Ba Đình - Hà Nội: Mỏi mòn chờ sổ đỏ, dân muốn đối thoại trực tiếp với chính quyền

Tiếng dân - Ngày đăng : 15:13, 03/01/2018

(TN&MT) – Lên tiếng sau khi UBND quận Ba Đình (TP. Hà Nội) có văn bản phản hồi tới Báo Tài nguyên và Môi trường về vụ “mòn mỏi chờ sổ đỏ vì vướng dự án treo”,...
(TN&MT) - Nhiều hộ dân phường Liễu Giai bày tỏ muốn được đối thoại trực tiếp với chính quyền phường và quận Ba Đình để hiểu rõ đúng sai về việc vì sao họ phải “mòn mỏi chờ sổ đỏ do vướng dự án treo” nhiều năm nay?.

Quận khẳng định chưa cấp sổ đỏ là đúng

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã thông tin về việc hàng chục hộ dân sinh sống tại cụm 3, phường Liễu Giai, quận Ba Đình khẩn thiết kêu cứu các cơ quan chức năng về việc không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên đã nhiều năm qua, kết quả vẫn chỉ là con số không tròn trĩnh.

Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường có văn bản đề nghị làm rõ thông tin, ngày 04/12/2017, thay mặt UBND quận Ba Đình, Phó Chủ tịch quận này là ông Tạ Nam Chiến đã ký công văn gửi Báo và Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời về việc này.

Theo đó, nguồn gốc sử dụng đất tại ngõ 67 đường Văn Cao, cụm 3 phường Liễu Giai trước đây thuộc địa bàn phường Ngọc Hà, theo số liệu báo cáo kiểm kê đất chưa sử dụng ngày 29/9/2000 của UBND phường Ngọc Hà thì diện tích khu đất này khoảng 7.450m2 trước đây thuộc dự án Cung thiếu nhi, hiện trạng năm 2000 là đất trồng rau bỏ hoang. Sau khi tách phường năm 2005, diện tích đất này được bàn giao sang phường Liễu Giai quản lý.
UBND quận Ba Đình gửi văn bản phản hồi Báo Tài nguyên và Môi trường.
UBND quận Ba Đình gửi văn bản phản hồi Báo Tài nguyên và Môi trường.
''UBND quận Ba Đình rà soát, xác định các trường hợp sử dụng đất đã được Ban QLDA Cung thiếu nhi thuộc Trung ương Đoàn TNCS HCM đền bù để giải phóng mặt bằng và xác nhận nguồn gốc đất, thời gian sử dụng đất, tạo lập tài sản trên đất, đối chiếu quy hoạch sử dụng đất, các quy định pháp luật về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (gọi tắt là GCNQSDĐ) để niêm yết công khai các trường hợp chưa đủ điều kiện xem xét cấp GCNQSDĐ theo quy định. Theo số liệu năm 2009 thu khu đất trên thuộc tổ 23, 24, 25, 26 cụm 3 phường Liễu Giai có 59 hộ dân có cùng nguồn gốc đất thuộc đất nông nghiệp, các hộ tự chuyển đổi và xây dựng nhà tạm từ sau năm 2000", văn bản nêu.

Cũng trong thời gian này, các hộ dân tại tổ 23, 24, 25, 26 cụm 3 phường Liễu Giai liên tục có đơn đề nghị xem xét cấp GCNQSDĐ. Sở Tài nguyên và Môi trường đã thụ lý và có Văn bản số 43/STNMT-TTr ngày 12/1/2010 báo cáo UBND TP. Hà Nội về việc chưa cấp GCNQSDĐ cho các hộ dân là phù hợp với quy định hiện hành.

UBND quận Ba Đình cũng khẳng định, về quy hoạch, khu vực đất trên đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 68/2000/QĐ-UB ngày 14/7/2000 thuộc ô quy hoạch ký hiệu D12 được xác định chức năng là cây xanh, công viên, TDTT (kéo dài từ Công viên Núi Cung sang đường Văn Cao) và có các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc chung cho cả ô quy hoạch.

