Hà Nội: Dự án ''đắp chiếu'' của CEO Group bao giờ sẽ khởi công!

Tiếng dân - Ngày đăng : 12:31, 18/04/2018

(TN&MT) - Trong khi Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort tại Phú Quốc, nguồn thu chính của CEO Group nằm trong diện thanh tra của Bộ Xây dựng trong năm...
(TN&MT) - Trong khi Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort tại Phú Quốc, nguồn thu chính của CEO Group nằm trong diện thanh tra của Bộ Xây dựng trong năm 2018 thì số phận các dự án Seven Star, KĐT CEO Mê Linh của doanh nghiệp này sẽ ra sao khi đang "đắp chiếu" nhiều năm nay.

Cuối năm 2017, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1199/QĐ-BXD về kế hoạch thanh tra năm 2018. Theo đó, Bộ sẽ thanh tra hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản và thực hiện quy định của pháp luật về nhà ở tại một số dự án.

Hàng loạt dự án bất động sản của những “ông lớn” như BIM Group, Bitexco, Tập đoàn Phúc Sơn… sẽ được đưa vào tầm ngắm. Điển hình trong đó có dự án Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort của Công ty CP Tập đoàn C.E.O (CEO Group) tại Phú Quốc (Kiên Giang).

Theo tìm hiểu, Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas and Resort rộng tới 132 ha đất nằm tại xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang với tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, đây được cho là sản phẩm đầu tiên và là niềm đam mê của ban lãnh đạo và toàn thể nhân viên của Tập đoàn CEO tại Phú Quốc.
Phối cảnh tổng thể Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort.
Phối cảnh tổng thể Khu tổ hợp du lịch Sonasea Villas & Resort.
Theo giới thiệu của chủ đầu tư, dự án tọa lạc trên bờ biển tự nhiên trải dài gần 2 km, sở hữu một ví trí đắc địa nhất về phong thủy nên được kỳ vọng sẽ là một trung tâm dịch vụ du lịch cao cấp bậc nhất với các loại sản phẩm đa dạng như khu nghỉ dưỡng, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, condotel, shophouse...

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016, tổng doanh thu hợp nhất của CEO Group đạt 1,424 tỷ đồng, gấp đôi so với năm 2015; lãi ròng của cổ đông công ty mẹ đạt gần 157 tỷ đồng, tăng trưởng 12%. Trong đó, các dự án tại Phú Quốc đóng góp khoảng 60% doanh thu và lợi nhuận của CEO Group.

Lợi nhuận chủ yếu đến từ các dự án Condotel, bởi vậy trong năm 2017, CEO Group tiếp tục đầu tư mạnh vào các dự án tại Phú Quốc. Vào tháng 10/2017, Tập đoàn này đã mở rộng quỹ đất tại Phú Quốc từ 300 ha lên hơn 450 ha qua việc thực hiện M&A hai dự án.

Điều đáng nói, trong khi CEO Group đang gặt hái được nhiều thành công và lợi nhuận từ các dự án Condotel tại Phú Quốc thì nhiều dự án khác của doanh nghiệp này lại đang ở trong tình trạng bất động sau nhiều năm được cấp giấy phép, làm xấu hình ảnh thị trường bất động sản Việt Nam, đơn cử như 02 dự án Seven Star tại lô đất vàng D27 Cầu Giấy và dự án KĐT CEO Mê Linh đã nằm "đắp chiếu" nhiều năm nay.
Dự án Seven Star.
Phối cảnh dự án  Seven Star tại lô đất vàng D27 thuộc KĐT mới Cầu Giấy (Hà Nội).
Theo tìm hiểu của PV, dự án Seven Star là tổ hợp trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp được xây dựng trên lô đất D27 thuộc KĐT mới Cầu Giấy (Hà Nội), với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Theo dự kiến án đầu của CEO Group, dự án Seven Star được khởi công trong tháng 12/2010 và hoàn thành trong quý IV/2013.

Tuy nhiên, đến nay dự án này vẫn dậm chân tại chỗ gây lãng phí rất lớn, thậm chí khu đất còn xuất hiện các công trình sử dụng sai mục đích, không có dấu hiệu nào cho thấy chủ đầu tư có ý định triển khai. Thậm chí, trong Báo cáo tài chính từ năm 2013 đến nay của CEO Group, dự án Seven Star luôn nằm ngoài danh mục các dự án được đầu tư.

Được biết, dự án Seven Star tại lô đất D27, đây là lô đất rộng 2,2ha được UBND TP Hà Nội chỉ định cho liên danh Công ty Cổ phần đầu tư Bảo Việt, Công ty Cổ phần Sông Đà – Thăng Long và Công ty Cổ phần đầu tư C.E.O thực hiện theo hình thức BT từ năm 2011.

Mục đích ban đầu của dự án là xây văn phòng cho các hiệp hội Hà Nội. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án là 4.436,790 tỷ đồng. Trong đó,  tổng mức đầu tư dự án BT là 1.090,527 tỷ đồng, tổng mức đầu tư các dự án đối ứng là: 3.346,262 tỷ đồng.

