Viết tiếp loạt bài khai thác cát trái phép ở hạ nguồn Sông Lô – Vĩnh Phúc: Ai đang dung túng?
Tiếng dân - Ngày đăng : 00:00, 16/08/2016
(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng loạt bài: Hạ nguồn sông Lô "chặt khúc" để cấp phép, sau đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo kịp thời, tuy vậy,...
(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng loạt bài: Hạ nguồn sông Lô “chặt khúc” để cấp phép, sau đó, tỉnh Vĩnh Phúc đã có những chỉ đạo kịp thời, tuy vậy, gần đây, ở xã Đôn Nhân, Hải Lựu… huyện Sông Lô, tình trạng doanh nghiệp “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản, kinh doanh, tập kết cát, sỏi lại diễn ra phức tạp.
Hồn nhiên “ăn cắp” tài nguyên
Được biết, xã Đôn Nhân được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, nạo vét luồng lạch cho 6 công ty. Vừa qua, người dân xã Đôn Nhân đấu tranh quyết liệt và báo chí vào cuộc phản ánh, sau đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã xử lý, nhiều doanh nghiệp phải dừng khai thác. Tuy vậy, theo xác nhận của đại diện UBND xã Đôn Nhân, hiện, trên địa bàn xã còn 2 công ty khai thác cát, sỏi đang hoạt động: Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA, Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội và Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa.
Theo Công văn số 33/UBND ngày 18/2/2016 của UBND xã Đôn Nhân nêu rõ, qua công tác kiểm tra và nhắc nhở nhiều lần, song đến nay, Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA chưa chấp hành nghiêm chỉnh việc thực hiện thả phao ranh giới được cấp phép. Đồng thời khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, gây sạt lở kè áp trúc chống sạt lở đê bối dài 5m và sạt lở đất sản xuất nông nghiệp của người dân dài 132m, ảnh hưởng đến tình hình an ninh, trật tự tại địa phương, bức xúc trong quần chúng nhân dân.
Nhiều bờ xôi ruộng mật của người dân còn là bụi tre. |
Ngày 9/8/2016, phóng viên có mặt tại thôn Trung, Hạ, Thượng của xã Đôn Nhân, phát hiện nhiều tàu cát, máy múc, tàu cuốc đang “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản ngay sát bãi bồi của người dân. Điều đáng lưu ý, cách đó không xa bờ kè áp trục Sông Lô đang được chính quyền cho đổ đất, gia cố. Theo một người dân địa phương, không có chuyện múc đất, cát ngay cạnh bãi bồi đi để rồi sau đó, đem đất từ nơi khác về đây đắp, gia cố. Chỉ có chuyện “ăn cắp” tài nguyên mà thôi. Để xác nhận thông tin trên, phóng viên đã cho ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Nhân xem hình ảnh, video những chiếc tàu cát, máy múc, tàu cuốc đang nhiệt tình “ăn cắp” tài nguyên sát bãi bồi, vị này khẳng định: Vị trí khai thác cát sát bãi bồi như thế là sai ranh giới cấp phép mỏ, đoạn này là của Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA và Công ty TNHH Xây dựng Phát triển Hạ tầng Vân Nội đang nạo vét, duy tu luồng thủy nội địa, còn Công ty CP Xây dựng và Đầu tư Phúc Lợi Hà Nội có phải hay không chúng tôi cần xác minh lại. Ông Tuyến cũng cho biết, xã Đôn Nhân hiện, chỉ còn 3 công ty trên hoạt động khai thác cát, sỏi và khai thông luồng lạch.
Sau đó, đích thân ông Tuyến chỉ đạo Công an xã xuống kiểm tra hiện trường, mà không mời phóng viên đi cùng. Và kết quả xác minh: Không phát hiện ra tàu cát, máy múc, tàu cuốc nào. Ông Tuyến trao đổi lại khi phóng viên rời khỏi UBND xã Đôn Nhân được ít phút. Sau đó, phóng viên đã quay lại hiện trường và các máy múc, tàu cuốc vẫn hoạt động bình thường.
