Thanh Hóa: Bệnh viện Đa khoa ACA vi phạm quy định quản lý chất thải y tế!

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:10, 19/05/2018

(TN&MT) - Theo ý kiến của chuyên gia y tế, việc Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn để chất thải nguy ở ngoài trời hàng tháng, không được bảo quản; đồng thời bệnh...
(TN&MT) - Theo ý kiến của chuyên gia y tế, việc Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn để chất thải nguy ở ngoài trời hàng tháng, không được bảo quản; đồng thời bệnh viện cũng không có hệ thống xử lý nước thải là đang vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý chất thải y tế theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bỏ lơ quy định xử lý chất thải y tế

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đưa tin phản ánh của nhiều người dân về việc Bệnh viện Đa khoa ACA có địa chỉ tại phường Phú Sơn (TX. Bỉm Sơn Thanh Hóa) không chấp hành tốt pháp luật về bảo vệ môi trường, gây ô nhiễm môi trường.

Theo đó, bệnh viện này còn nhiều tồn tại trong công tác bảo vệ môi trường như khu xử lý rác thải, chất thải nguy hại không đảm bảo, xả chất thải lỏng trực tiếp ra môi trường không qua xử lý.

Ngày 17/05, PV Báo TN&MT đã đến địa điểm phản ánh để trực tiếp xác minh. Tại đây, những gì mà PV chúng tôi ghi nhận theo phản ánh của người dân là có cơ sở.
Rác thải y tế nguy hại được Bệnh viện Đa khoa ACA bỏ ngổn ngang ngoài trời trong khuôn viên bệnh viện.
Rác thải y tế nguy hại được Bệnh viện Đa khoa ACA bỏ ngổn ngang ngoài trời trong khuôn viên bệnh viện.
Theo ghi nhận của PV, tại khu vực khuôn viên bệnh viện vẫn chưa đảm bảo vệ sinh môi trường, phía trái của bệnh viện là khu vực nhà vệ sinh, quanh đây có nhiều loại rác thải bị trộn lẫn, khu bên phải bệnh viện là một đại công trường đang thi công dở dang, phía sau khu vực này là một khu rác thải y tế độc hại chưa qua xử lý chất đống hàng tháng để ngổn ngang bốc mùi hôi thối.

Việc chất thải nguy hại, lây nhiễm để chất đống trong một thời gian dài trong khuôn viên bệnh viện khiến PV hết sức lo ngại cho sức khỏe của các bệnh nhân bởi nguy cơ lây nhiễm từ các loại chất thải này là rất cao.

Không chỉ vậy, theo ghi nhận thực tế tại đây, PV nhận thấy bệnh viện hiện nay vẫn chưa có khu xử lý nước thải tập trung, nước thải y tế hòa lẫn với nước thải sinh hoạt rồi thải trực tiếp ra môi trường tại hồ nước nhỏ sát với ruộng lúa của người dân.

Trước những thực trạng trên, PV Báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông Nguyễn Hữu Cần - Đại diện lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa ACA. Theo đó, ông Cần thừa nhận hiện tại bệnh viện cũng như khu xử lý rác thải nguy hại chưa đảm bảo môi trường, không đúng với quy định. “Hiện nay bệnh viện chúng tôi đang thực hiện xây dựng mở rộng thêm để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh. Khu xử lý chất thải rắn hiện nay chưa được hoàn thiện nên số lượng chất thải y tế nguy hại đang được để tạm ở khu vực chứa chất thải, điều này chúng tôi sẽ khắc phục trong thời gian tới”, ông Cần cho biết.

Về hệ thống xử lý nước thải, vị này cũng cho biết: ''Hiện nay bệnh viện không áp dụng công nghệ máy móc để xử lý nước thải y tế nên vẫn đang thực hiện công nghệ xử lý nước thải tự nhiên qua một hồ nước. Với công nghệ, qua ánh sáng mặt trời sau một thời gian sẽ không gây ô nhiễm môi trường, công nghệ này cũng đã được Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định", ông Cần khẳng định.
32839164 1296591830484494 1120312274649612288 n
Trong năm 2017, Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn chỉ 02 lần nhận xử lý chất thải nguy hại của Bệnh viện Đa khoa ACA.
Trong khi đó, theo tài liệu của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, trước đó, vào năm 2017, Bệnh viện Đa khoa ACA có hợp tác xử lý chất thải nguy hại với Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn. Tuy nhiên, từ đầu năm 2018 đến nay, phía Bệnh viện Đa khoa Bỉm Sơn xác nhận đã không còn nhận xử lý chất thải nguy hại từ phía Bệnh viện Đa khoa ACA.

