Quảng Bình: Dân phản đối việc xây dựng nhà máy gỗ dăm

Tiếng dân - Ngày đăng : 23:50, 30/01/2018

(TN&MT) - Người dân xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch ( Quảng Bình) lo ngại việc xây dựng nhà máy gỗ dăm của Công ty cổ phần lâm nghiệp Thuận Đức tại xã Sơn Lộc có...
(TN&MT) - Người dân xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch ( Quảng Bình) lo ngại việc xây dựng nhà máy gỗ dăm của Công ty cổ phần lâm nghiệp Thuận Đức tại xã Sơn Lộc có thể gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến nguồn nước hồ Vực Sanh. Điều đáng nói là, dù chưa được sự đồng thuận của người dân cũng như chưa hoàn thiện các hồ sơ thủ tục thì đơn vị này đã ngang nhiên xây dựng “phớt lờ” các văn bản chỉ đạo của cơ quan chức năng
 
Xây dựng nhà máy đầu nguồn nước có thể gây ô nhiễm?

Vừa qua Báo TN&MT nhận được phản ánh của người dân xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch về việc Công ty cổ phần lâm nghiệp Thuận Đức(Công ty Thuận Đức) xây dựng nhà máy gỗ dăm tại xã Sơn Lộc có thể gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn nước tại hồ chứa nước Vực Sanh và hồ chứa nước Cửa Nghè.
 
Quảng Bình: Dân phản đối việc xây dựng nhà máy gỗ dăm
Khu vực Công ty Thuận Đức xây dựng nhà máy
Người dân cho biết, hai hồ nước ngọt duy nhất này từ trước tới nay cung cấp nước sinh hoạt, sản xuất, canh tác và chăn nuôi cho hơn 5.000 hộ dân địa phương. Trong khi đó, nhà máy gỗ dăm lại nằm trên nguồn nước nên có thể gây ra tình trạng ô nhiễm, do đó sau khi biết được việc Công ty Thuận Đức chuẩn bị xây dựng nhà máy gỗ dăm người dân tại xã Hạ Trạch hết sức lo lắng, phản đối và gửi đơn lên các cơ quan chức năng.

Khoảng giữa năm 2016, người dân phát hiện một đơn vị đang san lấp mặt bằng ở phía đầu nguồn hồ Vực Sanh, nằm tại vị trí xã Sơn Lộc, cách hồ Vực Sanh khoảng 3km. Tìm hiểu người dân mới biết rằng một công ty đang xây dựng cơ sở chế biến gỗ. Vì vậy, nhiều người dân đã lên tiếng phản đối, gửi đơn kiến nghị đến cơ quan, ban ngành tỉnh đề nghị xem xét dừng dự án, đánh giá lại vì lo ngại nguồn nước bị ảnh hưởng.
1-Quảng Bình: Dân phản đối việc xây dựng nhà máy gỗ dăm
Người dân cho rằng việc xây dựng nhà máy đầu nguồn nước có thể gây ô nhiễm hồ Vực Sanh
Ông Nguyễn Xuân Trường, thôn 8, xã Hạ Trạch, cho biết: “Nhà máy gỗ dăm mà xây dựng trên nguồn nước như vậy là sẽ gây ô nhiễm. Từ trước tới nay người dân tại đây và xã Mỹ Trạch đều sử dụng nước tại hai hồ chứa này cho sinh hoạt và sản xuất, chăn nuôi, công trình xây dựng ở đây thì sớm muộn nước hồ sẽ bị ô nhiễm và lắp dần lồng hồ. Hiện nay chúng tôi đang thấy họ xây dựng, nhưng không biết họ đang xây dựng cái gì, dù trước đó tỉnh, sở ban ngành đã có công văn yêu cầu tạm dừng để lấy ý kiến thống nhất của người dân thì mới được xây dựng. Tại hội nghị tham vấn cộng đồng tổ chức tại xã Hạ Trạch, trước khi có thông báo tạm dừng dụ án ông Phó giám đốc công ty Thuận Đức có phát biểu: nhân dân không đồng ý thì cứ không đồng ý còn UBND tỉnh Quảng Bình cho làm thì cứ làm. Nói như vậy là coi thường dân, coi thường pháp luật”.
 
Người dân cho biết tại nhiều cuộc họp cũng như tiếp xúc cử tri đều phản ánh về việc này nhưng đến nay dù chưa hoàn thành thủ tục nhưng đơn vị này vẫn ngang nhiên xây dựng.
 
