Hưng Yên: Lùm xùm lại bủa vây Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp
Tiếng dân - Ngày đăng : 09:11, 16/03/2018
Thời gian gần đây, nhiều hộ gia đình đang sinh sống tại tòa nhà duy nhất được đưa vào sử dụng (M1.2) của Dự án: Khu nhà ở cho người có thu nhập thấp, tại phường Hiến Nam – TP Hưng Yên, lại bức xúc, tập trung phản đối về sự thiếu trách nhiệm và những “khuất tất” của chủ đầu tư trong Dự án này.
Đây là Dự án (DA) được UBND tỉnh Hưng Yên cấp Giấy chứng nhận đầu tư số: 05101000464, ngày 30/9/2011 cho Công ty TNHH một thành viên đầu tư P.H Hưng Yên (thuộc Công ty CP Tập đoàn đầu tư P.H) làm chủ đầu tư. Tổng diện tích đất của DA là 29.951m2, được quy hoạch xây dựng 7 tòa nhà, mỗi tòa cao 9 tầng. Tiến độ thực hiện DA kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đầu tư là 36 tháng. Đây là DA nhà ở xã hội đầu tiên, lớn nhất và duy nhất tính đến thời điểm hiện tại của TP Hưng Yên, vì thế được hưởng rất nhiều ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế xuất, nhập khẩu… Ngoài ra, DA còn có vị trí được coi là đắc địa khi nằm ngay giữa trung tâm thành phố với đường xá rộng rãi, không gian thoáng đãng, cơ sở hạ tầng đồng bộ. Được chính quyền tỉnh và nhân dân Hưng Yên đặc biệt quan tâm.
Thế nhưng đáp lại sự kỳ vọng lớn lao đó, kể từ khi nhận Giấy phép đầu tư (ngày 30/9/2011) đến đầu năm 2015, DA do Công ty TNHH một thành viên đầu tư P.H Hưng Yên làm chủ đầu tư hầu như “đắp chiếu”. Mãi tới giữa năm 2016, chủ đầu tư mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được một tòa nhà (M1.2), nhưng chất lượng không đảm bảo. Mới đây, cư dân sống tại tòa nhà này đã vô cùng bức xúc “tố” chủ đầu tư thiếu trách nhiệm và “mập mờ” trong thu, chi khi vận hành và cải tạo, sửa chữa tòa nhà. Theo đó, chỉ vì người dân phản ứng việc thu tiền vận hành, quản lý tòa nhà quá cao và một số hộ chưa đóng tiền, mà ngày 12/2/2018, chủ đầu tư đã cắt điện toàn bộ tòa nhà, khiến thang máy đang vận hành, làm nhiều người mắc kẹt bên trong rất nguy hiểm. Người dân phải hô hoán và dùng gậy gộc, xà beng bậy cửa để giải cứu. Thêm nữa, tòa nhà đi và hoạt động đã lâu nhưng không có máy phát điện dự phòng, không có phòng sinh hoạt cộng đồng…
Ngoài ra, vì chất lượng của tòa nhà này rất kém nên nhiều hộ gia đình phải đăng ký xin nộp tiền để sửa chữa, nâng cấp (theo phản ánh của người dân thì tổng số tiền khoảng 8 trăm triệu đồng). Và mỗi hộ muốn nâng cấp khi đó thì đều phải nộp riêng 700 ngàn đồng (tiền giám sát). Nhưng sau gần 2 năm, nhiều hộ vẫn không được chủ đầu tư thi công việc nâng cấp này, hết kiên nhẫn, người dân buộc phải đòi lại tiền. Nhưng số tiền 700 ngàn/1 hộ (tiền giám sát) thì đã “một đi không trở lại”.
Để rộng đường dư luận, PV Báo TN&MT đã có buổi làm việc với ông: Nguyễn Minh Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên đầu tư P.H Hưng Yên. Ông Tuấn cho biết: Việc thu tiền nâng cấp Công ty không đứng lên làm, đó là do cá nhân tự làm việc với nhau. Việc thu tiền này do ông Nguyễn Văn Ly (Phó Giám đốc cũ của Công ty, nay đã nghỉ) thu, cái này thực ra tôi không nắm được, kể cả số tiền thu 700 nghìn/hộ, Công ty cũng không nắm được vì không chỉ đạo. Về máy phát điện dự phòng, ông Tuấn cho hay: chúng tôi đương nhiên có, nhưng máy phải nhập ở nước ngoài về dùng cho cả 3 tòa nhà luôn, khoảng hết tháng 3 tới đây thì máy mới về và lúc đó mới lắp đặt được. Hiện chúng tôi vẫn có máy phát điện con, khi mất điện vẫn bơm nước được. Còn về phòng sinh hoạt cộng đồng, chúng tôi có chứ, (khi PV nhấn mạnh, vậy người dân “tố” các anh là sai ?), Vị này vội nói ngay: chính là cái phòng dưới tầng 1, nhưng hiện chúng tôi đang sử dụng làm phòng kinh doanh của Công ty(?).