''Theo nội dung nghiên cứu của đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-2, tỷ lệ 1/2000 do Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội lập, đã lấy ý kiến Hội đồng thẩm định quy hoạch xây dựng Thành phố, thông qua tập thể UBND TP. Hà Nội và lấy ý kiến Bộ Xây dựng (đang trong giai đoạn hoàn thiện để trình UBND TP phê duyệt chính thức), vị trí đất trên nằm trong quy hoạch được dự kiến chức năng là đất Trường Nầm non và THCS'', UBND quận Ba Đình khẳng định.
Mặc dù sử dụng đất nhiều năm trời nhưng nhiều hộ dân vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Mặc dù đã sử dụng đất nhiều năm trời nhưng các hộ dân tại cụm 3, phường Liễu Giai vẫn chưa được cấp sổ đỏ.
Tại văn bản, UBND quận Ba Đình cũng cho biết, căn cứ quy hoạch sử dụng đất và nhu cầu sử dụng đất của địa phương trong đó nghiên cứu đưa các điểm đất trên vào khai thác sử dụng đất hiệu quả, đầu tư xây dựng các công trình công cộng phục vụ đời sống sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn, từng bước hoàn thành cảnh quan đô thị khu vực và giải quyết nhu cầu cấp bách về giáo dục đào tạo cho dân cư khu vực và đánh giá đúng hiện trạng sử dụng các điểm đất, nhu cầu khai thác, kế hoạch sử dụng đất và sử dụng đúng mục đích trong việc thực hiện chương trình phát triển kinh tế xã hội của quận.

“Theo quy định tại Khoản 2, Điều 1 Quyết định số 3075/QĐ-UBND ngày 12/7/2012 của UBND TP Hà Nội về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 quy định: Mỗi xã, phường, thị trấn và khu đô thị mới phải có ít nhất 01 trường mầm non công lập, 01 trường tiểu học công lập, 01 trường THCS công lập. Hiện nay, trên địa bàn phường Liễu Giai không có trường tiểu học, THCS công lập, vì vậy, Quận ủy, UBND quận chỉ đạo các cơ quàn chuyên môn nghiên cứu để xây dựng mới trường THCS Liễu Giai tại khu đất giáp với đường Văn Cao đoạn từ ngõ 67 đến ngõ 75 Văn Cao để đảm bảo hệ thông hạ tầng kỹ thuật xã hội và giải quyết được tình trạng thiếu trường học, lớp học cho học sinh trong khu vực phường Liễu Giai nói riêng và quận Ba Đình nói chung phù hợp với quy hoạch mạng lưới trường học quận Ba Đình đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt'', văn bản nêu.

Người dân phản đối

Trước phản hồi của UBND quận Ba Đình, chia sẻ với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, một số hộ dân sinh sống tại cụm 3, phường Liễu Giai cho rằng UBND quận Ba Đình trả lời không đúng sự thật về nguồn gốc đất.

Cụ thể, bà Trần Thị Thủy (trú cụm 3) cho biết: “Gia đình tôi ở đây từ những năm 1979 cho đến nay nên nắm rất rõ về nguồn gốc nơi đây. Trước đây khu vực này là làng quê, có từ nhiều đời về trước của dòng họ Phạm và họ Lý, đất trồng cây hoa màu".

Bà Thủy cũng cho biết, ở khu vực cụm 3, chỉ có 3 hộ là đất thổ cư. Năm 1956 có 2 loại đất, một là đất được TP. Hà Nội chứng nhận quyền sở hữu đất và chứng nhận quyền sử dụng. Trong đó, đất sử dụng chiếm tới 97%, còn lại là đất sở hữu rất ít.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân từ năm 1956.
Giấy chứng nhận quyền sở hữu ruộng đất của người dân từ năm 1956.
''Năm 1982, trong làng xây nhà tràn lan vì nhu cầu thiết yếu của các gia đình. Năm 1994, toàn bộ khu vực đất ở cụm 3 phường Liễu Giai đã trở thành nhà ở hết mà không hề còn đất ruộng hay đất vườn nữa'', bà Thủy cho biết thêm.

"Năm 1964 hình thành nên Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp hoa rau 19/5, sau này là HTX Ngọc Hà được hình thành bằng việc các hộ dân góp đất cùng làm giống như loại hình Công ty cổ phần, nhưng tài sản góp vào đó không có văn bản chính thức nào của cấp có thẩm quyền thu hồi. Sở Quản lý ruộng đất của Hà Nội quản lý, khi đó phòng quản lý ruộng đất đứng ra tập hợp các khu vực đất của người dân tự vào HTX để định mức và khoán sản phẩm''.

