Bỉm Sơn - Thanh Hóa: Cần thanh tra toàn bộ dự án nạo vét sông Tam Điệp

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:04, 25/03/2018

(TN&MT) - Luật sư Vi Văn Diện cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần đình chỉ, thanh tra toàn bộ dự án nạo vét sông Tam Điệp để tránh thất thoát tài nguyên đất đai và xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có)… Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về tình trạng khai thác đất, xe tải chở đất chạy rầm rầm từ dự án nạo vét sông Tam Điệp (thị xã Bỉm Sơn) có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Theo phản ánh của người dân, trên các tuyến đường nội thị thuộc địa bàn TX. Bỉm Sơn, hàng loạt xe tải chở đất (có trọng tải 12 đến 13 tấn) về Nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn hoạt động suốt ngày đêm, “băm nát” hệ thống cầu, đường, gây ô nhiễm môi trường, phóng nhanh, vượt ẩu, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông…
29391350 1262185813925096 1564872336 o
Đêm 24/03, ở khu vực thôn Đoài Thôn xã Hà Lan, tại lòng sông Tam Điệp (đoạn gần chân cầu Hà Lan, giáp xóm Sơn Nam, xã Hà Lan), các phương tiện máy móc đang triển khai múc đất, nhiều xe ôtô trọng tải lớn vẫn nối đuôi nhau chở đất về tập kết tại Nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn

Theo người dân, những chiếc xe chở đất hoạt động từ 7h sáng đến 20h tối, xe chạy đến đâu là bụi bay mù mịt, bùn đất vương vãi, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, đe dọa trực tiếp tới tính mạng của người dân khi tham gia giao thông, dọc tuyến đê bao chạy từ thông Xuân Nội, Điền Lư qua địa bàn thôn Đoài Thôn, xã Hà Lan.

Thậm chí, ngược về tuyến đê trên là khu vực xã Quang Trung, thị xã Bỉm Sơn, hàng đoàn xe chở đất loại cỡ lớn chở đất chạy rầm rầm, đất rơi khắp đường, bụi mù mịt gây ô nhiễm môi trường. Không chỉ ngày, đêm đến hoạt động lại rầm rộ hơn khi nhiều xe tải thùng loại 4 chân Howo chở đất nối đuôi nhau lộng hành.

"Đáng nói, dự án này đã nạo vét sâu hơn mức cho phép rất nhiều, lòng sông Tam Điệp được doanh nghiệp ngăn bờ thành nhiều khúc, máy múc múc đất tạo thành hàng loạt hố sâu khoảng 5,6 m ở giữa lòng sông tiềm ẩn nhiều nguy lở đất vào mùa mưa ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến đê bao này”, một người cho biết.

Theo tìm hiểu của PV, các xe tải chở đất khai thác từ lòng sông Tam Điệp (dự án nạo vét sông Tam Điệp của Công ty CP sản xuất và thương mại Lam Sơn và Công ty TNHH xây dựng và DVTM Anh Cường) sau đó vận chuyển về Nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn.

Ngày 28/01/2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với UBND thị xã Bỉm Sơn và các đơn vị thi công gồm: Công ty CP sản xuất và thương mại Lam Sơn, Công ty TNHH xây dựng và DVTM Anh Cường về việc quản lý và thực hiện phương án nạo vét sông Tam Điệp thị xã Bỉm Sơn.

Tuy nhiên, kết quả kiểm tra cho thấy công tác thực hiện phương án nạo vét sông Tam Điệp còn nhiều tồn tại. Cụ thế, dự án không có Báo cáo đánh giá tác động môi trường của phương án nạo vét sông Tam Điệp phù hợp với thời gian được gia hạn và điều kiện thực tế thi công; chưa điều chỉnh lại bản vẽ kỹ thuật thi công theo phương án đã được UBND thị xã Bỉm Sơn thống nhất, chưa có bảng tiến độ thi công tổng thể toàn dự án theo thời gian được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho gia hạn.

