Bình Định: Dấu hiệu khuất tất trong bồi thường để thực hiện dự án du lịch
Tiếng dân - Ngày đăng : 10:07, 27/12/2017
(TN&MT) - Thời gian gần đây, ông Phạm Sáu và 10 hộ dân ở phường Đống Đa, TP Quy Nhơn (Bình Định) có nhà, đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Khu Du lịch sinh thái (DLST) đầm Thị Nại (thuộc khu vực 9 và khu vực 9a, phường Đống Đa) nhiều lần gửi đơn tới các ngành chức năng tố cáo UBND phường Đống Đa và Trung tâm phát triển quỹ đất (PTQĐ) tỉnh Bình Định - thuộc Sở TNMT Bình Định - có dấu hiệu khuất tất, tiêu cực trong kiểm kê, áp giá bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB). Thực hư vụ việc như thế nào?.
Đất ở nhưng áp giá bồi thường đất nông nghiệp (?)
Theo trình bày của ông Phạm Sáu và 10 hộ dân có nhà, đất bị thu hồi để thực hiện Dự án Khu DLST đầm Thị Nại, thì: Khu đất họ sử dụng để xây dựng nhà ở, canh tác có tục danh xóm Ba Ông, thuộc thửa đất số 07, tờ bản đồ số 6 (bản đồ đo đạt năm 1997); tổng diện tích 1.838m2. Khu đất có nguồn gốc của ông bà họ tạo lập, sử dụng xây dựng nhà ở trước năm 1975. Do chiến tranh tàn phá, nhà cửa bị sập đổ nên các hộ phải di cư đến nơi khác; sau giải phóng, các hộ quay về nơi ở cũ sinh sống; sau đó làm thủ tục tặng, cho con cháu sử dụng từ đó đến nay.
Tại công văn số 197/UBND-NĐ ngày 30.6.2017, UBND phường Đống Đa cũng xác nhận nguồn gốc khu đất có nhà ở trước năm 1975; nơi đây còn là căn cứ nuôi giấu cách mạng. Năm 1997, khi ngành chức năng đo đạt xác lập bản đồ địa chính, khu đất có một số mồ mả nên thể hiện đất nghĩa địa. Ông Sáu và 10 hộ dân ở xóm Ba Ông xây dựng nhà ở từ sau ngày 1.7.2004.
Vậy nhưng, khi thu hồi đất của 11 hộ dân để GPMB thực hiện Dự án Khu DLST đầm Thị Nại, Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định viện lý do người dân xây dựng nhà sau ngày 1.7.2004 nên áp giá bồi thường theo đất nông nghiệp đối với 1.838m2. Ngoài ra, không xem xét bồi thường nhà, vật kiến trúc trên đất và không giao đất tái định cư (TĐC) cho các hộ.
Ông Sáu bức xúc: “Đất đai của ông bà chúng tôi là đất ở được tạo lập từ trước năm 1975; sau giải phóng sử dụng ổn định đến nay, nhưng Trung tâm PTQĐ tỉnh phớt lờ điều này. Ngoài ra, gia đình tôi sửa chữa, nâng cấp nhà ở từ trước năm 2004 chứ không phải như xác nhận của UBND phường Đống Đa (xây dựng nhà sau ngày 1.7.2004 - PV). Việc làm của chính quyền địa phương và Trung tâm PTQĐ tỉnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của gia đình tôi”.
Phường “ưu ái” khi xác nhận nguồn gốc đất (?)
Trong khi đó, nhiều hộ dân khác cũng có tài sản nằm trong vùng Dự án Khu DLST đầm Thị Nại lại bất ngờ được UBND phường Đống Đa “ưu ái” trong xác nhận nguồn gốc đất để hưởng chính sách bồi thường. Đơn cử, hộ bà Ung Thị Nhạn (trú tổ 48, khu vực 9a) xây dựng chòi canh đìa nuôi trồng thủy sản (NTTS) có diện tích thực tế khoảng 20m2, với những tấm ván ghép tạm bợ nằm gá trên đìa; đìa và chòi canh được bà Nhạn cho ông Huỳnh Thanh Vương thuê đã 6 năm. Vậy nhưng, UBND phường Đống Đa xác nhận chòi của bà Nhạn là nhà ở ổn định gắn liền với 70,2m2 đất ở đô thị. Dựa vào xác nhận của phường, Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định bồi thường cho bà Nhạn 70,2m2 đất ở với số tiền hơn 234 triệu đồng; đồng thời, xét giao 1 lô đất TĐC rộng 79,9m2.
