Hà Nội: Luật sư phân tích vụ Chủ tịch huyện Gia Lâm bị dân kiện ra tòa

Tiếng dân - Ngày đăng : 09:06, 17/01/2018

(TN&MT) - Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đã chỉ ra những uẩn khúc về mặt pháp lý trong vụ việc UBND huyện Gia Lâm ban quyết định giải...
(TN&MT) - Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đã chỉ ra những uẩn khúc về mặt pháp lý trong vụ việc UBND huyện Gia Lâm ban quyết định giải quyết khiếu nại “kiêm” thu hồi đất của công dân khiến họ ròng rã 15 năm trời ''cõng'' đơn đi khiếu nại.

Gian nan hành trình đòi lại đất

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin ở các kỳ báo trước đó, ông Nguyễn Văn Chiến và ông Nguyễn Văn Chỉnh (em trai ông Chiến) cùng trú xóm 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, TP. Hà Nội ròng rã hơn chục năm trời ''cõng đơn'' đi khiếu nại các cơ quan chức năng về những khúc mắc trong việc quản lý đất đai tại xóm 7 xã Ninh Hiệp mà chính gia đình các ông đang là ''nạn nhân''.

Theo chia sẻ của ông Chiến, vào năm 1956, Ủy ban cải cách ruộng đất chia cho 03 người là ông Nguyễn Văn Dậu (bố đẻ của ông Chiến và ông Chỉnh), ông Đào Tiến Thọ và ông Nguyễn Quang Lựu một khu nhà chung Chiến Thắng và một khu ao rộng khoảng 450 m2 (nay được xác định là 380 m2), phần đất bờ ao rộng khoảng 3 m trồng cây cối sát với dãy tường bao quanh để ba gia đình sử dụng trước nhà.

Sau nhiều năm biến đổi, cái ao đã không còn mà được các gia đình san lấp để làm đất ở. Tuy nhiên, đến nay thì thửa đất vẫn đang trong cảnh ''vô chủ'', trở thành ''chiến trường pháp lý'' bởi sự can thiệp của UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm.

Nguyên nhân câu chuyện bắt đầu từ việc ông Lựu giao cho người nhà là ông Đào Tiến Ve quản lý để sang nội thành Hà Nội sinh sống. Sau một thời gian quản lý, gia đình ông Ve lại chuyển quyền cho gia đình bà Nguyễn Thị Chi tiếp tục sử dụng. Đến năm 1997, ông Lựu bất ngờ trở về quê và đòi quyền sử dụng đối với phần đất ao mà ông cho rằng gia đình ông đã được Nhà nước cho sử dụng từ những năm 1956.

Việc giải quyết khiếu nại của ông Lựu kéo dài liên tục nhiều năm và được UBND huyện Gia Lâm giải quyết. Cách đây 15 năm, căn cứ báo cáo của UBND xã Ninh Hiệp và Thanh tra huyện, ngày 04/02/2002, UBND huyện Gia Lâm đã ban hành Quyết định số 63/QĐ-UB do Phó Chủ tịch Vũ Đức Bảo ký giải quyết khiếu nại của ông Lựu.
Hà Nội: Luật sư phân tích vụ Chủ tịch huyện Gia Lâm bị dân kiện ra tòa
Quyết định giải quyến đơn khiếu nại "kiêm" thu hồi đất của UBND huyện Gia Lâm.
Tuy nhiên, thời điểm đó, UBND huyện Gia Lâm đã bác khiếu nại đòi quyền sử dụng đất của ông Lựu với lý do trong suốt một thời gian dài, nhiều lần Nhà nước kê khai sử dụng đất nhưng gia đình ông Lựu không kê khai đăng ký sử dụng thửa đất này.

Điều đáng nói, trong Quyết định số 63/QĐ-UB giải quyết khiếu nại trường hợp ông Lựu, UBND huyện Gia Lâm bất ngờ thu hồi luôn toàn bộ thửa đất 380 m2 (đất ao được chia cho 3 gia đình), trong đó có diện tích 146 m2 đất mà ông Chỉnh, ông Chiến (con ông Dậu) đang sử dụng ổn định và hợp pháp mà không có bất kỳ lý do nào.

