Bình Định: Thu tiền “Công đồng lạc túc” người chăn thả vịt kêu trời, chính quyền khẳng định đây là khoản thu phù hợp quy định
Tiếng dân - Ngày đăng : 12:25, 03/05/2018
(TN&MT) - Khoản thu đấu giá quyền sử dụng ruộng đồng để chăn thả vịt tại một số địa phương của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã tồn tại từ thời phong kiến sang...
(TN&MT) - Khoản thu đấu giá quyền sử dụng ruộng đồng để chăn thả vịt tại một số địa phương của huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định đã tồn tại từ thời phong kiến sang thời kỳ sau giải phóng đến nay. Khoản thu này gọi là “Công đồng lạc túc” hiện người chăn thả vịt kêu trời vì thua lỗ, còn chính quyền cho rằng đây là khoản thu hợp lý để quản lý, tránh xung đột tranh chấp giữa các hộ nuôi vịt.
Theo truyền thống từ xưa đến nay các hộ chăn nuôi thả vịt ăn trên đồng ruộng phải đấu giá để được quyền sử dụng diện tích đồng ruộng chăn thả vịt. Hộ nào đấu trúng thì toàn quyền quản lý, bảo vệ khu vực mình được chăn thả vịt và các hộ khác không được xâm phạm đến. Khoản tiền này được gọi là quỹ “Công đồng lạc túc”.
Thời gian trôi đi nhiều hộ chăn nuôi vịt thua lỗ nên các địa phương mấy năm trở lại đây không còn thu khoản tiền này nữa vì người dân không chịu đóng như trước. Chia sẻ với chúng tôi, ông Mai Văn Lên - Chủ tịch UBND thị trấn Tăng Bạt Hổ cho biết: Nhiều năm nay người dân không nuôi vịt nữa số tiền thu về cũng không đáng bao nhiêu nên thị trấn không còn thu khoản này. Đây là khoản thu hợp lý vừa để các hộ nuôi vịt yên tâm chăn thả không sợ các hộ khác xâm phạm tranh giành vừa cải tạo đồng ruộng. Vịt ăn lúa trên cánh đồng đã thu hoạch xong chất lượng trứng vịt rất cao. Ông Trần Văn Tạo - Chủ tịch UBND xã Ân Đức cũng đồng suy nghĩ như vậy: Trước đây xã cũng có thu khoản này, 500 đồng/sào, mỗi năm thu 2,9 triệu đồng cho hơn 60 ha đồng ruộng, nhưng nay hộ dân nuôi vịt bị thua lỗ không nuôi nữa thì xã cũng không thu nữa. Hiện chỉ còn lại các xã có hộ nuôi vịt nhiều thì họ vẫn tiếp tục thu khoản này. Đây là khoản thu nộp vào ngân sách huyện.
Một trong những xã ở huyện Hoài Ân hiện vẫn duy trì khoản thu “Công đồng lạc túc” khá cao đó là xã Ân Phong. Để quản lý 28 hộ chăn thả vịt trong xã, UBND xã Ân Phong giao lại cho Hợp tác xã Ân Phong 1 và Hợp tác xã Ân Phong 2 tổ chức đấu giá quyền sử dụng đồng ruộng chăn thả vịt. Mỗi năm, Hợp tác xã nộp 14 triệu đồng về xã để đưa vào ngân sách huyện.
Trao đổi với phóng viên, ông Lê Đức Tế, Cán bộ Tài chính - Kế toán xã Ân Phong phân trần: Khoản thu này được xã thu từ thời phong kiến đến nay để quản lý các hộ chăn nuôi thả vịt. Nếu xã không tiến hành cho đấu giá để các hộ tư do chăn thả thì họ tranh giành, đánh nhau, đập vịt nhau chết gây mất an ninh trật tự địa phương thì vụ việc càng phức tạp làm khổ cho chính quyền hơn. Đấu giá để họ tự quản lý, bảo vệ diện tích đồng ruộng được chăn thả vịt không ai xâm phạm. Khoản thu này phù hợp với Thông tư số 60/2003 của Bộ Tài chính quy định về quản lý ngân sách xã và các hoạt động tài chính khác của xã, phường, thị trấn được đưa vào Nghị quyết Hội đồng nhân dân cấp xã qua các nhiệm kỳ, nộp vào ngân sách huyện. UBND xã không giữ khoản tiền này để chi dùng cho xã. Hợp tác xã Ân Phong 1 quản lý 271ha, Ân Phong 2 quản lý 238ha, tổng cộng 509ha đồng ruộng thả chăn vịt, 28 hộ mỗi hộ chỉ nộp hơn 27.000 đồng/ha/năm để chăn thả vịt. Khoản thu không lớn nhưng quan trọng đảm bảo an ninh trật tự, tránh sự tranh chấp giữa các hộ chăn nuôi vịt.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch huyện Hoài Ân giải thích: Khoản thu “Công đồng lạc túc” nằm trong danh mục các khoản thu khác của xã thuộc khoản quỹ đất công ích và hoa lợi công sản. Khoản thu này đã có từ lâu đời dựa trên tình hình thực tế của địa phương để quản lý, bảo vệ các hộ chăn nuôi, tránh xâm phạm tranh giành nhau giữa các hộ cũng như đàn vịt ở nơi khác tới. Số tiền này hiện chúng tôi chưa thống kê các xã nộp và nộp số tiền bao nhiêu vì nằm chung vào khoản quỹ đất công ích và hoa lợi công sản phải kiểm kê tách riêng ra mới có con số chính xác. Hiện thông tin nắm được có 4 xã đang thu khoản tiền này và số tiền không đáng kể, trong đó xã Ân Phong thu nhiều hơn vì có nhiều hộ dân chăn nuôi vịt. Khoản thu này không phải phí và lệ phí không mang tính chất dịch vụ nên không có hóa đơn chứng từ.
Tuy nhiên, trái với suy nghĩ của chính quyền thì người chăn nuôi vịt đang kêu trời vì chăn nuôi thua lỗ mà tiền đóng quỹ “Công đồng lạc túc” ngày càng cao làm cho gánh nặng kinh tế của người dân thêm khó khăn hơn, nhất là vào thời điểm dịch bệnh, đầu ra bấp bênh. Mỗi năm họ phải nộp quỹ 01 triệu đồng để chăn thả vịt trên đồng ruộng, chăn nuôi ngày càng khó khăn thua lỗ nên nhiều hộ dân phải bỏ nghề.
Đây là câu chuyện mà UBND huyện Hoài Ân cần phải có giải pháp kịp thời vừa tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi vịt bám nghề, phát triển kinh tế gia đình vừa giúp địa phương quản lý tốt, đảm bảo an ninh trật tự, tránh xung đột tranh chấp giữa các hộ chăn nuôi vịt.