Thừa Thiên Huế: Doanh nghiệp xây nhà máy bên cạnh mỏ cát, dân và chính quyền phản ứng

Tiếng dân - Ngày đăng : 14:06, 26/04/2018

(TN&MT) - Một mỏ cát nằm “án binh bất động” suốt nhiều năm qua ở huyện Phong Điền, nhưng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn cho phép doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến bột, cát cạnh bên khiến người dân bức xúc vì ảnh hưởng đến đời sống và môi trường. Chính quyền địa phương cũng đã phản ứng lại...
Đất của người dân được giao lại cho doanh nghiệp làm mỏ cát
Đất của người dân được giao lại cho doanh nghiệp làm mỏ cát

Theo thông tin mà PV nhận được, vào năm 2012, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương được cấp phép khai thác mỏ cát trắng với diện tích 400,36 ha tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền). Giấy phép số 870/GP-BTNMT ngày 18/6/2012 quy định rõ công ty chỉ được khai thác công nghiệp khi dự án nhà máy chế biến cát trắng đi vào hoạt động.

Tuy nhiên, lợi dụng việc được cấp mỏ, doanh nghiệp đã nhiều lần múc cát đi bán gây ảnh hưởng đến môi trường, xe tải trọng lớn “cày” làm hư hỏng đường... khiến người dân nhiều lần phản đốidữ dội.

Sau nhiều năm, việc triển khai dự án nhà máy chế biến cát trắng và Dự án xây dựng công trình khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương vẫn chậm tiến độ. 

Đến ngày 19/1/2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thống nhất chủ trương cho phép Công ty Việt Phương và Công ty TNHH Quarzwerke (CHLB Đức) xây dựng nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao (Hue Premium Silica) tại thôn Vinh Nãy- bên cạnh mỏ cát trắng tại xã Phong Hiền.

Sau nhiều năm, dự án Nhà máy chế biến cát trắng và Dự án xây dựng công trình khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương vẫn chậm...
Sau nhiều năm, dự án Nhà máy chế biến cát trắng và Dự án xây dựng công trình khai thác cát trắng của Công ty Việt Phương vẫn chậm...


Người dân thắc mắc trong khi trên địa bàn huyện vẫn có KCN Phong Điền nhưng vì sao doanh nghiệp không xin đầu tư để thuận tiện cho việc vận chuyển, chế biến cát, giảm gây ô nhiễm môi trường... “Diện tích đất người dân đã ít, tỉnh cứ cấp cho doanh nghiệp thì dân lấy đất đâu mà sản xuất, ổn định cuộc sống bây giờ...”- một người dân bức xúc.

Tại cuộc làm việc giữa UBND huyện Phong Điền và đại diện các sở, ban ngành cấp tỉnh và các cơ quan chuyên môn cấp huyện, lãnh đạo UBND xã Phong Hiền với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Phương và Công ty Quarzwerke (CHLB Đức) về đầu tư Nhà máy chế biến bột, cát thạch anh ít sắt chất lượng cao tại thôn Vĩnh Nảy (xã Phong Hiền) vào tháng 3/2018 vừa qua; UBND huyện cũng đã đề nghị nhà đầu tư xem xét, cân nhắc và chọn vị trí đầu tư dự án nhà máy đảm bảo phù hợp.

Huyện Phong Điền cho rằng khi triển khai, nhà đầu tư cần trình bày quy mô đầu tư dự án, cung cấp các thông tin liên quan đến các phương án bảo vệ môi trường, thoát nước mặt, khí thải, rác thải; đảm bảo an toàn trong quá trình khai thác mỏ; cung cấp phương án và đầu tư nâng cấp đoạn đường nối từ nhà máy đến đường QL1 phù hợp với yêu cầu vận chuyển sản phẩm của dự án...; kế hoạch, lộ trình khai thác của khu mỏ...

Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Đức Thiện- Chủ tịch UBND xã Phong Hiền cho biết, việc xây dựng nhà máy này vào hoạt động sẽ ảnh hưởng rất nhiều vấn đề liên quan đến đời sống người dân và môi trường như: Xe trọng tải lớn từ 30-35 tấn/ngày lưu thông trên tỉnh lộ 11C qua xã sẽ gây tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm không khí cho bà con, nhất là các em nhỏ học sinh tham gia lưu thông do mặt đường nhựa hiện trạng chỉ khoảng 5-6m. Ngoài ra, trọng tải của đường sẽ không đảm bảo, dễ bị hư hỏng, sụt lún...

Việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân
Việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân


Diện tích dự kiến đặt nhà máy là 7,43 ha, trong đó có 3,39 ha diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân. Hiện nay các hộ gia định ở Vịnh Nảy chủ yếu là lao động nông nghiệp, việc thu hồi đất sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu nhập các hộ gia đình do tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp các hộ gia đình, cá nhân rất ít.Vị trí công ty đề nghị xây dựng nhà máy nằm trên đường dân sinh phục vụ sản xuất, đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân địa phương.

Việc khai thác mỏ với diện tích 40,5 ha (gần khu vực nhà máy) theo hồ sơ thiết kế khi khai thác mỏ nếu lấy cát với độ sâu 3-4m sẽ làm mạch nước ngầm thiếu hụt vào mùa khô, thiếu nước sản xuất nông nghiệp cho 150 ha lúa và diện tích rừng, diện tích cây hoa màu của bà con nhân dân.

Vào mùa mưa lụt, đặc điểm thời tiết ở địa phương thường có lượng mưa lớn nên khu vực khai thác sẽ trở thành hồ nước lớn kết hợp với vùng nước của Bàu Niên (vì vị trí khai thác mỏ 40,5 ha liền kề với Hồ Bàu Niên) sẽ dễ gây vỡ hồ, từ đó sẽ làm trôi lấp mồ mả, nhà cửa, ruộng vườn và hạ tầng giao thông bao gồm cả đường Tỉnh lộ 11C nối xã Phong Hiền với các xã của huyện Quảng Điền...

“Xã đã có văn bản gửi UBND huyện kiến nghị phía Công ty Việt Phương và Công ty Quarzwerke (CHLB Đức) lập thủ tục xin đầu tư nhà máy vào KCN huyện Phong Điền để thực hiện chế biến sâu theo đúng quy định, cam kết nhằm quản lý có hiệu quả...”- ông Thiện cho biết thêm.

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục tìm hiểu.