Ngớ người vì đất đang sử dụng bỗng nhiên bị thu hồi, ngay lập tức anh em ông Chiến đã gửi đơn khiếu nại khẩn cấp đến UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm đề nghị thu hồi Quyết định số 63/QĐ-UB. Tuy nhiên, cũng không hiểu vì lý do gì mà cả xã lẫn huyện nhiều năm trời không thụ lý giải quyết khiếu nại khiến hai anh em ông Chiến khốn khổ, nhiều năm trời đằng đẵng đi ''gõ cửa'' các nơi để cầu cứu.

Mặc dù đơn khiếu nại không được hồi đáp nhưng anh em ông Chỉnh vẫn kiên trì gõ cửa các nơi và đơn khiếu nại cũng được UBND TP. Hà Nội biết đến. Điều đáng nói, dù cho Ban Tiếp công dân – Văn phòng UBND TP. Hà Nội có đề nghị UBND huyện Gia Lâm xem xét giải quyết theo thẩm quyền nhưng huyện nhất quyết không thụ lý giải quyết khiếu nại.

Đến ngày 07/02/2017, dù đang trong quá trình khiếu nại nhưng UBND xã Ninh Hiệp bất ngờ ban hành Thông báo số 118/TB-UBND về việc quản lý diện tích đất ao xóm 7 bằng việc quây, rào lại diện tích đất ao mà gia đình ông Chỉnh đang sử dụng.

Không đồng tình với việc làm nêu trên của UBND xã Ninh Hiệp, gia đình ông Chỉnh tiếp tục làm đơn khiếu nại. Cuối cùng, sau nhiều lần đề nghị của Văn phòng UBND TP. Hà Nội và các đơn vị liên quan, ngày 05/07/2017, UBND huyện Gia Lâm cũng đã ban hành Quyết định số 8643/QĐ-UBND giải quyết đơn khiếu nại lần đầu của ông Chiến và ông Chỉnh.
Hà Nội: Luật sư phân tích vụ Chủ tịch huyện Gia Lâm bị dân kiện ra tòa
Trụ sở HĐND, UBND huyện Gia Lâm.
Tại quyết định này, UBND huyện Gia Lâm quyết định điều chỉnh Điều 2, Quyết định 63/QĐ-UB ngày 04/02/2002, tức điều chỉnh việc thu hồi toàn bộ phần diện tích 380 m2 đất ao các gia đình đang sử dụng. Đồng thời giao UBND xã Ninh Hiệp phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường Gia Lâm hướng dẫn các gia đình liên quan thực hiện việc đăng ký đất đai, cấp sổ đỏ.

Tuy nhiên, gia đình ông Chiến và ông Chỉnh tiếp tục không đồng ý với quan điểm của UBND huyện Gia Lâm đưa ra tại Quyết định giải quyết khiếu nại nên đã gửi đơn khởi kiện đến TAND TP. Hà Nội để yêu cầu hủy Quyết định 63/QĐ-UB và Quyết định 8643/QĐ-UBND của UBND huyện Gia Lâm.

Ngày 21/08/2017, TAND TP. Hà Nội đã Thông báo thụ lý vụ án hành chính sơ thẩm số 201/2017/TLST-HC ngày 17/8/2017 giữa người khởi kiện là ông Nguyễn Văn Chiến và ông Nguyễn Văn Chỉnh với người bị kiện là Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm, địa chỉ tại số 10 Ngô Xuân Quản, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm.

Cần sáng tỏ nhiều uẩn khúc

Liên quan đến vụ việc này, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội để hiểu rõ các vấn đề pháp lý.

Theo Luật sư Ngân, tại Điều 2 Quyết định 63/QĐ-UB do UBDN huyện Gia Lâm ban hành ngày 04/02/2002 liên quan đến việc thu hồi phần đất 146 m2 của gia đình ông Chỉnh nằm trong diện tích 380 m2 đất ao tại thôn 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội đã xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Thứ nhất, diện tích 146 m2 đất ao nằm trong diện tích 380 m2 đất mà UBND huyện Gia Lâm ra quyết định thu hồi là thuộc quyền quản lý, sử dụng hợp pháp của gia đình ông Chiến và ông Chỉnh và diện tích đất này hoàn toàn đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Căn cứ Báo cáo 85/BC-UB của UBND xã Ninh Hiệp, Kết luận số 02/KL-TTr của Thanh tra huyện Gia Lâm thì một phần diện tích đất bị thu hồi theo Quyết định số 63/QĐ-UB là được Nhà nước chia theo chính sách cải cách ruộng đất cho ông Nguyễn Văn Dậu (là bố đẻ ông Chiến, Chỉnh) và thuộc quyền quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1956 của gia đình hai ông.

