Thừa Thiên Huế: Đèo Phú Gia sạt lở, dân sống thấp thỏm

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:11, 31/03/2018

(TN&MT) - Nhiều năm qua, các hộ dân sống dưới chân đèo Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn thấp thỏm lo sợ vì nguy cơ...
(TN&MT) - Nhiều năm qua, các hộ dân sống dưới chân đèo Phú Gia (thôn Phú Gia, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) luôn thấp thỏm lo sợ vì nguy cơ sạt lở núi tái diễn bất cứ lúc nào...
Những dốc dựng đứng, nứt nẻ tại chân đèo Phú Gia... tạo thành các khoảng rộng rất nguy hiểm
Những dốc dựng đứng, nứt nẻ tại chân đèo Phú Gia... tạo thành các khoảng rộng rất nguy hiểm
Nhận được phản ánh của người dân thôn Phú Gia (xã Lộc Tiến) về tình trạng núi ở đèo Phú Gia đã và đang sạt lở từng ngày, PV đã về hiện trường để tìm hiểu.
 
Theo quan sát của PV từ ngoài QL1A nhìn vào đèo Phú Gia, có những dốc dựng đứng, nứt nẻ và sụp xuống tạo thành các khoảng rộng rất nguy hiểm, nguy cơ sạt lở xảy ra bất cứ lúc nào nếu có mưa lớn kéo dài. Khi đi vào trong nhà các hộ dân thì sự nguy hiểm luôn thường trực vì nhà dân nằm cạnh bên vách núi...
 
Nằm lọt thỏm sát đèo Phú Gia là nhà của ông Ngô Trữ (50 tuổi). Trong nỗi sợ hãi, ông Trữ chia sẻ khu vực đèo đã từng một lần bị sạt lở kinh hoàng trong cơn lũ lịch sử 1999, chôn vùi một căn nhà ngay sát nhà của ông. Gần đây là vào mùa mưa năm 2013 cũng đã xảy ra sạt lở đất; tuy không gây ra thương vong nhưng khiến vườn tược nhiều hộ dân bị thiệt hại nặng nề.
 
“Thời tiết ngày một bất thường không biết cả núi đất từ đèo sẽ ập xuống khi nào nữa. Mỗi lần nghe dự báo mưa bão lớn là cả nhà phải đến trú nhờ nhà người thân, chỉ mình tôi ở lại giữ nhà. Đời sống sinh hoạt và làm việc trở nên xáo trộn bấy lâu nay...”- ông Trữ nói.
Nhà bà Trần Thị Dung (ảnh) nằm sát chân núi và luôn trong tình trạng bất an khi mưa lớn
Nhà bà Trần Thị Dung (ảnh) nằm sát chân núi và luôn trong tình trạng bất an khi mưa lớn
Cạnh bên nhà ông Trữ là nhà bà Trần Thị Dung (46 tuổi). Theo bà Dung mỗi lần mưa lớn, ngoài gây xói đường thì đất đá rơi từ vách núi về khiến cát ở khe suối cạnh nhà bị bồi lấp. Điều này làm ruộng vườn không thể canh tác được... PV ra cánh đồng gần đó và thấy điều này là đúng sự thật khi một diện tích lớn đất ruộng bỏ không.
 
“Mẹ con tôi hay dắt nhau đi mỗi khi trời mưa to và kéo dài lắm. Có lần ở nhà họ ngại nên cả nhà lên trạm kiểm lâm”- bà Dung nói.
 
Theo những người dân địa phương, sạt lở núi ở chân đèo Phú Gia xảy ra nhiều kể từ năm 2003, khoảng thời gian này nhiều doanh nghiệp múc đất ở gần núi đem đi bán nên hỏng “chân núi”.
 
Được biết, để giải quyết về lâu dài cho người dân vùng có nguy cơ sạt lở, chính quyền cấp trên có hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để xây dựng nơi ở mới. Tuy nhiên, người dân thôn Phú Gia đã không đồng ý và nhiều lần kiến nghị lên các cơ quan chức năng với hi vọng được hỗ trợ nhiều hơn. Bởi chỉ với số tiền trên thì không đủ xây dựng lại một ngôi nhà mới, vả lại nơi ở mới cũng khó có thể kiếm kế mưu sinh...
Ruộng vườn không thể canh tác được vì bị cát bồi lấp
Ruộng vườn không thể canh tác được vì bị cát bồi lấp
Trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Vương Đình Cẩm - Chủ tịch UBND xã Lộc Tiến cho hay, hiện có 14 hộ với khoảng 60 nhân khẩu tại thôn Phú Gia bị ảnh hưởng bởi sạt lở tại đèo này, trong đó có 9 hộ nằm trong diện nguy cơ cao.
 
Theo ông Cẩm, nhiều năm qua mỗi lần có bão hay mưa kéo dài, sẽ có một tổ công tác chủ yếu là công an xã về thông báo và yêu cầu các hộ dân di dời khẩn cấp. Trường hợp nào không đi, UBND xã buộc phải cưỡng chế nhân đạo với phương châm bảo đảm tính mạng trước rồi mới bảo vệ tài sản...
 
“Trong các lần tiếp xúc cử tri, UBND xã đều có các đề xuất sớm di dời người dân. Theo địa phương thì việc hỗ trợ mỗi hộ dân 20 triệu đồng là chưa phù hợp. Hiện ngoài phương án cũ là di dời dân lên khu tái định cư ở thôn Phước Lộc không khả thi vì dân thấy xa nơi ở thì phương án thứ hai là xây dựng một khu tái định cư xen ghép ngay tại thôn Phú Gia - cách các hộ dân khoảng 500m để đưa dân vào ở và sản xuất đã được xã tính đến, nhưng vẫn đang trong quá trình chờ đợi” - ông Cẩm thông tin.