Hay hộ bà Trần Thị Tuyết (trú tổ 47, khu vực 9a) xây dựng nhà cấp 4 có diện tích khoảng 40m2 để ở và trông coi đìa NTTS; nhưng UBND phường Đống Đa xác nhận tổng diện tích thu hồi 93,3m2 là đất có một phần nhà ở và trông coi đìa hình thành trước ngày 1.7.2004. Từ đây, Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định bồi thường cho hộ bà Tuyết 80m2 đất ở với số tiền 264 triệu đồng và xét giao 1 lô đất TĐC.
Cũng theo quy trình này (UBND phường Đống Đa xác nhận nguồn gốc, Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định áp giá bồi thường), nhiều hộ gia đình có chòi canh đìa NTTS diện tích xây dựng chỉ từ 20m2 trở xuống; nhưng được xem xét bồi thường loại đất ở đô thị, có diện tích lớn hơn thực tế. Điển hình như: hộ ông Nguyễn Văn Kiên xây dựng chòi rộng khoảng 20m2, được bồi thường 23,5m2 đất ở và giao 1 lô đất TĐC; hộ ông Phan Quốc Dũng xây dựng chòi canh rộng chừng 6m2 và đã bị sập hoàn toàn, nhưng được bồi thường 13,8m2 đất ở; hộ bà Hồ Thị Xinh xây dựng nhà tạm khoảng 20m2, được bồi thường 31,5m2 đất ở và giao 1 lô TĐC…
Bất thường hơn, trường hợp hộ ông Võ Văn Nhỏ bị giải tỏa 56,6m2; hộ ông Võ Ngọc Anh bị giải tỏa 277,8m2 với loại đất hoang (theo bản đồ địa chính năm 1997). Tuy nhiên, khi xác nhận nguồn gốc đất, UBND phường Đống Đa “đính chính”: “Bản đồ năm 1997 thể hiện đất hoang là chưa đúng vì nguồn gốc đất này có chủ, nhưng khi lập sổ bộ địa chính vắng chủ do đó ghi là đất hoang…”. Nhờ phường “đính chính” kịp thời mà các hộ này được Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định áp giá bồi thường theo diện đất ở và xét giao đất TĐC.
Cần sớm công bố kết quả thanh tra
Ông Phan Tấn Vũ, Phó Chủ tịch UBND phường Đống Đa, cho biết: Đa số các hộ dân bị GPMB để thực hiện Dự án Khu DLST đầm Thị Nại đều không có giấy tờ nhà, đất. Để xác định nguồn gốc đất, UBND phường căn cứ vào bản đồ đo đạt năm 1997, bản đồ đo đạt hiện trạng năm 2016 do một đơn vị tư nhân thực hiện và lấy ý kiến của 3 hộ sống lâu năm tại khu dân cư. Từ đó, hội đồng xử lý nhà đất của phường xác minh, thông qua nguồn gốc đất; sau đó dán niêm yết công khai.
“Vì lý do khách quan nên chúng tôi không thể tiết lộ danh tính của những người được lấy ý kiến để xác minh nguồn gốc đất; nhưng việc xác minh nguồn gốc phải thông qua hội đồng của phường với đầy đủ các thành phần, nên không có chuyện tiêu cực như dư luận đã phản ảnh. Về nguồn gốc đất của ông Phạm Sáu và các hộ dân ở xóm Ba Ông, UBND phường đã xác nhận đất có nhà ở từ trước năm 1975; sau chiến tranh các hộ tiếp tục quay lại sinh sống tại nơi ở cũ. Còn việc áp giá bồi thường đất nông nghiệp là do cơ quan có chức năng vận dụng các quy định của pháp luật. Điều này Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định trả lời sẽ chính xác và thỏa đáng hơn”, ông Vũ cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TNMT Bình Định, cho rằng: Theo quy định, việc xác định nguồn gốc đất thuộc trách nhiệm của UBND phường Đống Đa. Trên cơ sở này, Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định đối chiếu chính sách của Nhà nước để áp giá bồi thường, hỗ trợ đúng quy định pháp luật. Trung tâm PTQĐ tỉnh Bình Định hay Sở TNMT Bình Định không thể kiểm tra, thẩm định đối với việc xác nhận nguồn gốc đất do UBND phường thực hiện; bởi việc này rất khó, chỉ cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra vào cuộc mới có thể làm rõ.
“Việc xác nhận nguồn gốc rất khó khăn và dễ xảy ra sơ hở. Do đó, quan điểm của tôi là mong các cơ quan báo chí phản ánh làm rõ để hạn chế tiêu cực trong việc xác nhận nguồn gốc nếu có. Việc khiếu nại của ông Phạm Sáu và một số hộ dân liên quan đến bồi thường GPMB Dự án Khu DLST đầm Thị Nại đã được UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo Thanh tra tỉnh Bình Định xác minh, làm rõ. Khi nào cơ quan thanh tra có kết luận cuối cùng, Sở TNMT Bình Định sẽ có trả lời thỏa đáng”, ông Thành nói.