Bắc Giang: Lợi dụng giấy phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất trái phép

Tiếng dân - Ngày đăng : 10:37, 06/01/2018

(TN&MT) - Theo phản ánh của nhiều người dân, hộ gia đình ông Giáp Văn Cải (trú tại thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã lợi dụng việc...
(TN&MT) - Theo phản ánh của nhiều người dân, hộ gia đình ông Giáp Văn Cải (trú tại thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) đã lợi dụng việc được cơ quan chức năng cấp phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất với số lượng gấp nhiều lần được cho phép rồi mang đi bán khiến nhiều gần người dân bức xúc.

Chính quyền ở đâu? 

Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được phản ánh của nhiều người dân về tình trạng lợi dụng việc được cơ quan chức năng cấp giấy phép hạ độ cao, một số cá nhân trong tỉnh Bắc Giang tiến hành khai thác đất trái quy định, gây thất thu ngân sách và để lại nhiều hệ lụy về môi trường.

Cụ thể, theo phản ánh của người dân, tại thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn (huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) về việc hộ gia đình ông Giáp Văn Cải (trú tại thôn Bảo Lộc 1, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang) xin hạ độ cao lô đất 229 +231, khoảng 1 nhưng đã tranh thủ cho máy múc, ô tô vào khai thác ngày đêm để lấy đất với số lượng đất gấp nhiều lần cho phép. Điều đáng nói, việc này đã được phản ánh lên cơ quan chức năng nhưng không hiểu vì lý do gì mà ông Cải không bị xử lý.

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, một hộ dân sống xung quanh cho biết, việc khai thác đất của ông Giáp Văn Cải đã diễn ra trong một thời gian dài.
Bắc Giang: Lợi dụng giấy phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất trái phép.
Lợi dụng giấy phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất trái phép tại xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang.

''Ngày cũng như đêm, máy xúc, ô tô chở đất chạy ầm ầm từ thửa đất nhà ông Cải mang đi bán. Chúng tôi được biết, hộ ông Cải chỉ được hạ độ cao để lấy mặt bằng 2.900 m3 đất dư thừa nhưng không hiểu vì lý do lại khai thác gấp 10 như vậy mà không hề bị cơ quan nào kiểm tra, xử lý'', một người dân cho biết.

Theo quan sát của PV tại địa điểm phản ánh, một khu vực rộng lớn đã bị múc sâu xuống từ 3 – 5 m để lấy đất, ước chừng khoảng 20.000 – 30.000 m3 đất đã được khai thác. Điều đáng nói, việc khai thác đất được thực hiện cả ngày lẫn đêm, ôtô chạy ầm ầm nhưng không hề có cơ quan nào vào kiểm tra, giám sát.

Được biết, ngày 10/11/2017 Sở TN&MT Bắc Giang ban hành Quyết định số 670/QĐ-TNMT do ông Nguyễn Văn Tuyến – Phó giám đốc Sở ký cho phép hộ ông Giáp Văn Cải được san gạt mặt bằng, hạ cốt nền tại lô đất 229 +231, khoảng 1 với khối lượng đất dư thừa là 2.900 m3 và được mang số lượng đất dư thừa làm nguyên liệu san lấp mặt bằng cho Nhà máy gạch Tuynel thuộc Công ty cổ phần đầu tư sản xuất gạch Ngọc Việt, xã Khám Lạng, huyện Lục Nam.

Trước hành vi lợi dụng hạ cốt nên để khai thác đất nhằm trục lợi, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh với ông Hà Quốc Hợp – Chủ tịch UBND huyện Lục Nam để kịp thời ngăn chặn và có phương án xử lý. Tuy nhiên, ông Hợp lại nói rằng: ''Nếu khai thác vượt quá thì thôi chú “xoáy” vào đó làm gì nữa?''.

Sau đó, PV Báo Tài nguyên và Môi trường nhiều lần liên hệ trao đổi với ông Hợp đề cập đến việc huyện đã chỉ đạo cho cán bộ chuyện môn kiểm tra số lượng đất đã bị khai thác hay chưa để có biện pháp truy thu thuế. Tuy nhiên, đến nay, PV vẫn không nhận được bất cứ thông tin cụ thể từ lãnh đạo huyện Lục Nam.
Bắc Giang: Lợi dụng giấy phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất trái phép
Việc khai thác đất được thực hiện cả ngày lẫn đêm, ôtô chạy ầm ầm nhưng không hề có cơ quan nào vào kiểm tra, giám sát.

Liên quan đến việc này, trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Quảng – Trưởng phòng TN&MT huyện Lục Nam cho biết, huyện đã cho cán bộ xuống kiểm tra và lập biên bản nhưng chưa thống kê được số lượng đất đã bị khai thác. 

Nguyên dân được ông Quảng cho biết là do kiểm tra vào lúc nửa đêm và không có ai đứng ra nhận và không ai ký biên bản kiểm tra dẫn đến khó xử lý.

Được biết, ngày 24/12/2017, Phòng TN&MT huyện Lục Nam đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Nguyễn Văn Thỉnh với hành vi đưa máy xúc và ôtô vào tổ chức khai thác đất không có giấy phép khai thác trên thửa đất rừng của ông Giáp Văn Hòa.

