Lý Nhân (Hà Nam): Bất chấp pháp luật, công ty CP gạch Đại Hoàng ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều

Tiếng dân - Ngày đăng : 08:48, 23/05/2018

(TN&MT) - Ngay từ những ngày đầu hoạt động (năm 2012), mặc dù chưa có văn bản chấp thuận cho phép xây dựng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và cấp phép...
(TN&MT) - Ngay từ những ngày đầu hoạt động (năm 2012), mặc dù chưa có văn bản chấp thuận cho phép xây dựng của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và cấp phép xây dựng cảng thủy nội địa Thái Hà của UBND tỉnh Hà Nam, công ty Cổ phần (CP) gạch Đại Hoàng (xóm 6, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) thuộc Tập đoàn Hamico đã cố tình vi phạm tự ý xây dựng cầu cảng, nhà điều hành trong phạm vi bảo vệ kè lát mái Hồng Lý. Hoạt động của công ty không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều.
 
 
1-Lý Nhân (Hà Nam): Bất chấp pháp luật, công ty CP gạch Đại Hoàng ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều
Suốt 7 năm qua, người dân xã Chân Lý phải sống chung với ô nhiễm từ Công ty gạch Đại Hoàng


Ô nhiễm bủa vây dân làng

Nhận được thông tin phản ánh của người dân xã Chân Lý về những vi phạm của công ty CP gạch Đại Hoàng, Phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường (PV) đã phải rất vất vả mới tìm được vị trí của công ty. Theo quan sát của PV, công ty này nằm sâu trong khu dân cư, xung quanh là ruộng lúa, cây cối nhưng có khu vực cây cao quá đầu người, có khu vực thì đến cỏ dại cũng không thể mọc.
 
Trong quá trình tác nghiệp, PV gặp bà Đ.T.T sống gần công ty CP gạch Đại Hoàng. Bà T bức xúc: “Nhà báo nhìn xem, những khu đất quanh công ty này có khác gì khu đất hoang không? Từ ngày công ty này hoạt động đã bắt đầu xả khói gây ô nhiễm cả khu dân cư. Khói lò gạch đốt bằng than và ga nên mùi xả thối khủng khiếp! Những nhà gần lò gạch không thể trồng cây, trồng bưởi thì bưởi sâu, trồng chuối thì chuối chết, không cây nào sống được”.
 
Cùng chung nỗi bức xúc với bà T, ông N.P.T, nhà cách công ty CP gạch Đại Hoàng khoảng 100 mét cho biết: “Cứ khoảng chiều hoặc tối, khi công ty này xả khói là nhà tôi phải đóng cửa vào vì mùi hôi thối không thể chịu nổi. Họ làm sao thì làm nhưng phải nghĩ đến dân. Mai sau những khu đất họ làm chỉ là những thùng, vũng, ao, còn hơn cả những hố bom ngày xưa, lúc đó dân biết sống sao?”.
 
Coi thường báo chí
 
Để có thông tin đa chiều về nội dung người dân phản ánh, PV đã trực tiếp vào trụ sở công ty và liên hệ làm việc với ông Đặng Đức Anh - Giám đốc công ty CP gạch Đại Hoàng. Tuy nhiên, vị Giám đốc này lấy lý do không có mặt ở công ty, thay vì cho một lãnh đạo khác của công ty trao đổi thông tin với báo chí lại đẩy cho một nhân viên của công ty tiếp PV với thái độ coi thường PV.
 
Vừa gặp PV, không hề giới thiệu tên và chức vụ, người nhân viên này lập tức yêu cầu PV cung cấp giấy tờ ngay giữa hành lang của một dãy nhà của công ty. Sau một hồi tranh luận, cuối cùng người nhân viên cũng “mời” PV vào phòng và xưng tên là Công.
2-Lý Nhân (Hà Nam): Bất chấp pháp luật, công ty CP gạch Đại Hoàng ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều
 Nhân viên tên Công của Công ty gạch Đại Hoàng tiếp PV với thái độ coi thường PV
Sau khi PV yêu cầu nhân viên tên Công này dẫn đi thực địa quanh công ty, anh ta “khéo léo” ra ngoài gọi điện cho một ai đó và lát sau quay trở lại với câu trả lời thản nhiên: “Hôm nay lãnh đạo của công ty không có ở đây nên không tiếp anh chị được!” Phải chăng có điều gì mờ ám trong hoạt động của công ty khiến lãnh đạo và nhân viên công ty này trốn tránh, thậm chí coi thường báo chí như vậy?
 