Trước đó, ngày 07/12/2017, Báo TN&MT đã đăng tải bài viết có tựa đề: (Hưng Yên: Dự án nhà ở cho người có thu nhập thấp “án binh bất động” ). Qua đó đã phản ánh về tiến độ và chất lượng công trình tại DA này. Cụ thể: do DA của Công ty TNHH một thành viên đầu tư P.H Hưng Yên làm chủ đầu tư thi công với tiến độ “rùa bò”. Ngày 24/8/2015, thêm một lần nữa UBND tỉnh Hưng Yên ra Quyết định số 1609/QĐ-UBND về việc giãn tiến độ thực hiện DA. Trong đó nêu rõ đến hết tháng 8/2017 phải hoàn thành tất cả 7 tòa nhà (M1.1; M1.2; M2.1; M2.2; M3.1; M3.2; M3.3) và đưa toàn bộ DA đi vào hoạt động.
Tuy nhiên, sau rất nhiều lần lỡ tiến độ, đến giữa năm 2016 chủ đầu tư mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được một tòa nhà (M1.2). Tiếc thay tòa nhà này cũng không đảm bảo chất lượng, công trình mới bàn giao cho cư dân không lâu thì tường nhà đã xuất hiện nhiều vết rạn nứt, vữa trát trên tường bong ra từng mảng lớn tại nhiều căn hộ làm mất mỹ quan và gây nguy hiểm. Tất cả cầu thang bộ của tòa nhà này đều không được lát gạch mà chỉ trát qua loa, cẩu thả bằng vữa, nhìn không khác gì…một nhà kho. Những cư dân sinh sống tại đây bức xúc cho biết: chất lượng vữa trát rất kém, có rất ít xi măng nên tường nhà nhanh mục, dễ thấm nước, treo thứ gì lên cũng có thể rơi xuống bất cứ lúc nào, thậm chí chỉ là khung ảnh.
Trước việc Dự án tồn tại hàng loạt yếu kém, như không đảm bảo chất lượng và bị chậm tiến độ nhiều lần, làm ảnh hưởng đến chiến lược phát triển nhà ở của tỉnh. Các sở, ngành của tỉnh Hưng Yên đã tổ chức nhiều cuộc họp, ra nhiều văn bản đốc thúc, nhưng chủ đầu tư vẫn “phớt lờ” những chỉ đạo trên, công trình vẫn ì ạch và gần như “dậm chân” tại chỗ.
Dư luận càng bức xúc và nghi ngại hơn khi chủ đầu tư trong khi còn đang vướng rất nhiều tai tiếng tại Hưng Yên còn chưa được giải quyết thì đơn vị này lại “vung tay” vào tận tỉnh Khánh Hòa để đầu tư thêm một Dự án “khủng” nữa cũng về lĩnh vực xây dựng nhà ở. Cụ thể, ngày 29/12/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có Quyết định số 3844/QĐ-UBND chấp thuận nhà đầu tư cho Công ty CP Thương mại Đầu tư P.H Nha Trang (một Công ty con khác của Công ty CP Tập đoàn Đầu tư P.H).
Theo thông tin chúng tôi mới nhận được thì, ngày 25/01/2018, Sở KHĐT Hưng Yên có Báo cáo số 202 gửi UBND tỉnh, thêm một lần nữa xin giãn tiến độ cho DA này. Trong đó nêu rõ: Yêu cầu Công ty nghiêm túc triển khai thực hiện DA, có văn bản cam kết đến hết quý 3 năm 2020 phải hoàn thiện tất cả các hạng mục xây dựng của DA và đưa toàn bộ DA đi vào hoạt động. Nếu đến thời hạn nêu trên mà chưa đưa toàn bộ DA đi vào hoạt động, UBND tỉnh sẽ xem xét thu hồi phần đất không sử dụng để bàn giao cho nhà đầu tư khác có năng lực về tài chính và nhu cầu đầu tư.
Việc lỡ tiến độ của DA này có lẽ đã trở thành câu cửa miệng quen thuộc. Giờ đã sang tháng 3/2018 và theo ghi nhận của chúng tôi tại thực địa, , ngoài một tòa nhà (M1.2) đã hoàn thành đưa vào sử dụng từ giữa năm 2016 nhưng không đảm bảo chất lượng như đã phản ánh. Còn hai tòa (M3.2) và (M3.3) mới chỉ xây xong phần thô và đang lắp cửa kính, vách ngăn, còn việc hoàn thiện chúng để bàn giao cho khách hàng thì chưa biết đến bao giờ. Riêng 4 tòa nhà còn lại thì hoàn toàn chưa có động tĩnh gì của việc triển khai xây dựng
Thiết nghĩ, UBND tỉnh, các sở, ngành chức năng tỉnh Hưng Yên cần quyết liệt hơn trong việc giám sát, kiểm tra, đốc thúc nhằm đẩy nhanh tiến độ DA, để chủ đầu tư phải có trách nhiệm hơn với khách hàng. Tránh những bức xúc trong nhân dân, bất bình trong dư luận. Từ đó không để ảnh hưởng lớn đến chiến lược phát triển nhà ở của tỉnh và gây lãng phí tài nguyên đất đai trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục phản ánh vụ việc.