Vĩnh Phúc: Dự án xây công trình giữa thành phố dành cho... bò

Tiếng dân - Ngày đăng : 05:32, 30/04/2018

(TN&MT) - Dự án xây dựng trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Vĩnh Phúc gồm nhiều công trình tòa nhà, lớp học. Nhưng nhiều năm nay chỉ 1-2 công trình được sử...
(TN&MT) - Dự án xây dựng trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Vĩnh Phúc gồm nhiều công trình tòa nhà, lớp học. Nhưng nhiều năm nay chỉ 1-2 công trình được sử dụng, còn lại phần lớn bỏ hoang, cỏ mọc um tùm thành nơi chăn bò.

Theo tìm hiểu của PV báo Tài nguyên & Môi trường, dự án đầu tư xây dựng Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Vĩnh Phúc được phê duyệt và khởi công từ cách đây gần 10 năm. Tuy nhiên sau khi giải phóng mặt bằng, xây dựng được một số tòa công trình, dự án bị bỏ dở cho đến ngày nay.

Theo quan sát, hiện tại chủ yếu có mỗi dãy nhà giảng đường chính phía trước của trường được đưa vào hoạt động. Cả 1 khu vực rộng lớn phía sau nằm hoang phế nhiều năm nay. Một số tòa nhà kiên cố được thi công lên rồi nhà thầu để đó. Qua nhiều năm không ai sử dụng, bờ tường gạch đỏ bị rêu biến thành màu đen, nấm mốc xám xịt. 

Những khoảng đất trống đã được san nền, cỏ mọc tốt tươi um tùm. Người dân gần đó đã lùa bò vào chăn thả trong khuôn viên trường.
truong cao dang van hoa nghe thuat vinh phuc
Cả khu đất rộng lớn mọc lên một số công trình rồi nằm hoang phế, cỏ mọc um tùm để phục vụ... bò

Trao đổi với PV, ông Đào Ngọc Anh (Hiệu trưởng Trường VH-NT Vĩnh Phúc) cho biết, năm 2008, dự án xây dựng được đầu tư nhằm phù hợp với việc nâng cấp trường Trung cấp lên Cao đẳng. Dự án do chính Trường Cao đẳng VH-NT làm chủ đầu tư, sử dụng ngân sách của tỉnh, nhà thầu là Tập đoàn Phúc Sơn.

Có nhiều hạng mục lớn gồm: Giải phóng mặt bằng, nhà hiệu bộ, khu giảng đường, hội trường kiêm sân khấu, 2 nhà chức năng 2 bên, nhà mỹ thuật - thư viện, nhà âm nhạc - múa - ngoại ngữ, phía sau là nhà ăn, nhà giáo dục thể chất, sân tennis. Đến 2013, nhà hiệu bộ và khu giảng đường được hoàn thành và đưa vào sử dụng.
truong cao dang van hoa nghe thuat vinh phuc 2
Tường gạch qua nhiều năm rêu mốc

Nhà mỹ thuật - thư viện đang được xây dựng dở thì giữa năm 2012, tỉnh có văn bản yêu cầu dừng thi công. Lý do là trước đây theo quy hoạch của tỉnh, khu vực này thuộc phần đường bộ chạy song song đường sắt. Việc quy hoạch chồng lấn này khiến dự án phải dừng đến ngày nay chưa thể tiếp tục.

Riêng tòa nhà âm nhạc - múa, đã được xây dựng xong cơ bản nhưng để rêu mốc vì trong thiết kế là quét vôi ve. Đơn vị thi công định chuyển sang dùng sơn, khi đang chờ chấp thuận thì có văn bản dừng nên để luôn như vậy từ ngày đó.
truong cao dang van hoa nghe thuat vinh phuc 4
Cả dãy công trình hoang phế

Nhà giáo dục thể chất và nhà ăn và một số hạng mục vẫn chưa được xây vì có sự chồng chéo trong việc sử dụng khuôn viên. Trong trường còn có đoàn nghệ thuật ca múa nhạc và nhà hát chèo. Theo thiết kế, lối đi của các đơn vị này mở ra phía khác nhưng giải phóng mặt bằng chưa xong. Công trình xây dựng sẽ chắn mất lối đi lại của các đợn vị trong trường. Sau đó các nhà này cũng dừng cùng với toàn bộ dự án luôn.

Mặt khác, theo ông Ngọc Anh (mới giữ chức hiệu trưởng từ năm 2015), đáng lẽ quy mô 1 trường cao đẳng phải có rất đông học sinh. Nhưng ở đây không có nhiều học sinh, nhu cầu ăn uống không nhiều. Vì vậy việc xây dựng nhà ăn không được quyết liệt lắm.

Trong quá trình có nhiều vướng mắc như vậy, mới đây, tỉnh lại quyết định sáp nhập Trường Cao đẳng VH-NT Vĩnh Phúc vào Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc. Điều đó cũng khiến chẳng còn lý do để đôn đốc để thực hiện tiếp dự án. Trường VH-NT cũng chưa xác định được thành khoa, ngành nào của Trường Cao đẳng. Bản thân ông Ngọc Anh cũng chưa biết được hiện nay mình giữ cương vị gì. Trường VH-NT đã giải tán. Trường mới chưa bổ nhiệm, phân công.
truong cao dang van hoa nghe thuat vinh phuc 3
Cả một khu đất rộng lớn được GPMB rồi để nằm đó

Sắp tới, toàn bộ Trường VH-NT chuyển về Trường Cao đẳng Vĩnh Phúc hoạt động. Khu dự án dang dở này sẽ bàn giao cho cơ quan khác tiếp quản, để làm gì thì ông Ngọc Anh không biết. Theo ông Ngọc Anh, kể cả bây giờ hoàn thành công trình thì lại càng lãng phí vì không còn phục vụ hoạt động giảng dạy nữa. Nếu cơ quan nào đến đây thì công năng sử dụng của các công trình đó cũng không phù hợp.

Theo người đại diện của Trường Cao đẳng VH-NT Vĩnh Phúc, việc dự án chồng dự án cũng như việc sáp nhập trường đã khiến các công trình nằm hoang phế từ bấy đến nay.  

Khi phóng viên hỏi về trách nhiệm trong sự lãng phí này, ông Ngọc Anh lắc đầu cho rằng khó nói. Theo ông, việc nâng cấp Trung cấp lên Cao đăng VH-NT Vĩnh Phúc vào thời điểm đó là phù hợp với chủ trương của Bộ GD-ĐT. Theo đó, việc dự án xây dựng trường cũng phải tương xứng với quy mô đào tạo. Tuy nhiên sau này lượng học sinh rất ít nên đã phải sáp nhập.

Chúng tôi đã liên hệ với UBND tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị thông tin cụ thể về sự việc. Lãnh đạo Văn phòng nói sẽ phân công kiểm tra và phản hồi sau.
 
Tập đoàn Phúc Sơn được biết đến là 1 tên tuổi lớn trong lĩnh vực xây dựng ở tỉnh Vĩnh Phúc. Tập đoàn Phúc Sơn từng được phản ánh về dự án Nâng cấp đê tả sông Hồng (Vĩnh Tường và Yên Lạc) trị giá hàng nghìn tỷ vẫn đang ngổn ngang đất đá nhiều năm nay.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...