Thừa Thiên Huế: Dân lo sợ sạt lở, ô nhiễm... vì các mỏ đất

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:22, 07/08/2019

(TN&MT) - Việc có đến 2 mỏ đất được cơ quan chức năng Thừa Thiên Huế cấp phép cho doanh nghiệp khai thác ở thôn Tân An Hải (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) khiến người dân địa phương vô cùng lo lắng, bởi không những ô nhiễm môi trường, đường sá xuống cấp đang hiện hữu từng ngày mà nguy cơ sạt lở là rất cao, nhất là mùa mưa bão lại sắp về...
Mỏ đất đang được khai thác của Công ty TNHH Lộc Lợi
Mỏ đất đang được khai thác của Công ty TNHH Lộc Lợi


Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn thôn Tân An Hải (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) có đến hai mỏ đất được tỉnh cấp phép khai thác, gồm mỏ của Công ty TNHH Lộc Lợi và mỏ Công ty TNHH Sơn Đình Thu.

Cụ thể, vào tháng 9/2015, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp phép cho Công ty TNHH Lộc Lợi (trụ sở ở xã Lộc Sơn, huyện Phú Lộc) thực hiện dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp tại thôn Tân An Hải, diện tích khai thác 5ha, độ sâu khai thác 15 m. Đến giữa năm 2017, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục cấp phép cho Công ty TNHH Sơn Đình Thu (cùng đóng xã Lộc Bình) khai thác mỏ đất san lấp thôn Tân An Hải. Hai mỏ chỉ cách nhau tầm hơn 2km.

Người dân địa phương cho hay, quả đồi ở các mỏ trước đây là khu rừng được người dân trồng cây bao phủ để tránh xói mòn và ngăn nước chảy xuống địa hình thấp trũng. Kể từ khi các mỏ đất được cấp phép khai thác, cuộc sống của họ trở nên đảo lộn bởi môi trường ô nhiễm, bụi bám khắp nhà cửa, đường sá hư hỏng do xe ben... di chuyển rầm rộ, đặc biệt là luôn trong tình trạng lo sợ vì nguy cơ sạt lở rất cao. Từ QL1A đi vào 2 mỏ đất gần 10km và đoạn đường này gọi là QL49B nối dài.

Những ngày đầu tháng 8 này, có mặt tại QL49B đoạn qua xã Lộc Bình và gần 2 mỏ đất kể trên, pv nhận thấy hàng trăm xe ben, xe tải... chở đất, đá từ các mỏ ra, tiếng động cơ gầm rú, bụi bay khắp nơi. Đặc biệt các xe tải chở đất quá phạm vi cho phép, cơi nới thêm, bạt phủ sơ sài khiến đất, đá rơi vãi xuống đường gây nguy hiểm.

Nhiều xe tải cơi nới, che đậy sơ sài sau khi lấy đất từ các mỏ
Nhiều xe tải cơi nới, che đậy sơ sài sau khi lấy đất từ các mỏ


Vào sâu bên trong, hiện trường các mỏ đất nham nhở, nhiều hố sâu, “hàm ếch” rất nguy hiểm, nhiều tảng đá to nằm chỏng chơ. Tại mỏ của Công ty Lộc Lợi, gần chục chiếc xe tải nối đuôi nhau chờ đổ đất vào thùng. Những xe này hầu hết đều chở cơi nới, vận chuyển cho các công trình xây dựng ở các xã Vinh Hưng, Vinh Hiền... của huyện Phú Lộc.

“Mỗi khi các mỏ hoạt động thì bụi bay mù mịt khiến gia đình tôi phải đóng cửa lại để ăn cơm và sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, nhất là các cháu nhỏ. Những xe tải nặng chạy qua thì rung cả nền nhà. Các doanh nghiệp có tưới nước nhưng không đáng kể. Không biết tại sao có đến 2 mỏ ở trong một thôn nghèo như thế. Tôi luôn cấm con cái ra cạnh mỏ chơi vì quá nguy hiểm...”, anh Nguyễn Nam (45 tuổi, thôn Tân An Hải) lo lắng.

Ghi nhận thêm, mỏ đất Sơn Đình Thu nằm sát cạnh trường mầm non trên địa bàn. Đường đi vào bụi bay mù mịt khiến giáo viên, học sinh luôn trong tình trạng bất an.