Chưa có giấy phép vẫn ngang nhiên xây dựng
 
Mặc dù chưa đầy đủ giấy phép xây dựng nhưng công ty CP gạch Đại Hoàng vẫn ngang nhiên xây dựng 7 năm nay với những vi phạm nghiêm trọng. Về nội dung này, ông Đặng Văn Tuấn - Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý cho biết: Hồ sơ xin cấp phép bến thủy nội địa, công ty không làm từ địa phương mà làm từ Cục đường thủy nội địa Việt Nam. Cục đường thủy nội địa Việt Nam đã cấp phép rồi đôn đốc công ty làm. Thế nhưng, khi kiểm tra đến các thủ tục liên quan đến địa phương thì công ty này chưa đủ điều kiện hoạt động.
3-Lý Nhân (Hà Nam): Bất chấp pháp luật, công ty CP gạch Đại Hoàng ngang nhiên vi phạm Luật Đê điều
 Không biết vì lý do gì mà Công ty gạch Đại Hoàng ngang nhiên sai phạm từ năm 2012 đến nay vẫn chưa bị các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý? 
Theo ông Đặng Văn Tuấn, UBND xã Chân Lý đã nhắc nhở rất nhiều lần nhưng nay công ty đưa một loại giấy tờ, mai đưa một loại giấy tờ, chưa đầy đủ. Trong phạm vi thẩm quyền cho phép, UBND xã đã nhiều lần phối hợp với Hạt quản lý đê Lý Nhân và Phòng NN&PTNT huyện lập biên bản, xử lý vi phạm hành chính đối với công ty. Các Sở, ngành cũng đều nắm được, nhưng công ty vẫn cố tình như vậy.
 
Ông Lê Thanh Lại - Phó Hạt trưởng Hạt quản lý đê Lý Nhân cho biết: Mặc dù từ năm 2012 đến nay, Hạt quản lý đê Lý Nhân đã ra hàng loạt biên bản vi phạm pháp luật về đê điều đối với công ty CP gạch Đại Hoàng nhưng không hiểu vì lý do gì mà công ty này vẫn ngang nhiên hoạt động, thách thức dư luận và các cơ quan chức năng.
 
Được biết, ngày 24/4/2018, Bộ NN&PTNT đã có Công văn số 3125 gửi UBND tỉnh Hà Nam về việc kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.
 
Theo đó, tại khu vực bờ hữu sông Hồng tương ứng từ K141+250 đến K141+400 đê Hữu Hồng thuộc xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, công ty CP gạch Đại Hoàng thuộc Tập đoàn Hamico đã và đang xây dựng cảng đường thủy nội địa, đóng cọc bê tông cốt thép ở lòng sông cách bờ khoảng 35m và đổ sàn bê tông trên cọc rộng khoảng 3m, dài khoảng 150m, chưa được UBND tỉnh Hà Nam cấp phép và chưa có ý kiến thỏa thuận của Bộ NN&PTNT; đổ vật liệu đất đá lấn chiếm lòng sông để làm mặt cảng từ đỉnh kè hiện có ra phía sông sát với hàng cọc bê tông, rộng khoảng 35m làm cản trở dòng chảy, thoát lũ; xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch trên bãi sông, vi phạm Điều 26 Luật Đê điều; các hành vi nêu trên vi phạm nghiêm trọng pháp luật về đê điều.
 
Mặc dù đã nhiều lần bị các cơ quan chức năng kiểm tra, lập biên bản xử phạt nhưng công ty CP gạch Đại Hoàng vẫn cố tình vi phạm, “phớt lờ” chỉ đạo của các cơ quan chức năng. Liệu rằng, các cơ quan chức năng bất lực hay chưa làm hết trách nhiệm, hay có một “thế lực” nào đó “chống lưng” cho công ty? Câu trả lời xin nhường lại cho các cơ quan chức năng có liên quan.
 
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.