Phú Xuyên (Hà Nội): Ai “bảo kê” cho hàng loạt bãi tập kết cát hoạt động không phép

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:01, 26/04/2018

(TN&MT) – Nhiều năm gần đây, hàng loạt bãi tập kết, trung chuyển cát tại khu vực bãi đê sông Hồng, thuộc địa bàn huyện Phú Xuyên hoạt động không phép, gây ô nhiễm môi trường, phá hủy đường sá và hệ thống đê điều… nhưng không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý triệt để.  
A1
Hoạt động tập kết, trung chuyển cát vẫn diễn ra thường xuyên ở thị trấn Phú Minh và các xã Văn Nhân, Hồng Thái và Quang Lãng

Ô nhiễm môi trường, phá hủy đường sá

Mặc dù từ năm 2013, UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản chỉ đạo các quận, huyện, thị xã trên địa bàn giải tỏa bến bãi trung chuyển không phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, theo quan sát của PV Báo TN&MT, tại một số bãi chứa cát, đặc biệt các bãi ở thị trấn Phú Minh (huyện Phú Xuyên), khối lượng cát vẫn còn rất nhiều; hoạt động kinh doanh, vận chuyển cát vẫn diễn ra thường xuyên.

“Cho đến khi nào các bãi tập kết, trung chuyển cát trên địa bàn huyện Phú Xuyên dừng hoạt động thì tuyến đường đê Sông Hồng mới thoát cảnh “oằn mình cõng” hàng chục, thậm chí hàng trăm chuyến xe tải chở cát mỗi ngày. Trời nắng thì bụi cát bay mù mịt, gây cản trở tầm nhìn của người dân tham gia giao thông; trời mưa thì đường đê nhớp nháp, bẩn thỉu, gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân đi trên đường” – một người dân ở thị trấn Phú Minh cho biết.

Xe tải chứa đầy “bụng” cát cày nát con đường là hình ảnh quen thuộc ở thị trấn Phú Minh cũng như các xã: Văn Nhân, Hồng Thái và Quang Lãng
Xe tải chứa đầy “bụng” cát cày nát con đường là hình ảnh quen thuộc ở thị trấn Phú Minh cũng như các xã: Văn Nhân, Hồng Thái và Quang Lãng

Đúng như những gì người dân trên nói, chỉ dừng lại bên đường vài phút để quan sát một bãi tập kết cát ở thị trấn Phú Minh, PV đã cảm thấy không khí vô cùng ngột ngạt do hàng loạt xe tải chở đầy cát dù “ì ạch” bò trên đường nhưng khói bụi bay trắng xóa khắp nơi.

Đầu tháng 4/2018, có mặt tại bãi tập kết cát của bà Trần Thị Mai Hương trên địa bàn thị trấn Phú Minh, PV quan sát thấy, hoạt động kinh doanh và trung chuyển vẫn diễn ra, cát chồng chất thành từng đống cao ngất ngưởng, xe tải vận chuyển cát ra vào nườm nượp. Hoạt động tương tự trên cũng diễn ra ở các bãi tập kết cát của ông Trần Mạnh Tiến, Hoàng Văn Thông và công ty Đức Phát, thuộc địa bàn thị trấn Phú Minh.

Thoái thác trách nhiệm?

Để làm rõ những thông tin người dân phản ánh, sau nhiều lần liên hệ làm việc “chật vật” với UBND huyện Phú Xuyên, PV mới được lãnh đạo UBND huyện sắp xếp cho làm việc với ông Ngô Xuân Hóa – Phó Trưởng phòng TN&MT huyện. Theo ông Ngô Xuân Hóa, trên địa bàn huyện Phú Xuyên có tổng số 13 bãi tập kết VLXD, trong đó có 4 bãi đã dừng hoạt động và 9 bãi hiện đang hoạt động. Trong số 9 bãi này, có 4 bãi ở thị trấn Phú Minh, 3 bãi ở xã Văn Nhân, 1 bãi ở xã Hồng Thái và 1 bãi ở xã Quang Lãng; và trong 4 bãi dừng hoạt động thì có 2 bãi ở xã Khai Thái dừng hoạt động vào đầu năm 2013. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, tại một bãi tập kết VLXD ở xã Khai Thái, lượng cát tồn ở bãi vẫn còn nhiều. Liệu rằng bãi chứa này đã thực sự dừng hoạt động trong khi sau 5 năm rồi mà số lượng cát lớn vẫn đang án ngữ tại bãi này?