Trước tồn tại trên, UBND thị xã Bỉm Sơn đã yêu cầu Công ty CP sản xuất và thương mại Lam Sơn, Công ty TNHH xây dựng và DVTM Anh Cường dừng ngay hoạt động thi công nạo vét sông Tam Điệp do chưa đảm bảo đầy đủ các hồ sơ theo quy định.

Đồng thời, khẩn trương lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường của phương án nạo vét sông Tam Điệp phù hợp với thời gian được gia hạn và điều kiện thực tế thi công; điều chỉnh lại bản vẽ kỹ thuật thi công theo phương án đã được UBND thị xã Bỉm Sơn thống nhất, bổ sung bảng tiến độ thi công tổng thể toàn dự án theo thời gian được UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý cho gia hạn.

Mới nhất, đêm 24/03, ở khu vực thôn Đoài Thôn xã Hà Lan, tại lòng sông Tam Điệp (đoạn gần chân cầu Hà Lan, giáp xóm Sơn Nam, xã Hà Lan), các phương tiện máy móc đang triển khai múc đất, nhiều xe ôtô trọng tải lớn vẫn nối đuôi nhau chở đất về tập kết tại Nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn mà không có sự kiểm tra, giám sát nào của lực lượng chức năng(?!).

Trao đổi với PV, ông Trịnh Thế Nam, Trưởng phòng Kinh tế (UBND thị xã Bỉm Sơn) bất ngờ cho biết, dự án này đã hoàn thiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép hoạt động trở lại.

Trong khi đó, trao đổi về việc loạt xe Howo loại 03 chân cõng thêm thùng đất với tổng khối lượng lên đến hàng chục tấn vẫn ì ạch chở đất từ lòng sông lên nhà máy gạch, có dấu hiệu quá tải trọng theo quy định, đồng thời tuyến đường từ cầu Hà Lan đến nhà máy gạch Tuynel Lam Sơn chỉ được giới hạn trọng tải là 13 tấn, ông Mai Văn Hà – Đội trưởng Đội CSGT Bỉm Sơn cho biết, doanh nghiệp đã xin được văn bản thay đổi loại xe hoạt động trước là xe 08 tấn, nay doanh nghiệp đã xin chuyển sang xe loại 10 tấn để phục vụ cho dự án vì xe cỡ nhỏ chở đất từ dưới lòng sông lên trên đường quá yếu. “Việc này UBND tỉnh cũng đã chấp thuận cho doanh nghiệp hoạt động, nếu xe chở quá tải chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ”, ông Hà nói.

Liên quan đến vụ việc này, nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty Luật TNHH Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, các Cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cần đình chỉ và thanh tra toàn bộ dự án nạo vét sông Tam Điệp để tránh thất thoát tài nguyên đất đai, nếu phát hiện có sai phạm thì cần xử lý nghiêm.

tải xuống
Luật sư Vi Văn Diện cho rằng, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần đình chỉ, thanh tra toàn bộ dự án nạo vét sông Tam Điệp để tránh thất thoát tài nguyên đất đai và xử lý nghiêm những sai phạm (nếu có)…

“Theo báo chí phản ánh thì trong lúc bị yêu cầu dừng hoạt động nhưng các doanh nghiệp vẫn cho khai thác đất, việc này là coi thường cơ quan quản lý Nhà nước, thậm chí có việc cố tình làm ngơ cho đất tặc ngang nhiên lộng hành của chính quyền địa phương. Vì vậy, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa cần vào cuộc làm rõ, xử lý nghiêm nếu có sai phạm”, Luật sư Diện nhận định.

Cũng theo luật sư Diện, nếu doanh nghiệp cố tình không tuân thủ theo quy định của pháp luật, ngang nhiên khai thác tài nguyên trong khoảng thời gian bị đình chỉ thì cần phải xử lý nghiêm bởi dự án này là dự án nạo vét nhằm khơi thông luồng lạch chứ không phải đội lốt dự án để khai thác đất nhằm trục lợi.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.