Theo quy định tại Điều 31 Luật cải cách ruộng đất 1953 thì quyền của người được chia ruộng được xác định như sau:

 “Người được chia ruộng đất có quyền sở hữu ruộng đất đó và không phải trả cho địa chủ hay chính quyền bất cứ một khoản nào.

Chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu ấy cho người được chia. Mọi khế ước cũ đều huỷ bỏ”.


Đồng thời, căn cứ khoản 2 Điều 3 Nghị định 17/1999/NĐ-CP quy định về vấn đề thực hiện quyền của người sử dụng đất thì: “Người đang sử dụng đất có một trong các giấy tờ quy định sau đây thì làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và được thực hiện các quyền theo quy định của Nghị định này: …Những giấy tờ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất, cho thuê đất cấp trong quá trình thực hiện các chính sách đất đai trong từng thời kỳ của Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam mà người được giao đất, thuê đất vẫn liên tục sử dụng đất từ đó đến nay”. Trong khi đó, từ khi được Nhà nước giao đất cho đến khi có Quyết định thu hồi đất trái pháp luật, gia đình ông Chỉnh đã quản lý, sử dụng một phần đất ao đó ổn định, liên tục gần 50 năm.

"Như vậy, căn cứ những quy định nêu trên thì rõ ràng gia đình ông Chỉnh hoàn toàn đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với một phần đất ao được chia trong thời kỳ cải cách ruộng đất", Luật sư Ngân nhận định.
Hà Nội: Luật sư phân tích vụ Chủ tịch huyện Gia Lâm bị dân kiện ra tòa
Luật sư Mai Bích Ngân - Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội
Thứ hai, phần diện tích đất ao của gia đình ông Chiến, Chỉnh đang quản lý, sử dụng không thuộc đối tượng Nhà nước phải thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai, bởi:

Một là, toàn bộ diện tích đất ao không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng: Dựa vào các văn bản về kế hoạch sử dụng đất của UBND huyện Gia Lâm vào thời điểm đó thì diện tích đất ao của gia đình ông Chiến, ông Chỉnh không nằm trong kế hoạch chuyển mục đích sử dụng đất, cũng như trước và sau thời điểm UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 63/QĐ-UB về việc thu hồi toàn bộ diện tích đất ao, cũng không nhận được bất cứ thông tin, tài liệu nào liên quan đến việc Nhà nước sẽ thu hồi đất ao (như Thông báo thu hồi đất, Văn bản kiểm điếm tài sản trên đất, Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…). Như vậy, rõ ràng diện tích đất ao của gia đình Chỉnh không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng theo quy định tại Điều 27 Luật đất đai 1993.

Hai là, gia đình ông Chiến, ông Chỉnh đã quản lý, sử dụng một phần diện tích đất ao mà 03 gia đình đã tự thỏa thuận chia từ năm 1956 liên tục, ổn định và không có bất cứ vi phạm nào về đất đai: Diện tích đất ao mà gia đình chúng tôi đang quản lý, sử dụng là được Nhà nước giao trong thời kỳ cải cách ruộng đất (từ 1953 đến 1956), việc giao đất này là hợp pháp và đúng pháp luật. Hơn nữa, từ khi được giao đất cho đến khi UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất ao đó, gia đình đã quản lý, sử dụng ổn định, liên tục và không có bất cứ vi phạm nào về đất đai đối với phần đất đã được chia theo thỏa thuận của 03 gia đình (phần đất ao đã được ông Lựu, ông Dậu, ông Thọ thỏa thuận chia từ khi được Nhà nước giao đất). 