Mặt khác, Bệnh viện Đa khoa ACA từ đầu năm 2018 cũng chưa ký hợp đồng xử lý chất thải nguy hại với đơn vị nào. Như vậy, có thể thấy rằng, số lượng chất thải nguy hại không nhỏ mà PV ghi nhận được để trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa ACA đã tồn tại trong một thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là các bệnh nhân nội trú.

Vi phạm nghiêm trọng

Nhận định sự việc với PV, một chuyên gia ngành y tế cho rằng, việc Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn để chất thải nguy hại hàng tháng ở ngoài trời, không được bảo quản; đồng thời bệnh viện cũng không có hệ thống xử lý nước thải là vi phạm nghiêm trọng quy định về quản lý chất thải y tế theo Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường và một số văn bản pháp luật khác về xử lý chất thải y tế.
32785060 1013571478811749 3451693941089370112 n 1
Nước thải Bệnh viện ACA được xả thải trực tiếp ra hồ ngay sát ruộng lúa của người dân.
Theo vị này, tại Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường có hiệu lực từ 01/04/2016 đã nêu rất rõ các quy định về quản lý chất thải y tế để bảo đảm vệ sinh môi trường, trong đó có cả chất thải nguy hại và chất thải thông thường.

Hơn nữa, Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn do chưa có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế (gồm chất thải nguy hại) thì sẽ phải ký hợp đồng với các bệnh viện có hệ thống xử lý chất thải. Trong khi đó, tại Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn lại để chất thải nguy hại có nguy cơ lây nhiễm hàng tháng ở ngoài trời, không được bảo quản tại kho lưu trữ là sai quy định, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, đặc biệt là sức khỏe của các bệnh nhân nội trú tại bệnh viện.

Tại Điều 13 của Thông tư liên tịch số 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT cũng đã quy định rất rõ về việc xử lý chất thải y tế nguy hạị. Theo đó, chất thải y tế nguy hại phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; ưu tiên lựa chọn các công nghệ không đốt, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.
Bệnh viện Đa khoa ACA tại phường Phú Sơn (TX. Bỉm Sơn Thanh Hóa).
Bệnh viện Đa khoa ACA tại phường Phú Sơn (TX. Bỉm Sơn Thanh Hóa).
Về hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo thứ tự ưu tiên sau: Xử lý tại cơ sở xử lý chất thải y tế nguy hại tập trung hoặc tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại tập trung có hạng mục xử lý chất thải y tế; Xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế (chất thải y tế của một cụm cơ sở y tế được thu gom và xử lý chung tại hệ thống, thiết bị xử lý của một cơ sở trong cụm); Tự xử lý tại công trình xử lý chất thải y tế nguy hại trong khuôn viên cơ sở y tế.

Hình thức xử lý chất thải y tế nguy hại theo mô hình cụm cơ sở y tế phải được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt trong kế hoạch thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Về nước thải y tế, bắt buộc các cơ sở y tế phải có hệ thống xử lý nước thải sau đó mới được thải ra môi trường bên ngoài. Các cơ sở y tế hoàn toàn không được phép xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường. "Việc xả nước thải ra hồ sát ruộng lúa của người dân mà chưa qua xử lý là rất nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trong đến môi trường nước xung quanh", vị này nhận định.

Cũng theo vị này, nước thải y tế phải quản lý, xử lý theo nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, đề án bảo vệ môi trường chi tiết, đề án bảo vệ môi trường đơn giản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc xác nhận.

Điều 7. Thu gom chất thải y tế

1. Thu gom chất thải lây nhiễm:

a) Chất thải lây nhiễm phải thu gom riêng từ nơi phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;

b) Trong quá trình thu gom, túi đựng chất thải phải buộc kín, thùng đựng chất thải phải có nắp đậy kín, bảo đảm không bị rơi, rò rỉ chất thải trong quá trình thu gom;

c) Cơ sở y tế quy định tuyến đường và thời điểm thu gom chất thải lây nhiễm phù hợp để hạn chế ảnh hưởng đến khu vực chăm sóc người bệnh và khu vực khác trong cơ sở y tế;

d) Chất thải có nguy cơ lây nhiễm cao phải xử lý sơ bộ trước khi thu gom về khu lưu giữ, xử lý chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;

đ) Tần suất thu gom chất thải lây nhiễm từ nơi phát sinh về khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế ít nhất 01 (một) lần/ngày;

e) Đối với các cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, tần suất thu gom chất thải lây nhiễm sắc nhọn từ nơi phát sinh về khu lưu giữ tạm thời trong khuôn viên cơ sở y tế hoặc đưa đi xử lý, tiêu hủy tối thiểu là 01 (một) lần/tháng.