Bến bãi được “bảo kê”
Dưới sông, doanh nghiệp tổ chức ăn cắp tài nguyên, trên bờ, nhiều bến bãi ở xã Đôn Nhân, Hải Lựu… đua nhau tập kết, kinh doanh cát nhưng thiếu giấy tờ pháp lý. Ông Nguyễn Hữu Chúc, hộ kinh doanh, tập kết cát ở xã Đôn Nhân thừa nhận: Ở đây, các bến bãi, đều thiếu Giấy phép tập kết, kinh doanh cát, sỏi. Mỗi lần cán bộ xuống kiểm tra anh em thông cảm và có nhắc nhở, nhưng không xử phạt hành chính.
“Nhổ” cả biển báo của Cảng vụ đường thủy vì vướng tàu bè ra vào? |
Đặc biệt, bãi tập kết và kinh doanh cát của ông Chúc nằm cạnh bến đò ngang Đôn Nhân 1, khoảng cách không quá 20m và đường vận chuyển cát cắt ngang bến đò, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn giao thông cao. Một người dân xã An Đạo, huyện Phù Ninh (Phú Thọ) hàng ngày đi qua bến đò ngang Đôn Nhân 1 bức xúc: Mỗi khi xe cát ra vào bến, chúng tôi đều phải nhường, nếu cố tình đi xuống bến đò, nguy cơ mất an toàn cao. Không dừng lại ở đó, bãi tập kết này còn vi phạm về nơi tập kết, vi phạm hành lang đê điều, xâm phạm bến đò ngang…
Dọc xuống xã Hải Lựu, gia đình ông Hà Văn Thư – Chủ tịch UBND xã Hải Lựu đã được UBND huyện Sông Lô ưu ái cấp phép bến bãi tới 49 năm. Không hiểu dựa vào đâu mà UBND huyện Sông Lô ngang nhiên ra Quyết định cấp phép trái thẩm quyền cho hộ cá thể này thầu bãi tới 49 năm? Hay đây là vị Chủ tịch UBND xã Hải Lựu nên huyện đặc cách? Bởi theo luật, các bến bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi của tổ chức, cá nhân chỉ được cấp phép tối đa 5 năm.
Cách đó không xa, Công ty TNHH MTV Lạc Long Quân ngang nhiên tập kết cát, sỏi, máy móc cạnh đê, xâm lấn hành lang đê. Dưới sông, xâm lấn dòng chảy của Sông Lô cả chục mét, “bứng” luôn cả biển báo của Cảng vụ đường thủy, đường sông lên bãi tập kết. Khi phóng viên đề nghị được cấp giấy tờ pháp lý, quản lý Công ty này từ chối.
Công ty CP Khoáng sản Đông Dương AVA khai thác cát ngay cạnh bãi bồi. |
Một vị Phòng TN&MT huyện Sông Lô cho biết: Trước mắt, phần đất bị sạt lở huyện sẽ có chính sách bồi thường, hiện tại, huyện đang xin chủ trương bồi thường hỗ trợ thiệt hại cho bà con từ phía UBND tỉnh Vĩnh Phúc, với mỗi m2 đất sạt lở sẽ được đền bù theo khung giá Nhà nước 196.000đ/m2. Nguồn kinh phí sẽ được lấy từ ngân sách, bên cạnh đó một phần sẽ do các đơn vị hỗ trợ bởi lẽ một phần nguyên nhân sạt lở do họ khai thác cát, sỏi.
Vậy là có thể hiểu, chính quyền địa phương đã “buông xuôi” để cho doanh nghiệp phá nát bãi bồi, sau đó, lấy tiền ngân sách, tiền doanh nghiệp để bồi thường cho người dân. Câu hỏi đặt ra, ai chịu trách nhiệm khi người dân mất đất, tái nghèo, dòng tiền lấy của doanh nghiệp để bồi thường cho người dân mất đất sẽ minh bạch ra sao?! Và chắc hẳn, “miếng bánh” tiền ngân sách tiếp tục bị xà xẻo, bù đắp vào những chỗ “buông lỏng” quản lý như thế này!
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ thông tin tiếp về vụ việc.
Doãn Xuân - Trường Giang