Như vậy, dựa vào quá trình giao đất, quá trình sử dụng đất đúng quy định pháp luật của gia đình ông Chỉnh đã có thể khẳng định diện tích đất ao mà gia đình ông Chiến, ông Chỉnh đang quản lý, sử dụng là không thuộc một trong các trường hợp thu hồi đất do vi phạm đất đai theo quy định tại Điều 26 Luật đất đai 1993.

Ba là, phần diện tích đất ao của gia đình ông Chiến, ông Chỉnh đang quản lý, sử dụng chưa từng được Nhà nước giao cho người khác theo chính sách đất đai: Tại Điều 1 Quyết định số 63/QĐ-UB, UBND huyện Gia Lâm đã căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Luật đất đai 1993, sửa đổi năm 2001 để thu hồi toàn bộ diện tích đất ao, trong đó có một phần diện tích đất ao của gia đình ông Chỉnh là không có căn cứ, bởi nội dung khoản 2 Điều 2 Luật đất đai 1993, sửa đổi năm 2001 quy định về việc Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai. 

Trong khi đó, tất cả văn bản của UBND xã Ninh Hiệp báo cáo đều khẳng định UBND xã chỉ xác định mốc giới đất ao theo đơn đề nghị của 03 gia đình đang sử dụng đất ao, không có sự giao đất cho người khác sử dụng, đồng thời cũng không có bất cứ văn bản nào thể hiện diện tích đất ao đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao cho người khác. Như vậy, UBND huyện căn cứ vào khoản 2 Điều 2 Luật đất đai 1993, sửa đổi năm 2001 để thu hồi toàn bộ đất ao là không có căn cứ, trái quy định.

"Từ những phân tích trên cho thấy UBND huyện Gia Lâm ban hành Quyết định số 63/QĐ-UB để thu hồi diện tích đất ao mà gia đình ông Chiến, ông Chỉnh đang quản lý, sử dụng từ năm 1956 là trái quy định pháp luật", Luật sư Ngân cho biết.

Thứ ba, UBND huyện Gia Lâm ban hành quyết định thu hồi phần đất ao trong khi đang giải quyết tranh chấp đòi quyền sử dụng đất là không tuân theo quy trình thu hồi đất đã được quy định.

Căn cứ Điều 28 Luật Đất đai 1993 quy định: “Trước khi thu hồi đất phải thông báo cho người đang sử dụng biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại”. Trong khi đó, việc thu hồi đất của gia đình Chỉnh được quy định duy nhất tại Điều 2 Quyết định 63/QĐ-UB về việc giải quyết đơn khiếu nại của ông Nguyễn Quang Lựu của UBND huyện Gia Lâm ngày 04/02/2002 mà không nêu lý do thu hồi đất, cũng như trước khi ban hành Quyết định thu hồi đất không thông báo cho gia đình ông Chỉnh biết về lý do thu hồi, thời gian, kế hoạch di chuyển, phương án đền bù thiệt hại khi thu hồi đất.

Hơn nữa, như đã phân tích rõ ràng phần diện tích đất ao mà ông Chiến, ông Chỉnh đang quản lý, sử dụng không thuộc bất cứ trường hợp nào Nhà nước thu hồi đất, cũng như gia đình không có bất cứ đơn từ khiếu kiện, khiếu nại nào về việc quản lý, sử dụng phần diện tích đất ao này. Vậy mà, trong quá trình giải quyết yêu cầu đòi một phần đất của ông Lựu, UBND huyện Gia Lâm lại thu hồi diện tích đất ao của ông Chiến, ông Chỉnh đang quản lý, sử dụng ổn định từ năm 1956 là điều vô cùng khó hiểu và uẩn khúc, trong khi tại Kết luận số 02/KL-TTr của Thanh tra huyện cũng đã công nhận việc sử dụng một phần diện tích đất ao là thuộc quyền quản lý của gia đình ông Dậu.

"Dựa vào tất cả các căn cứ trên nhận thấy việc thu hồi toàn bộ đất ao của 3 hộ gia đình được chia trong thời kỳ cải cách ruộng đất nói chung và thu hồi một phần diện tích đất ao của gia đình ông Chiến, ông Chỉnh nói riêng của UBND huyện Gia Lâm là không có căn cứ, trái pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân'', Luật sư Ngân nhận định.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.