''Vào năm 1984, có đơn vị khoan thăm dò một số điểm để làm dự án và đền bù hoa màu cho bà con bị thiệt hại. Sau đó, đơn vị đó rút vì không phù hợp để làm dự án, rồi bà con sử dụng đến bây giờ. Năm 1997, HTX họp và gửi công văn lên UBND quận Ba Đình để giải thể vì hoạt động không hiệu quả và đã được chấp thuận. Khi giải tán thì tất cả tài sản đã giao lại hết cho bà con rồi, chứ không có chuyện thanh lý tài sản khi giải thể nữa. Khu đất này bà con sử dụng từ đó đến nay'', bà Thủy cho biết.
Gần trăm hộ dân ở cụm dân cư số 3, phường Liễu Giai đang phải 'dài cổ' chờ cấp sổ đỏ.
Gần trăm hộ dân ở cụm dân cư số 3, phường Liễu Giai đang phải "dài cổ" chờ cấp sổ đỏ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Thức – nguyên cán bộ về hưu (trú cụm 3) cho biết: ''Đất khu vực này là đất làm trang trại của làng Vĩnh Phúc. Năm 1956, Chủ tịch Trần Duy Hưng đã cấp GCNQSDĐ và quyền sở hữu nhà cho các hộ gia đình, trong đó có đất một loại thổ cư và thổ canh".

Ông Thức cũng khẳng định: “Đây là đất của tư nhân chứ không phải đất chia của Nhà nước cho các hộ gia đình. Sau khi hòa bình, người dân đã tự giác thành lập HTX cơ khí, HTX trồng rau. Chủ trương, chính sách là vận động chứ không bắt ép. Năm 1994, giải thể HTX thì là trả lại cho tư nhân, chứ không phải đất của Nhà nước''.

Cũng theo ông Thức, vào năm 1980 có dự án Cung thiếu nhi do Liên Xô viện trợ, nhưng đến năm 1990 thì không thực hiện dự án. Bên đo đạc khảo sát mới chỉ đền bù một phần hoa màu bị thiệt hại, chứ không hề đền bù hoàn toàn đất đai cho các hộ dân.

''Tại Quyết định 69 của UBND TP. Hà Nội cũng khẳng định, chỉ khi nào Nhà nước phê duyệt và lập phương án đền bù thì lúc đó mới không làm sổ đỏ cho dân. Còn quy hoạch chung nhưng chưa khả thi thì vẫn phải cấp sổ đỏ cho người dân. Theo quy định, kể cả có sổ rồi, Nhà nước lấy thì vẫn phải giao lại cho Nhà nước, mà người dân hoàn toàn đồng lòng, quyền lợi của người dân là được làm sổ đỏ, thì quận không thể nào bác bỏ được'', ông Thức nói.

Bà Phạm Thị Hoa (trú cụm 3) cũng cho biết, bà mua đất từ năm 1980, lúc mua không nằm trong quy hoạch, cho đến nay, nói là nằm trong quy hoạch nhưng cũng chưa thấy quy hoạch cụ thể. 

''Về mặt thủ tục thì phải cấp GCNQSDĐ, nếu sau này Nhà nước lấy làm dự án, đủ kinh phí, điều kiện thì tôi cũng chấp nhận. Người dân không hề chống đối, nhưng về quy định cấp sổ thì địa phương lại không làm. UBND TP. Hà Nội có chủ trương rà soát cấp hết GCNQSDĐ cho các hộ dân hạn đến tháng 12/2017, trong khi đó quận lại đưa chỉ tiêu cho phường, phường chỉ cấp vài sổ thì báo cáo đã hoàn thành chỉ tiêu. Điều đáng nói là đa số người dân ở đây lại chưa hề được cấp cuốn sổ nào'', bà Hoa bức xúc.

''Vào năm 1998, gia đình tôi đã nộp hồ sơ kê khai để làm GCNQSDĐ, nhưng đến nay đã 20 năm chính quyền chưa hề có thông báo cho gia đình tôi cũng như các hộ ở đây lý do vì sao không được cấp. Chúng tôi rất muốn đối thoại trực tiếp với chính quyền địa phương từng trường hợp vì sao không cấp GCNQSDĐ, chứ không phải việc quận và phường chỉ trả lời chung chung như thế'', bà Hoa nói.

Cuối cùng, các hộ gia đình ở cụm 3, phường Liễu Giai cũng khẳng định khu đất đang ở là đất do họ quản lý và sử dụng nhiều năm chứ không phải là đất công. Vì vậy, các hộ dân bày tỏ mong muốn được đối thoại với UBND quận Ba Đình, qua đó làm rõ đúng sai trong việc cấp hay không cáp GCNQSDĐ theo quy định của pháp luật.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.