2. Thu gom chất thải nguy hại không lây nhiễm:

a) Chất thải nguy hại không lây nhiễm được thu gom, lưu giữ riêng tại khu lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế;

b) Thu gom chất hàn răng amalgam thải và thiết bị y tế bị vỡ, hỏng, đã qua sử dụng có chứa thủy ngân: Chất thải có chứa thủy ngân được thu gom và lưu giữ riêng trong các hộp bằng nhựa hoặc các vật liệu phù hợp và bảo đảm không bị rò rỉ hay phát tán hơi thủy ngân ra môi trường.

3. Thu gom chất thải y tế thông thường: Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được thu gom riêng.

Điều 8. Lưu giữ chất thải y tế

1. Cơ sở y tế bố trí khu vực lưu giữ chất thải y tế trong khuôn viên cơ sở y tế đáp ứng các yêu cầu sau:

a) Cơ sở y tế thực hiện xử lý chất thải y tế nguy hại cho cụm cơ sở y tế và bệnh viện phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục số 03 (A) ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Cơ sở y tế không thuộc đối tượng quy định tại Điểm a Khoản này phải có khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật theo quy định tại Phụ lục số 03 (B) ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải y tế nguy hại tại khu lưu giữ chất thải trong cơ sở y tế thực hiện thống nhất theo quy định của Thông tư này và phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Có thành cứng, không bị bục vỡ, rò rỉ dịch thải trong quá trình lưu giữ chất thải;

b) Có biểu tượng loại chất thải lưu giữ theo quy định tại Phụ lục số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa chất thải lây nhiễm phải có nắp đậy kín và chống được sự xâm nhập của các loài động vật;

d) Dụng cụ, thiết bị lưu chứa hóa chất thải phải được làm bằng vật liệu không có phản ứng với chất thải lưu chứa và có khả năng chống được sự ăn mòn nếu lưu chứa chất thải có tính ăn mòn. Trường hợp lưu chứa hóa chất thải ở dạng lỏng phải có nắp đậy kín để chống bay hơi và tràn đổ chất thải.

3. Chất thải y tế nguy hại và chất thải y tế thông thường phải lưu giữ riêng tại khu vực lưu giữ chất thải trong khuôn viên cơ sở y tế.

4. Chất thải lây nhiễm và chất thải nguy hại không lây nhiễm phải lưu giữ riêng trừ trường hợp các loại chất thải này áp dụng cùng một phương pháp xử lý.

5. Chất thải y tế thông thường phục vụ mục đích tái chế và chất thải y tế thông thường không phục vụ mục đích tái chế được lưu giữ riêng.

6. Thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm:

a) Đối với chất thải lây nhiễm phát sinh tại cơ sở y tế, thời gian lưu giữ chất thải lây nhiễm tại cơ sở y tế không quá 02 ngày trong điều kiện bình thường. Trường hợp lưu giữ chất thải lây nhiễm trong thiết bị bảo quản lạnh dưới 8°C, thời gian lưu giữ tối đa là 07 ngày. Đối với cơ sở y tế có lượng chất thải lây nhiễm phát sinh dưới 05 kg/ngày, thời gian lưu giữ không quá 03 ngày trong điều kiện bình thường và phải được lưu giữ trong các bao bì được buộc kín hoặc thiết bị lưu chứa được đậy nắp kín;

b) Đối với chất thải lây nhiễm được vận chuyển từ cơ sở y tế khác về để xử lý theo mô hình cụm hoặc mô hình tập trung, phải ưu tiên xử lý trong ngày. Trường hợp chưa xử lý ngay trong ngày, phải lưu giữ ở nhiệt độ dưới 20°C và thời gian lưu giữ tối đa không quá 02 ngày.

7. Cơ sở y tế thực hiện các quy định có liên quan đến lưu giữ, khu vực lưu giữ chất thải y tế nguy hại theo quy định tại Thông tư này và không phải thực hiện các quy định tại Khoản 2 Điều 7 Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT.


Trước sự việc trên, đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa vào cuộc kiểm tra, làm rõ những vi phạm của Bệnh viện Đa khoa ACA Bỉm Sơn.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.