Lô đất D27 được chia ra làm 4 tiểu lô. Phần BT là Tiểu lô D27.a được quy hoạch xây dựng Tòa nhà văn phòng các hội và hiệp hội; còn phần đối ứng tại các Tiểu lô D27.b, Tiểu lô D27.c,  D27.d quy hoạch xây dựng dự án khu hỗn hợp, trường tiểu học và trường trung học cơ sở.
Nguồn thu chính bị thanh tra, các dự án ''đắp chiếu'' của CEO Group sẽ ra sao?
Đến nay dự án Seven Star này vẫn dậm chân tại chỗ, thậm chí khu đất còn xuất hiện các công trình sử dụng sai mục đích, không có dấu hiệu nào cho thấy chủ đầu tư có ý định triển khai.
Trước đó, tại ĐHCĐ năm 2017, trả lời chất vấn của cổ đông về dự án Seven Star, ông Đoàn Văn Bình - Chủ tịch HĐQT CEO Group từng cho biết: “Dự án không còn thực hiện theo hình thức BT, bởi vậy liên doanh vẫn đang nghiên cứu, tìm hướng triển khai dự án và sẽ có tín hiệu mới trong năm 2017”.

Một năm đã trôi qua, đến nay vẫn chưa thấy dấu hiệu triển khai, gây lãng phí nguồn tài nguyên rất lớn cho Nhà nước. Vấn đề đặt ra là nếu không thực hiện dự án BT, lô đất D27 Cầu giấy có bị UBND TP. Hà Nội thu hồi để đấu giá hay không bởi đây là lô “đất vàng” mà rất nhiều doanh nghiệp thèm muốn.

Trong khi đó, dự án CEO Mê Linh được UBND tỉnh Vĩnh Phúc phê duyệt cho CEO Group làm chủ đầu tư vào ngày 29/02/2008 (trước thời điểm Mê Linh sáp nhập về Hà Nội gần 6 tháng). Thế nhưng kể từ đó đến nay dự án này vẫn bị bỏ hoang.

Mới đây, khi trả lời chất vấn của cổ đông tại Đại hội cổ đông thường niên 2018 về kết quả tiêu thụ bất động sản tại một số dự án Hà Nam, Hà Nội, Phú Quốc... lãnh đạo Công ty cho biết đang tập trung vào 02 dự án chính là Bamboo Garden City và Sunny Garden City, đem về doanh thu chính cho công ty mà không nhắc tới Seven Star và CEO Mê Linh.

Vào đầu năm 2018, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo các quận, huyện rà soát các dự án trên 03 năm chưa thực hiện để xử lý.

Theo đó, ông Chung yêu cầu các sở ban ngành gấp rút tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP. Hà Nội trước ngày 30/4/2018.

Cuối tháng 03/2018, UBND TP. Hà Nội cũng có kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ thành phố xử lý, thu hồi các khu đất cấp cho các Tổng Công ty nhưng đang bỏ hoang ở khu vực quận Cầu Giấy để tránh lãng phí.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, thời gian tới sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Hà Nội kiểm tra, thanh tra các dự án được giao đất mà không sử dụng. Trường hợp vi phạm, quá hạn thì dứt khoát phải trả lại, phải thu hồi để tạo nguồn lực cho thành phố.

Mới đây, thực hiện Chỉ thị 01 ngày 03/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc kiểm tra, rà soát, xử lý các dự án, công trình chậm đưa đất vào sử dụng.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tổ chức rà soát, thanh, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các dự án công trình được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện dự án nhưng không sử dụng, hoặc chậm tiến độ đưa đất vào sử dụng theo quy định của pháp luật đất đai.

Kết quả thực hiện báo cáo về Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30/11/2018 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Riêng các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh và Kiên Giang, Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị ngoài việc thực hiện nội dung trên, các địa phương cần khẩn trương rà soát, lập danh sách, các dự án, công trình cho đến nay không sử dụng hoặc chậm tiến độ gửi về Bộ  trước ngày 15/4/2018.

Trước những chỉ đạo của cơ quan chức năng, dư luận đặt ra câu hỏi liệu hàng loạt các dự án đang ôm đất của CEO Group như dự án Seven Star, dự án KĐT CEO Mê Linh có bị thu hồi (?!).
Hơn 200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng ở Hà Nội

Thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, hiện có hơn 200 dự án chậm đưa đất vào sử dụng trong 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao trên thực địa. Ngoài ra còn có tới 172 dự án chậm tiến độ thực hiện hơn 24 tháng và 72 dự án chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính (với số tiền nợ hơn 4.700 tỷ đồng).

Sở TN&MT Hà Nội cho biết đã xử lý vi phạm hành chính 106 tổ chức, với tổng số tiền gần 2 tỷ đồng. Kết quả thanh tra cũng phát hiện 29 dự án vi phạm quy định về đầu tư xây dựng chậm đưa đất vào sử dụng, sử dụng sai mục đích hoặc không còn hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. 

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội cho biết, quy định về mức độ xử phạt hành chính các dự án vi phạm còn quá nhẹ, không đảm bảo tính răn đe: “Tôi kiến nghị phải nâng mức xử phạt hành chính với các chủ đầu tư vi phạm”.

Cũng theo ông Nghĩa, thu hồi đất của các dự án là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, động chạm. Trong khi đó, hành lang pháp lý hiện nay còn thiếu, vẫn chưa có quy trình, thủ tục đầy đủ về thu hồi đất, gia hạn đối với dự án vi phạm pháp luật đất đai dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ của nhiều cơ quan.

 


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.