Trong khi đó, đối với trường hợp xin hạ độ cao của hộ gia đình ông Giáp Văn Cải thì không thấy tổ công tác của huyện Lục Nam kiểm tra số lượng đất đã khai là bao nhiêu, có đúng theo giấy phép đã được cấp hay không và xử lý như thế nào?

Trước sự việc trên, dư luận đặt ra vấn đề là tại sao chính quyền huyện Lục Nam lại không cương quyết kiểm tra, xử lý sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của báo chí về việc khai thác khoáng sản trái phép của hộ gia đình ông Giáp Văn Cải? phải chăng có điều gì ''bí mật'' nên khó xử lý.

Trong khi đó, trao đổi với PV, ông Ngô Trí Dũng – Trưởng phòng Khoáng sản thuộc Sở TN&MT Bắc Giang cho biết sẽ yêu cầu huyện Lục Nam kiểm tra, làm rõ và báo cáo bằng văn bản về cho Sở và sẽ thông tin lại với báo chí.

Truy trách nhiệm Chủ tịch huyện nếu để “chảy máu” tài nguyên

Trước thực trạng nguồn tài nguyên đang bị lợi dụng để khai thác nhằm trục lợi trái phép gây bức xúc dư luận trong nhân dân. Mới đây, ngày 27/12/2017, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang Lại Thanh Sơn đã ký ban hành Văn bản số 4549/UBND-TN truyền đạt chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển làm vật liệu xây dựng thông thường. 

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung triển khai thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 6611/BTNMT-ĐCKS ngày 06/12/2017. Trước mắt, hoàn thiện báo cáo kết quả khoanh định khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; tham mưu UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với những mỏ đất lớn theo quy định của pháp luật.

Đồng thời khẩn trương thẩm định, trình Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang xem xét, chấp thuận cho vận chuyển đất dư thừa đối với những hồ sơ đã tiếp nhận và đủ điều kiện theo quy định. Trong tháng 01-02/2018 tạm dừng tiếp nhận hồ sơ đề nghị san gạt mặt bằng, hạ cốt nền, hồ sơ cải tạo hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản có vận chuyển đất dư thừa làm gạch hoặc san lấp mặt bằng mà không phải trường hợp thực hiện dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt, chấp thuận để kiểm tra, đánh giá hiệu quả. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang trước ngày 28/02/2018.
Bắc Giang: Lợi dụng giấy phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất trái phép.
Văn bản của UBND tỉnh Bắc Giang về việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển làm vật liệu xây dựng thông thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cũng yêu cầu Sở TNMT tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất đối với các dự án khai thác đất, đá, cát, sỏi, san gạt mặt bằng, hạ cốt nền, cải tạo hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản và vận chuyển đất dư thừa trên địa bàn tỉnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho phép và các trường hợp UBND tỉnh Bắc Giang ủy quyền cho UBND cấp huyện kể từ năm 2018. Kết quả tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang theo quy định. Tham mưu, kiểm điểm trách nhiệm Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã không chấp hành nghiêm chỉ đạo của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang tại văn bản ủy quyền, chấp thuận…

Yêu cầu Công an tỉnh Bắc Giang chỉ đạo các lực lượng chức năng, công an huyện, thành phố chủ động ngăn chặn hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc bao che tiếp tay cho đối tượng vi phạm đối với hoạt động khai thác, vận chuyển đất, các phương tiện vận chuyển đất cơi nới thành thùng, quá khổ, quá trọng tải, trọng lượng trên đường, các đối tượng có hành vi chống đối, cản trở người thi hành công vụ.
Bắc Giang: Lợi dụng giấy phép hạ độ cao mặt bằng để khai thác đất trái phép
Truy trách nhiệm Chủ tịch huyện nếu để “chảy máu” tài nguyên.

Cục thuế tỉnh Bắc Giang phải tham mưu cho UBND tỉnh Bắc Giang biện pháp thu đủ thuế tài nguyên đối với các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác khoáng sản. Tăng cường phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện, xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thuế trong lĩnh vực khoáng sản.

Đặc biệt, UBND các huyện, thành phố dừng ngay việc cải tạo các vùng đất trũng, cấy lúa một vụ thành hồ, ao, chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa sang nuôi trồng thủy sản không theo quy hoạch và dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tăng cường kiểm tra, xử lý các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân lợi dụng việc san gạt mặt bằng, hạ cốt nền và cải tạo hồ chứa nước, ao nuôi trồng thủy sản để vận chuyến đất dư thừa đi làm vật liệu san lấp mặt bằng, đắp nền công trình xây dựng, làm nguyên liệu sản xuất gạch.

Trường hợp để hoạt động khai thác, vận chuyển đất trái phép trên địa bàn kéo dài mà không kiểm tra, xử lý thì Chủ tịch UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang.

Vừa qua, tại xã Yên Lư, huyện Yên Dũng (tỉnh Bắc Giang), trong quá trình xây dựng nhà máy, Công ty TNHH Lian Tech Việt Nam đã để cho đơn vị thi công khai thác và bán trái phép 6.000 m3 đất làm nguyên liệu sản xuất gạch bằng thủ đoạn đêm thì khai thác còn ngày thì lấy đất lấp lại để xóa dấu vết. Sau khi kiểm tra, UBND huyện Yên Dũng đã xử phạt 90 triệu đồng và truy thu số tiền hơn 140 triệu đồng. 


Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.