Tiếp bài: Nhiều “ông lớn” vi phạm pháp luật đê điều ở Ninh Bình: Xuất hiện nhiều cảng thủy không phép
Tiếng dân - Ngày đăng : 00:22, 18/01/2018
Tháo dỡ cảng Vissai
Đối với vi phạm pháp luật đê điều của Tập đoàn Vissai, trong Văn bản số 306/UBND – VP3 ngày 01/09/2017 của UBND tỉnh Ninh Bình đã chỉ rõ: Trên đê hữu Đáy tại Km20+360 đến Km20+660, thuộc phường Bích Đào Tập đoàn Vissai xây dựng cảng khi mới có Văn bản thỏa thuận, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh; Xây dựng một số hạng mục không có trong văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Xây nhà bảo vệ, đổ trụ bê tông, đặt vỏ công ten nơ lên bệ cọc lợp mái tôn làm nhà sinh hoạt.
Lý giải về vấn đề trên, ông Trần Thành Tuân – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vissai cho biết: Cảng thủy trên đê hữu Đáy tại phường Bích Đào doanh nghiệp không biết là có những vi phạm trên, bởi vì đơn vị đã có văn bản của Cục đường thủy nội địa chấp thuận xây dựng cảng thủy nội địa; Văn bản của Tổng cục Thủy lợi về việc xây dựng cảng bốc xếp nguyên vật liệu; Văn bản của Cục đường thủy nội địa Việt Nam công bố cảng thủy nội địa của Công ty TNHH Tập đoàn Hoàng Phát Vissai; Giấy chứng nhận đầu tư của UBND tỉnh Ninh Bình về việc xây dựng công trình cụm Cảng sông Nhà máy xi măng Vissai…
Qua phản ánh của Báo, chúng tôi nhận thấy việc nắm bắt các luật chuyên ngành trong xây dựng cảng đối với doanh nghiệp chưa đầy đủ nên công ty mới để thời gian từ đó đến nay. Công ty Vissai cam kết thá dỡ những công trình vi phạm trước ngày 20/01/2018 và chủ trương của doanh nghiệp là chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.
Theo quan sát của PV Báo Tài nguyên và Môi trường, trong sáng ngày 16/01/2018, tại cảng thủy này rất nhiều công nhân đang tiến hành tháo dỡ, phần mái của các nhà kho cơ bản đã tháo dỡ xong và đang tháo dỡ đến các công trình khác.
Còn nhiều cảng thủy vi phạm
Liên quan đến việc các cảng thủy vi phạm pháp luật đê điều trên địa bàn tỉnh Ninh Bình thì hiện còn rất nhiều các đơn vị chưa nghiêm túc chấp hành tháo dỡ mặc dù đã quá hạn chót tỉnh ban ra.
Cụ thể như: Trên đê hữu Đáy, tại Km 20+615 đến Km20+865, Công ty Cổ phần Chế tạo máy Ninh Bình xây dựng cảng khi mới có văn bản thỏa thuận, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh; San lấp, xây dựng một số hạng mục không đúng trong văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT; Đổ bê tông làm trạm cân, dựng hàng rào, đổ bê tông làm đường ray cống tại chân đê; Lắp đặt 3 phễu si lô rót hàng; Xây nhà bảo vệ, dựng nhà khung thép di động.
Ngoài ra, còn có Công ty TNHH An Gia Bình cũng xây dựng cảng khi mới có văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh; Di chuyển tre chắn sóng, dựng cột điện, trạm biến áp sát chân đê phía sông; Xây dựng bến cảng ngoài phạm vi cấp phép, dựng cột bê tông làm hàng rào trên mái đê phía sông; Xây nhà, chất vật liệu quá cao trong hành lang bảo vệ đê và hành lang thoát lũ; Tôn cao san lấp mặt bằng không đúng văn bản thỏa thuận, xây nhà điều hành trạm cân…
Chưa hết, cũng tại đê hữu Đáy Km28+80 đến Km28+340 thuộc xã Khánh Phú, huyện Yên Khánh, Công ty TNHH Tiến Hưng cũng xây dựng cảng khi mới có văn bản thỏa thuận của Bộ Nông nghiệp và PTNT, chưa có Quyết định cấp phép của UBND tỉnh; Xây dựng trong hành lang bảo vệ đê điều không đúng trong văn bản thỏa thuận cấp phép của Bộ: Xây nhà, xây trạm thu nước sạch, đổ trụ bê tông, dựng cột khung sắt làm nhà…
Tính đến nay đã quá hạn chót của UBND tỉnh về việc xử lý các vi phạm pháp luật về đê điều thế nhưng các cảng thủy không phép này vẫn chưa hề có bất kỳ động thái nào về tiến hành tháo dỡ, giải tỏa các công trình vi phạm.
Dư luận hoài nghi phải chăng các công ty này đang thách thức pháp luật hay đã được bảo kê cho làm liều?
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin về vấn đề này.