TP. Huế: Dân khốn khổ vì sống “treo” trên di sản thế giới

Tiếng dân - Ngày đăng : 22:22, 18/04/2018

(TN&MT) - Khoảng 6.000 hộ với hơn 20.000 người đang sống “treo” quanh di sản của thế giới là khu vực Kinh thành và Ðại nội Huế. Điều này không chỉ khiến cảnh...
(TN&MT) - Khoảng 6.000 hộ với hơn 20.000 người đang sống “treo” quanh di sản của thế giới là khu vực Kinh thành và Ðại nội Huế. Điều này không chỉ khiến cảnh quan của di tích bị xâm hại mà cuộc sống người dân trở nên vô cùng khó khăn...
 
Một trong những địa điểm đông dân cư sống tạm bợ quanh di tích là khu vực Thượng Thành - Eo Bầu thuộc các phường Thuận Thành, Thuận Hòa, Thuận Lộc và Phú Thuận (TP. Huế).
Kinh thành Huế đang bị xâm hại bởi cuộc sống tạm bợ của hàng ngàn người dân
Kinh thành Huế đang bị xâm hại bởi cuộc sống tạm bợ của hàng ngàn người dân
Di tích nhếch nhác, ô nhiễm
 
Từ khi quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, khu vực Thượng Thành - Eo Bầu trở thành khu vực I bảo vệ di tích. Trước năm 1975 đến giờ, nhiều hộ dân đã chọn Thượng Thành - Eo Bầu làm nơi cư ngụ. Ða số họ đều là dân lao động nghèo, con cái lớn lên và dựng vợ gả chồng vẫn không có khả năng tách hộ, phải sống chen chúc dưới những mái nhà tạm bợ. Giờ đây sau hơn 40 năm, số lượng người sống trên Thượng Thành đã tăng lên với hàng nghìn dân khẩu.
 
Có mặt tại khu vực kể trên, đập vào mắt PV là những bức tường thành rêu phong ở khu vực di tích Kinh thành Huế đang từng ngày “kêu cứu” do đã xuống cấp nghiêm trọng. Bên cạnh đó là những ngôi nhà chật hẹp, được che chắn tạm bợ chủ yếu bằng tôn, hệ thống đường sá không được nâng cấp... Mọi thứ ở đây trở nên chật chội, nhếch nhác và ô nhiễm.
 
Vì người dân dựng nhà trên tường thành nên lối vào duy nhất của xóm là những chiếc thang bắc vượt lên trên thành. Mùi hôi nồng nặc bốc lên từ nước sinh hoạt thải trực tiếp ra khu vực tường thành vì không có cống thoát nước.
 
Hàng ngày, hàng nghìn người dân luôn sống thấp thỏm trong những căn nhà chờ sập. Đặc biệt là vào mùa mưa bão, những hộ dân này được chính quyền địa phương vận động di dời đến những nơi trú ngụ an toàn.
 
Rít một hơi thuốc lào, bà Nguyễn Thị Gái (72 tuổi, tổ 14, phường Thuận Lộc) cho biết, gia đình bà hiện có 3 thế hệ cùng sinh sống tại đây. “Ở đây cực khổ lắm, nước thì bơm khoan lên chớ làm chi có nước máy!. Mùa mưa thì nhà dột, nước chảy lênh láng, mỗi khi nghe có gió bão là cả nhà phải tìm chỗ trú ẩn. Mùa nắng thì ngột ngạt, nóng như thiêu như đốt...”.
 
“Nhà mình có đến 6 người, muốn xây dựng kiên cố cũng không được, nếu xây chùng xây lén thì cũng sợ phí vì không biết lúc nào bị chuyển đi...”- anh Thái Văn Biểu (phường Thuận Lộc) cho hay.
Những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác; chỉ có cầu thang làm lối đi lên
Những ngôi nhà tạm bợ, nhếch nhác, chỉ có cầu thang làm lối đi lên
“Treo” đến bao giờ
 
Toàn bộ Thượng Thành dài hơn 10 cây số, trong đó riêng khu vực các Eo Bầu đã có hơn 500 hộ, nếu giải tỏa toàn bộ dân cư thì số tiền đó không nhỏ.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch UBND phường Thuận Lộc cho biết, địa bàn phường còn hơn 400 hộ dân sống ở khu vực Thượng Thành, Eo Bầu; người dân ở đây đa phần là người lao động phổ thông như xích lô, xe thồ và buôn bán... nên việc di dời quá chậm khiến cuộc sống của người dân hết sức khó khăn. “Nhiều lần tiếp xúc cử tri thì người dân đều có nguyện vọng muốn sớm được di dời nhằm an cư lạc nghiệp nhưng đây là một vấn đề dai dẳng”- bà Cúc nói.
 
Vướng mắc trong cơ chế đền bù, giải phóng mặt bằng ở các điểm Di tích Huế cũng là nguyên nhân làm chậm công tác tái định cư cho những hộ dân sống trong khu vực Thượng Thành - Eo Bầu. 
 
Được biết, từ năm 2010, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã phê duyệt dự án “Đầu tư, tu bổ và tôn tạo Kinh thành Huế” có tổng kinh phí gần 1.300 tỉ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2011-2015.
 
Dự án gồm 2 hợp phần là: Giải tỏa 876 hộ dân sống ở khu vực Thượng Thành và Eo Bầu thuộc Kinh thành Huế và triển khai tu bổ, chống xuống cấp di tích này. Hợp phần giải tỏa tái định cư do UBND TP. Huế đảm trách; Hợp phần trùng tu, tôn tạo di tích do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện.Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, UBND TP. Huế chỉ mới di dời được gần 170 hộ dân ở mặt Nam của Kinh thành Huế.
Cuộc sống người dân trở nên khó khăn
Cuộc sống người dân trở nên khó khăn
“Chúng tôi nghe việc di dời tái định cư đã lâu rồi nhưng hiện nay vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nhưng đa phần người dân ở đây rất sợ phải di dời sang ở những chung cư tái định cư vì ở chung cư thì rất đông đúc, nhà nhanh chóng xuống cấp. Nói chung là rất bất tiện”, một người dân bức xúc trình bày.
 
Trao đổi với PV,  ông Phan Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết,  việc đền bù giải tỏa thuộc về thẩm quyền của UBND thành phố. Về kinh phí đền bù giải tỏa, tái định cư thì trung tâm cũng đã chuyển cho thành phố, giờ đang chờ công tác giải tỏa, di dời để tiến hành phương án trùng tu lại ở khu vực Thượng Thành...
 
“Hiện rất nhiều đoạn Kinh thành đã bị vỡ, bị hỏng, nứt nẻ bị sụt lún khá nặng nề do tình trạng người dân sống ở trên đó. Rồi nước thải sinh hoạt đã ảnh hưởng trực tiếp đến di tích, đến sự bền vững của di tích”- ông Phan Thanh Hải nói.
 
Theo ông Nguyễn Đăng Thạnh - Phó Chủ tịch UBND TP. Huế, vấn đề  dẫn đến việc chậm giải tỏa, tái định cư là hiện có một số hộ dân ở mặt Nam Kinh thành Huế chưa chịu di dời và địa phương đang vận động, có những giải pháp để nhanh chóng di dời. Đồng thời sẽ phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế để nỗ lực tìm cách giải tỏa cư dân còn lại ở khu vực Thượng Thành.
 
Ngày qua ngày, người dân đang trông chờ chính quyền địa phương cùng Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vào cuộc nỗ lực hơn nữa trong công tác quy hoạch và giải tỏa để mang lại cuộc sống ổn định cho dân cũng như bảo vệ khu di tích lịch sử này...