“Từ khi khai thác, tuyến đường vào mỏ Sơn Đình Thu trở thành dòng chảy như suối lớn mỗi khi có mưa, cuốn đất, bùn tống thẳng vào trường mầm non bên dưới, lan ra khu dân cư xung quanh. Hình như từ năm học tới, điểm trường này sẽ đóng cửa, di chuyển các cháu học sinh đến nơi mới an toàn hơn...”, một người dân nói.

Các hộ dân đang thấp thỏm lo sợ vì nguy cơ sạt lở từ mỏ đất Lộc Lợi nằm trên đầu
Các hộ dân đang thấp thỏm lo sợ vì nguy cơ sạt lở từ mỏ đất Lộc Lợi nằm trên đầu


Cũng theo một số hộ dân, mỏ đất Sơn Đình Thu hoạt động ngay sát nguồn nước sinh hoạt của hàng trăm hộ gia đình, khiến người dân hết sức lo ngại. Trạm cấp nước gần đó có nguy cơ ô nhiễm cao và từng được nhiều cơ quan chức năng nhắc nhở...

Vấn đề mà người dân quan tâm nhất đó là nguy cơ sạt lở từ các mỏ đất. Theo tìm hiểu, vùng đồi núi thôn Tân An Hải là khu vực thường xảy ra sạt lở lớn. Người dân cho hay lớn nhất có lẽ là năm 1999, một vụ sạt lở đất nghiêm trọng diễn ra, cả mảng đồi lớn bị mưa lũ kéo thẳng ra phía đầm Cầu Hai, dìm nát nhiều nhà cửa của dân.

Điểm khai thác của mỏ Lộc Lợi có nơi cách nhà dân từ 200-300 mét, điểm gần nhất có 4 hộ cách mỏ khoảng vài chục mét. Đứng trên mỏ nhìn xuống các nhà dân, pv cảm nhận được nếu mưa lớn thì nguy cơ sạt lở rất dễ xảy ra. Lúc trời mưa, đất từ trên mỏ chảy xuống đường, vườn thậm chí nhà của dân nhuốm màu đỏ quạch.

“Cứ mỗi mùa mưa tới, gia đình tôi thường đem con cháu gửi nơi khác, nếu lũ lớn chảy xuống thì không biết ra sao đây nữa. Ai ai cũng trong tâm thế sẵn sàng bỏ chạy khi mưa to. An cư mới lạc nghiệp mà ngày nào cũng sợ thế này thì sống quá khổ...”, ông C. (58 tuổi) bức xúc.

Được biết, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng trong các cuộc họp, tiếp xúc cử tri với mong muốn đảm bảo an toàn, nhất là mùa mưa lũ sắp đến. Họ luôn thắc mắc không biết vì sao chính quyền lại cho khai thác mỏ đất trên vùng đồi cao ngay sát nhà dân như vậy?. Đã vậy lại hai mỏ cạnh nhau...

Cảnh nham nhở bên trong mỏ đất của Công ty Sơn Đình Thu
Cảnh nham nhở bên trong mỏ đất của Công ty Sơn Đình Thu


Liên quan đến sự việc, trao đổi với PV Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường, ông Phan Bá Chiêm - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Bình xác nhận, việc người dân kiến nghị những vấn đề ô nhiễm, nguy cơ sạt lở từ các mỏ trên địa bàn là hoàn toàn đúng.

“Xã rất quan tâm và hàng năm chúng tôi luôn mời đại diện các mỏ đến làm việc, nhắc nhở vấn đề xử lý môi trường. Các mỏ cũng đã tăng việc bơm nước trên đường đi, yêu cầu đào rảnh thoát nước để nước không tràn vào nhà dân khi mưa to. Đến mùa mưa bão thì yêu cầu có phương tiện túc trực để nếu xảy ra sự cố như sạt lở sẽ xử lý kịp thời, có những phương án di dời dân đến nơi an toàn. Ở cấp độ địa phương thì chúng tôi luôn cố gắng hết sức...”, ông Chiêm nói.

Cũng theo ông Chiêm, thời gian này, lượng xe lưu thông qua địa bàn rất nhiều, nhiều phương tiện cơi nới, chở sai quy định nhưng do đây là QL49B nên giao công an huyện xử lý vấn đề này chứ xã không có thẩm quyền...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.