Gia Lai: Bồi thường chưa thỏa đáng, người dân cản trở xe thi công Dự án tuyến tránh TP. Pleiku

Tiếng dân - Ngày đăng : 22:08, 21/12/2017

(TN&MT) - Dự án đường HCM,  đoạn tránh TP. Pleiku (Gia Lai) đang gặp phải phản ứng gay gắt của người dân, thậm chí có nhiều đoạn người dân đã “cấm tiệt” máy móc...

 

 

(TN&MT) - Dự án đường HCM,  đoạn tránh TP. Pleiku (Gia Lai) đang gặp phải phản ứng gay gắt của người dân, thậm chí có nhiều đoạn người dân đã “cấm tiệt” máy móc thi công trên phần đất của họ vì giá trị tài sản chưa đươc bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng…

 

 Ngày 28/4/2016, Bộ Giao thông vận tải có quyết định số 1330/QĐ-BGTVT phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng đường HCM đoạn tuyến tránh đô thị Pleiku ( tỉnh Gia Lai) có tổng chiều dài hơn 30km.

 

Dự án đường HCM đoạn tránh đô thị Pleiku đi qua 4 địa phương (huyện Chư Pah, Ia Grai, Chư Prông và TP. Pleiku) có tổng mức đầu tư 844,58 tỷ đồng. Khi khánh thành, đây là tuyến đường có vai trò và ý nghĩa quan trọng, giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, hiện công tác giải phóng mặt bằng đang gặp phải phản ứng gay gắt của người dân, thậm chí có nhiều đoạn người dân đã “cấm tiệt” máy móc thi công trên phần đất của họ vì giá trị tài sản chưa đươc bồi thường, hỗ trợ thỏa đáng…
 

Đoạn đường đang bị dân chặn không cho thi công

Đoạn đường bị người dân chặn không cho thi công


Được biết, ngay sau khi dự án được phê duyệt, UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước hà nước thu hồi đất, kèm bảng giá và ủy quyền cho cấp huyện quyết định thu hồi đất, quyết định phê duyệt phương án bồ thường, hỗ trợ, tái định cư… Tại đoạn chạy qua huyện Ia Grai được xem là dài nhất (hơn 15km), UBND huyện Ia Grai đã thành lập Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ  đất, tài sản trên đất nhiều lần với số tiền lên đến hàng trăm tỷ đồng  (đến nay đang là đợt bồi thường hỗ trợ thứ 15 - đoạn chạy qua xã Ia Sao với tổng kinh phí hơn 10 tỷ đồng). Lâu nay, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư huyện Ia Grai có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ cho đối tượng thiệt hại theo phương án đã được UBND huyện phê duyệt. Tuy nhiên khiếu nại của người dân về mức giá, số liệu tính toán, đo đạc, liệt kê chưa đúng với thực tế khiến người dân bức xúc, yêu cầu đơn vị thi công (Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức – Gia Lai) cho máy móc tạm dừng hoạt động để tính toán lại mức bồi thường, hỗ trợ.

 

Vợ chồng ông Trần Văn Hùng – Mai Thị Tâm, trú tại thôn Tân Lập, xã Ia Sao thắc mắc: “Đợt 1, gia đình tôi nhận được bảng kê các tài sản và diện tích đất bị thu hồi và được nhận hơn 400 triệu đồng. Đợt 2 cán bộ xuống nói gia đình nhận thêm hơn 300 triệu đồng. Cả hai lần nhận tiền chỉ với phương thức rất đơn giản – chỉ là một mảnh giấy viết tay của cán bộ ghi sẵn(?!). Khi cán bộ đến đo đạc phần thu hồi thì lại lấn thêm đất ở của gia đình hơn 20 m2 (rồi đục lỗ trên tường làm dấu). Vì thế, gia đình tôi không đồng ý nên không cho tháo dỡ công trình. Hơn nữa chúng tôi yêu cầu các cơ quan chức năng phải giải quyết thêm cho gia đình tôi việc đền bù căn nhà đang ở vì nếu thi công con đường chạy qua (ngay góc cua) thì khi ở trong căn nhà sẽ rất nguy hiểm đến tính mạng và sinh hoạt (nhà không có sân nằm sát mặt đường quốc lộ). Đã nhiều ngày qua, mấy ông cán bộ hẹn xuống làm việc nhưng không thấy nên gia đình cũng không dám đi làm mà cứ ở nhà dài cổ chờ họ đến để tính toán đo đạc lại…”.
 

