Viết tiếp bài “Đà Nẵng: Hàng chục doanh nghiệp gây ô nhiễm - dân bức xúc chặn đường”: Đối thoại bất thành, dân tiếp tục chặn đường
Tiếng dân - Ngày đăng : 13:54, 05/05/2018
(TN&MT) - Sau khi nhận được đơn thư, điện thoại kiến nghị trực tiếp về việc các doanh nghiệp để xe tải chạy ẩu, gây bụi, ô nhiễm môi trường, liên tục xảy ra tai...
(TN&MT) - Sau khi nhận được đơn thư, điện thoại kiến nghị trực tiếp về việc các doanh nghiệp để xe tải chạy ẩu, gây bụi, ô nhiễm môi trường, liên tục xảy ra tai nạn giao thông dẫn đến chết người, khiến người dân bức xúc lấy vật cản chặn đường. Mặc dù UBND xã Hòa Nhơn đã làm việc với các doanh nghiệp, đối thoại trực tiếp gần 30 hộ dân thôn Thạch Nham Tây nhưng vẫn không tìm ra hướng giải quyết triệt để. Từ đó đến nay, người dẫn vẫn liên tục chặn đường khiến giao thông trong khu vực thường xuyên bị đình trệ.
Chưa đầy một tháng 3 người chết vì TNGT
Tại cuộc đối thoại trực tiếp, có sự tham dự của phóng viên Báo TN&MT, tình hình đã trở nên rất “nóng” khi ông Võ Quốc Bảo, một người dân trong thôn đứng lên phản ánh: hàng ngày có hàng nghìn xe tải hạng nặng chở đất đá, vật liệu xây dựng chạy trên tuyến đường này. Mặc dù các doanh nghiệp đã có đóng góp tiền, UBND xã đã thuê người quét dọn, thuê xe phun nước nhưng thực tế không xuể và không quản lý được. Bên cạnh đó, các xe tải này chạy rất ẩu, dù đã có biển báo hạn chế tốc 40km/h, nhưng các xe này vẫn không chấp hành, thường xuyên phóng với tốc độ cao và hậu quả là trong vòng chưa đầy 1 tháng đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông khiến 3 người chết trên đoạn đường ngắn chỉ vài trăm mét.
Cũng theo ông Bảo, hiện nay việc quản lý giờ giấc hoạt động của xe tải thực hiện chưa chặt chẽ, các xe hoạt động gần như 24/24. Hàng ngày, mới 4 - 5 giờ sáng, chưa tỏ mặt người các xe đã chạy; buổi trưa cũng không nghỉ, hoạt động đến 1- 2 h đêm, thậm chí suốt đêm. Nhà ông có mẹ già 95 tuổi, thấy cụ vật vã vì bụi, vì tiếng ồn do xe tải thấy thương ứa nước mắt mà không biết phải làm sao. “Bản thân tôi thì đã nhiều lần bị xe tải ép vào đường, không nhanh tay xử lý thì chắc giờ này cũng không còn ở đây mà kiến nghị rồi. Vì vậy, tôi đề nghị chính quyền: thứ nhất là yêu cầu các doanh nghiệp cho xe chạy chậm lại, ở mức 15km/h và gắn camera giám sát tốc độ; thứ 2 là quy định về giờ giấc hoạt động của các doanh nghiệp, không để họ hoạt động cả ngày lẫn đêm được; thứ 3 là cần có các biện pháp tưới, quét đường giảm thiểu ô nhiễm cho người dân đỡ khổ”- ông Bảo đề nghị.
Mất an ninh trật tự vì ô nhiễm
Chị Nguyễn Thị Chín thì vừa phát biểu vừa rơi nước mắt: Đối với gia đình tôi, đoạn đường này chưa đầy đau thương, mất mát. Chị gái tôi là N.T.Y, đi lấy chồng ở xã Hòa Châu, khi về thăm nhà đã bị xe ben chở đất cán chết, để lại 3 con nhỏ, lớn nhất chưa đến 10 tuổi. Sự việc xảy ra ngay trước của nhà, diễn ra ngay trước mắt người thân, đau xót nhưng bất lực. Gia đình đã nhiều lần có ý định bán nhà để đi nơi khác sinh sống nhưng không thể bán được vì quá bụi, khách đến xem đều một đi không trở lại, có người nói: “ cho không còn không ở, ở để chết sớm hơn à”. Cũng vì chuyện ô nhiễm mà an ninh trật tự trong khu vực cũng trở nên lộn xộn, các gia đình hiềm khích, xô xátvới nhau vì nghi kị hàng xóm nhận tiền của doanh nghiệp, bao che cho các hành vi gây ô nhiễm của doanh nghiệp để cả thôn xóm phải chịu đựng. Rồi chuyện đón đường, chặn xe, dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí là xô xát giữa người dân và doanh nghiệp.