Ông Ngô Xuân Hóa cho biết: Trước đây, các bãi cát này là lò gạch thủ công và các chủ bến bãi thuê thầu từ năm 1994. Năm 2010, theo chỉ thị xóa bỏ lò gạch thủ công của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên đã tập trung xóa bỏ gần 100 lò gạch dọc tuyến đê sông Hồng để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Bài toán đặt ra lúc bây giờ là giá đền bù rất cao, do vậy cứ ký một năm một để làm bãi tập kết VLXD. Đến năm 2016, UBND huyện đã thanh lý toàn bộ hợp đồng và yêu cầu các chủ hộ làm thủ tục hồ sơ để xin thuê đất. UBND huyện Phú Xuyên cũng đã có Công văn yêu cầu Công an huyện kiểm tra rà soát tất cả các xe quá khổ quá tải ra vào và xây dựng các chiến dịch, kế hoạch để tổ chức xử phạt vi phạm hành chính đối với các chủ bãi. Tuy nhiên, khi PV yêu cầu ông Ngô Xuân Hóa cung cấp các hợp đồng, hồ sơ, công văn cũng như các biên bản xử phạt trên thì ông Hóa không thể cung cấp.
 

Hàng loạt bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD không phép trên địa bàn huyện Phú Xuyên vẫn ngang nhiên hoạt động. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu rằng công tác chỉ đạo, quản lý và xử lý sai phạm của UBND huyện Phú Xuyên cũng như UBND các xã, thị trấn có liên quan có thực sự hiệu quả?
Hàng loạt bến bãi tập kết, trung chuyển VLXD không phép trên địa bàn huyện Phú Xuyên vẫn ngang nhiên hoạt động. Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu rằng công tác chỉ đạo, quản lý và xử lý sai phạm của UBND huyện Phú Xuyên cũng như UBND các xã, thị trấn có liên quan có thực sự hiệu quả?

Trong số 9 bãi tập kết VLXD trên, có một số bãi không nằm trong quy hoạch sử dụng cát, sỏi trên địa bàn TP đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 theo Quyết định số 711/QĐ-UBND ngày 01/2/2013 của UBND thành phố Hà Nội. Khi PV hỏi về nguyên nhân khiến các bãi tập kết dù không nằm trong quy hoạch trên vẫn đang hoạt động, ông Ngô Xuân Hóa tỏ ra lúng túng và trả lời vòng vo: UBND huyện đã có biên bản xử phạt và giao trách nhiệm cho UBND thị trấn và UBND các xã, nơi có bến bãi, sau khi thanh lý xong tạm thời quản lý các quỹ đất và tăng cường kiểm tra các hoạt động ở các bãi này. Các bãi này nằm trong địa giới hành chính của thị trấn và các xã nên UBND thị trấn và UBND các xã phải chịu trách nhiệm chính cùng với sự phối hợp của các ngành.

Như vậy, theo ông Phó Trưởng phòng TN&MT thì trách nhiệm quản lý bến bãi thuộc UBND thị trấn Phú Minh và UBND các xã, nơi các bến bãi hoạt động. Thế nhưng, khi PV làm việc với lãnh đạo UBND thị trấn và UBND các xã, những vị lãnh đạo này đều cho rằng về góc độ chuyên môn, thị trấn và các xã không thể can thiệp, hơn nữa, các chủ bãi nộp tiền thuê đất ở huyện nên thị trấn cũng như các xã không thu bất kỳ một khoản nào.

Vẫn theo ông Ngô Xuân Hóa, đến nay đã có rất nhiều ban, ngành vào cuộc nhưng các bãi tập kết cát trên địa bàn huyện Phú Xuyên vẫn đang hoạt động. Đề nghị UBND Thành phố Hà Nội, UBND huyện Phú Xuyên nhanh chóng triển khai các biện pháp quyết liệt hơn để xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, đơn vị có liên quan trong việc để vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.