Vết đục thủng tường của người dân gây bức xúc

Vết đục thủng tường của người dân gây bức xúc


Cùng chung bức xúc, gia đình ông Lê Văn Tiệp – Lê Thị Quyết (cùng ở thôn Tân Lập)  cho biết: “Việc đền bù của gia đình tôi đã họp và nói nhiều rồi vì các cơ quan chức năng tính toán, áp giá thiếu công bằng. Cụ thể, gia đình tôi bị thu hồi vào hết gần một nữa phòng ngoài nhưng khi kê khai, cán bộ chỉ kê là 30m2 mái. Như vậy, khi phá mái sẽ phải phá hết cả một phòng, trong khi những người tương tự cũng được bồi thường bằng 1 phòng. Không những thế, gia đình tôi có 3 đám rẫy (trồng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái…) có đường xuyên qua, cán bộ đến cũng chỉ đưa mảnh giấy (bằng nửa bàn tay) tự liệt kê tiền bồi thường cộng rồi đưa cho chúng tôi. Gia đình tìm hiểu thì được biết mức tính áp giá bồi thường mỗi nơi mỗi khác và cũng chưa đúng về số lượng… nên gia đình tôi chặn xe máy, không cho san ủi thi công vì chưa thỏa thuận, thống nhất giá trị bồi thường. Khi nào làm việc thỏa đáng thì chúng tôi tiếp tục cho thi công. Cán bộ nói cứ nhận tiền đi rồi mai mốt có thắc mắc thêm thì nhận thêm, chúng tôi không tin…”.
 

Cũng theo tìm hiểu của PV Báo TN&MT thì trên địa bàn xã Ia Sao (đa số trên toàn tuyến) có hàng trăm hộ khác cũng đang trong tình trạng tương tự, khiến công tác giải phóng mặt bằng đang nham nhở. Ngày 19/12, ông Chu Sỹ Mỡn – Trưởng Phòng TN&MT huyện Ia Grai cho biết: “Việc yêu cầu dừng thi công thì chứng tôi chưa nhân được phản ánh của đơn vị thi công. Ngay sau khi Báo TN&MT phản ánh, chúng tôi sẽ cho anh em đi kiểm tra để có biện pháp xử lý, nhằm đảm bảo tiến độ bàn giao mặt bằng. Còn thông tin cán bộ của Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của huyện đưa mảnh giấy kê số liệu để các hộ dân nhận tiền chắc là chỉ tính toán sơ bộ thôi, chứ làm việc phải có biên bản kê khai, ký nhận rõ ràng chứ. Việc này để chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại…”

 

Ông Hoàng Văn Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty kinh doanh hàng xuất khẩu Quang Đức (Gia Lai) cho biết: “Hiện trên toàn tuyến còn vài chục vị trí chưa có mặt bằng sạch, 13 tuyến đường điện chạy ngang qua và nhiều cống ngầm cũng chưa được giải quyết… Theo thông tin Đội công trường báo cáo về thì vấn đề giải phóng mặt bằng để giao cho Công ty thi công đang gặp khó khăn ở nhiều đoạn, người dân chưa thống nhất việc tiếp tục thi công là dễ hiểu.
 

“Thực tế là, trước khi người dân biết trước được việc làm đường tránh chạy qua vùng, họ đã âm thầm tập kết vật liệu, ào ạt xây dựng nhà, công trình phụ trợ, đào móng xây tường, xây bể nước, đào ao… để kê khai nhận tiền đến bù, đến khi có phương án cho nắn đường chạy hướng khác thì họ bỏ dở đấy, đem vật liệu đến xây chỗ khác…. Cho  nên, số liệu phát sinh đền bù (cây trồng, nhà cửa, kiến trúc xây dựng, đất có bìa đỏ, đất không có bìa…), gây cản trở đến công tác giải phóng mặt bằng, đương nhiên là cũng gây cản trở công tác thi công theo đúng tiến độ, bàn giao công trình. Chúng tôi chỉ có thể thi công được khi có mặt bằng sạch” – ông Trung cho biết.