 “Phớt lờ” lệnh cấm doanh nghiệp ngang nhiên xây dựng
 
Hồ Vực Sanh ngoài việc cung cấp nước tưới cho 2 xã Hạ Trạch và Mỹ Trạch còn cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân Hạ Trạch. Dự án Cơ sở chế biến gỗ và dăm gỗ xuất khẩu của Công ty Thuận Đức đặt tại xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, nằm cách hồ Vực Sanh, xã Hạ Trạch khoảng 3km. Dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 587/QĐ-UBND ngày 09/03/2016 và phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 21/02/2017.
 
Ông Lưu Văn Tác, Chủ tịch UBND xã Hạ Trạch, cho biết 100% người dân địa phương đều phản đối việc xây dựng nhà máy gỗ dăm ở trên nguồn nước, họ cho rằng khi xây dựng đi vào hoạt động sẽ gây ô nhiễm nguồn nước. “Người dân địa phương nơi đây không đồng tình việc xây dựng nhà máy gỗ dăm trên nguồn nước như vậy. Người dân từ trước đến nay đều sử dụng nguồn nước tại hồ để sản xuất, canh tác và sinh hoạt. Nếu xây dựng nhà máy ở đó sau này có thể sẽ gây ô nhiễm nguồn nước của hồ Vực Sanh. Vừa qua địa phương có phát hiện họ xây dựng, đã xây dựng một cái cân trong lúc đó tỉnh đang yêu cầu họ tạm dừng thi công”.
 
Công văn của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công ty Thuận Đức tạm dựng thi công  
Công văn của Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu Công ty Thuận Đức tạm dựng thi công
         
Tại Công văn số 1883/KHĐT-DN ngày 05/07/2017 củ Sở Kế hoạch và đầu tư về việc xây dựng NM chế biến gỗ và dăm gỗ của Công ty cổ phần lâm nghiệp Thuận Đức tại xã Sơn Lộc cho thấy hiện trạng trên diện tích 11.792,4 m2, dự án đã tiến hành san ủi mặt bằng, xây dựng hàng rào, nhà văn phòng điêug hành dự án. Công văn cũng nêu rõ: Trong khi hồ sơ pháp lý của Dự án chưa đầy đủ và chưa được sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực dự án, đề nghị Công ty cổ phần lâm nghiệp Thuận Đức tạm dừng thi công cho đến khi Dự án được UBND tỉnh phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án, để tránh phức tạp thêm tình hình.
 
Tiếp đến ngày 17/07/2017, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có Công văn số 2448/VPUBND-TNMT “ Về việc cơ sở chế biến gỗ dăm” của Công ty cổ phần lầm nghiệp Thuận Đức tại xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch. Công văn yêu cầu: Trong khi hồ sơ pháp lý của Dự án chưa đầy đủ và chưa được sự đồng thuận của nhân dân trong khu vực Dự án, Công ty cổ phần lâm nghiệp Thuận Đức tạm dừng thi công.
 
Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV những ngày giữa tháng 1, tại xã Sơn Lộc địa điểm Công ty Thuận Đức xây dựng nhà máy gỗ dăm, có nhiều công nhân đang trộn bê tông, một bàn cân đã dược xây dựng, khuôn viên của nhà máy đã xây dựng hoàn thiện.
 
Trao đổi vấn đề này, ông Đỗ Mạnh Tài, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bố Trạch, cho biết: “Hiện Công ty đang làm hồ sơ để thay đổi lại mục tiêu đầu tư, hiện nay tỉnh đã yêu cầu dừng lại, vì vừa rồi lấy ý kiến cộng đồng dân cư họ không đồng tình. Hiện họ không xây dựng nhà máy gỗ dăm nữa và đang làm hồ sơ chuyển đổi còn việc công ty thi công trên đó anh sẽ cho anh em lên kiểm tra. Đáng ra việc này là Phòng Kinh tế hạ tầng họ quản lý. Bây giờ không ai cho làm cả, báo cáo đánh giá tác động môi trường chưa phê duyệt ai cho hoạt động, làm là phải đình chỉ liền”.
 
Như vậy có thấy rõ, dù chưa hoàn thành hồ sơ cũng như đang trong quá trình đình chỉ nhưng Công ty Thuận Đức vẫn ngang nhiên xây dựng, bất chấp “lệnh cấm”, việc làm trái phép này đang khiến dư luận hết sức bức xúc.