Chính quyền xã “ không dám hứa trước”
Bà Đinh Thị Nhớ, 75 tuổi, một người dân khác trong thôn thì bức xúc: “có một đoạn đường ngắn xuống cấp mà cả thành phố không ai chịu sửa, bỏ mặc cho bụi bẩn, ô nhiễm. Hay là thành phố sợ sửa thì ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp nên bỏ mặc cho ô nhiễm, tai nạn giao thông rình rập, còn người dân thì lãnh đủ.Tôi đề nghị các lãnh đạo, từ cấp xã đến thành phố, đến nhà tôi ngồi thử 2 tiếng, chỉ cần ngồi, không cần đi lại, xem có chịu nổi không”.
Ông Nguyễn Hoàng Tiến còn bức xúc hơn: “Bây giờ đường sá toàn ổ trâu với ổ gà. Các xe chở đất thì chạy từng đoàn dài, phóng bạt mạng; các xe chở cây về cho nhà máy dăm gỗ thì toàn xe quá tải, do phải trốn công an nên toàn chỉ hoạt động từ 5 giờ chiều cho đến sáng, đúng giờ trẻ em đi học nên rất nguy hiểm. Nhà máy dăm gỗ thì toàn hoạt động vào ban đêm, tiếng băm gỗ như đâm vào óc người già trẻ em, không thể ngủ nổi. Các doanh nghiệp dự tính hỗ trợ mỗi hộ 1 triệu để mua ô nhiễm môi trường, số tiền này không đủ để mua hương thắp cầu bình an mỗi khi ra đường, chứ đừng nói đến bệnh tật do sống chung với ô nhiễm”.
Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Nguyễn Tấn Phát - Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho biết: ông rất hiểu và thông cảm trước tình hình ô nhiễm môi trường, tại nạn giao thông, tiếng ồn mà bà con nhân dân thôn Thạch Nham Tây đang phải ngày đêm chịu đựng. Tuy nhiên, ở cấp độ chính quyền xã thì không thể giải quyết triệt để được. Đối với vấn đề hạn chế tốc độ xe lưu thông ở mức 15km/h, UBND xã đã có ý kiến đề nghị lên UBND huyện nhưng chưa thấy phản hồi. Đối với vấn đề giờ giấc chạy xe, ông Phát thẳng thắn: “Trước đây, khi chỉ có các doanh nghiệp khai thác đất, đá, vấn đề giờ giấc được thực hiện khá nghiêm túc. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp hoạt động trong khu vực này tăng đột biến, UBND xã không thể quản lý nổi, nhất là đối với các doanh nghiệp sản xuất gỗ dăm, trộn bê tông. Vì vậy, chưa dám hứa trước nhưng UBND xã sẽ làm công văn đề nghị UBND huyện quy định giờ giấc hoạt động, chạy xe của các doanh nghiệp”.
UBND huyện Hòa Vang: “môi trường chưa đảm bảo”
Trước bức xúc của bà con, Báo TN&MT đã có nhiều bài viết phản ánh về vấn đề này. Trả lời phản ánh của Báo TN&MT, ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết: “Hiện khu vực Hòa Nhơn có tổng cộng 9 mỏ đá đang còn giấy phép khai thác và khoảng 20 doanh nghiệp, cá nhân khác đang hoạt động trong các lĩnh vực: khai thác mỏ đất, trạm trộn bê tông nhựa, bê tông tươi, dăm gỗ, trạm nghiền... Mặc dù UBND huyện đã đầu tư tuyến đường công vụ và thuê công nhân quét dọn, tuy nhiên, do mật độ xe lưu hành quá nhiều nên công tác quản lý về môi trường tuyến đường chưa kịp thời đảm bảo và tuyến đường thường xuyên bị hư hỏng.
Đối với việc quản lý môi trường trong hoạt động của các doanh nghiệp, hàng năm, định kỳ, đột xuất, UBND huyện đã thường xuyên phối hợp với Sở TN&MT và các đơn vị liên quan khác thành lập đoàn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp và phát hiện nhiều sai phạm về tài nguyên, khoáng sản, môi trường và đã tiến hành xử lý hành chính 16 trường hợp vi phạm với tổng mức tiền phạt là gần 143 triệu đồng”.
Vẫn liên tục chặn xe
Rõ ràng việc ô nhiễm môi trường, mất trật tự ATGT, trên đoạn đường và trong khu vực thôn Thạch Nham Tây là có thực, kéo dài đã rất nhiều năm khiến người dân bức xúc.Từ đầu năm 2018 đến nay, hầu như ngày nào người dân cũng đem vật cản ra để chặn đường, nhiều lần UBND huyện Hòa Vang phải cử lực lượng chức năng xuống hỗ trợ. Mới đây nhất, chiều ngày 4/5/2018, người dân lại tiếp tục chặn đường khiến cả đoàn xe dài gần 1km bị ách tắc. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng cần nhanh chóng vào cuộc, giải quyết thấu đáo để tạo lòng tin nơi người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực đang bị xáo trộn.