở: 360 ; đất vườn: 1.105 ; đất ao: 1.375 ; đất 2 lúa: 3.310 ). Trong quá trình kiểm tra, rà soát, đo đạc lại việc sử dụng đất của gia đình  bà, UBND thị trấn Ngô Đồng đã phát hiện, diện tích đất của gia đình ông bà tăng lên 3.400 so với diện tích được thể hiện trên bản đồ năm 1988 (Trong đó: đất vườn tăng lên 565 ; đất ao tăng lên 775 ; đất 2 lúa tăng lên 2.060 ).

Theo ý kiến của vị Luật sự thì việc đo đạc trên là phù hợp với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký ruộng đất trong cả nước. Còn sự sai lệch diện tích đất của gia đình bà Phạm Thị Liên trong 2 bản đồ năm 1988 và 1995 là sự sai lệch của cơ quan chuyên môn khi tiến hành đo đạc. Bởi, diện tích đất và nguồn gốc mảnh đất đã được xác thực của ông Phan Văn Mao – Chủ tịch xã trong nhiệm kì từ năm 1968 đến năm 1986 và Nguyễn Văn Nhuệ - cán bộ địa chính xã Bình Hòa nhiệm kì từ năm 1982 đến năm 1988 xác thực trong quá trình sử dụng diện tích đất trên của gia đình Bà Phạm Thị Liên chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước về thuế nông nghiệp, giấy xác thực của 02 cán bộ trên đã được chứng thực của UBND xã Bình Hòa (Trong đó có cả phần diện tích tăng thêm). 
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.
Luật sư Nguyễn Doãn Hùng - Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam.
Vì vậy, đối với diện tích chênh lệch giữa 2 bản đồ năm 1988 và 1995 là do sai lệch trong công tác đo đạc của cán bộ địa chính xã chứ không phải diện tích đất nhà bà Phạm Thị Liên có sự thay đổi. 

Luật sư Nguyễn Doãn Hùng cũng cho rằng, trong Công văn số 556/UBND – VP về việc trả lời đề nghị của công dân của UBND huyện Giao Thủy có nói “Ngày 27/6/1988 UBND thị trấn Ngô Đồng đã làm việc với gia đình bà và có biên bản giao diện tích đất hai lúa cho ông Phan Văn Khoa (chồng bà Liên) là 2 sào, giao cho ông Phan Văn Nhất là 2,75 sào, tổng diện tích giao cho 2 hộ là 4,75 sào bằng 1.710 . Diện tích còn lại là 1.690 thuộc quỹ đất công, UBND thị trấn Ngô Đồng tạo điều kiện để cho gia đình bà được sử dụng theo hình thức đấu thầu đất công của địa phương".

Tuy nhiên, đây là giải trình không xác đáng bởi UBND huyện Giao Thủy không lý giải, cũng như không cung cấp được bằng chứng chứng minh 3.400 m2 đất hai lúa hiện gia đình Bà Phạm Thị Liên đang sử dụng là diện tích đất công của xã. 

Lần đầu tiên tại Điều 45 Luật Đất đai 1993 mới đề cập đến việc quỹ đất không quá 5% đất nông nghiệp để phục vụ cho các nhu cầu công ích của địa phương.

Như vậy, chưa có quy định cụ thể về đất công của xã, UBND huyện Giao Thủy cũng không cung cấp được bằng chứng chứng minh diện tích 3.400 m2 hai lúa gia đình bà Liên sử dụng là diện tích đất công

Bên cạnh đó, tại thời điểm UBND huyện Giao Thủy nói có giao đất, nhưng ông Phan Văn Khoa và gia đình ông Phan Văn Nhất lại không nhận được bất cứ giấy tờ gì về việc giao đất từ UBND thị trấn, trong khi lại có biên bản giao đất trên thực địa của nhà máy điện sản xuất chi nhánh huyên Giao Thủy, UBND cũng không giao đất trên thực tế cho gia đình ông Phan Văn Nhất, Phòng tài nguyên và môi trường huyện cũng không thực hiện việc đo dạc, căn vẽ sao lục cho diện tích đất cho đất mà UBND thị trấn cho rằng là đã giao cho gia đình ông Khoa và gia đình ông Nhất. 

Ngoài ra, việc UBND huyện Giao Thủy nói rằng “Diện tích còn lại là 1.690 thuộc quỹ đất công, UBND thị trấn Ngô Đồng tạo điều kiện để cho gia đình bà được sử dụng theo hình thức đấu thầu đất công của địa phương” là hoàn toàn vô căn cứ, bởi gia đình bà Phạm Thị Liên không hề thực hiện bất cứ hoạt động đấu thầu đất công nào đối với UBND huyện Giao Thủy.

Như vậy, việc UBND huyện Giao Thủy khẳng định 3.400 m2 đất gia đình bà Phạm Thị Liên xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là diện tích đất công của UBND là không có căn cứ. 

“Căn cứ vào những phân tích trên, tôi khẳng định những căn cứ mà UBND huyện Giao Thủy đưa ra trong công văn trả lời đơn xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là không có căn cứ. Do đó, việc từ chối đơn xin cấp giấy chứng nhận của UBND huyện Giao Thủy là trái quy định pháp luật”, ông Hùng nhận định.

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin, ngày 25/05, TAND tỉnh Nam Định đã mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án hành chính giữa bà mẹ Việt Nam Anh hùng Phạm Thị Liên và UBND huyện Giao Thủy. Bà Phạm Thị Liên đề nghị TAND tỉnh Nam Định xem xét về vi phạm hành chính đối với UBND huyện Giao Thủy khi từ chối cấp GCNQSDĐ đối với diện tích 6.150 m2 đất mà gia đình bà đã sử dụng ổn định từ năm 1960 đến nay.

Tuy nhiên, HĐXX tuyên bác yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thị Liên và cho rằng việc UBND huyện Giao Thủy không cấp GCNQSDĐ đối với toàn bộ diện tích 6.150 m2 cho gia đình nhà bà Liên là có căn cứ pháp lý và việc UBND huyện Giao Thủy ban hành Công văn số 556 vào tháng 08/2017 trả lời công dân là đúng quy định của pháp luật.

Mặc dù vậy, HĐXX cũng đề nghị UBND huyện Giao Thủy làm thủ tục cấp GCNQSDĐ với diện tịch 1.993 m2 đất có số thửa 345 thuộc tờ bản đồ số 2 của UBND thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy cho bà Phạm Thị Liên (chứ không phải 6.150 m2 như trên thực tế bà Phạm Thị Liên hiện đang sử dụng - PV).

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.