Ba tỉnh phối hợp tiêu trừ “cát tặc” trên hồ Dầu Tiếng

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:15, 06/12/2018

Ngày 6/12, thông tin từ tỉnh Bình Dương cho hay, công an 3 tỉnh miền Đông Nam bộ gồm: Bình Dương, Bình Phước  và Tây Ninh đã ra quy chế phối hợp, cùng tiêu trừ nạn khai thác cát trái phép trên lòng hồ Dầu Tiếng (giáp ranh 3 tỉnh) - vốn gây bức xúc trong nhân dân suốt nhiều tháng qua…
Ba tỉnh phối hợp tiêu trừ “cát tặt” trên hồ Dầu Tiếng 1
Tàu khai thác cát lậu được trang bị nhiều thiết bị, máy móc bơm cát... Ảnh: B.D

Theo đó, công an 3 tỉnh cùng phối hợp tuần tra thường xuyên, nhằm phát hiện những tổ chức, cá nhân khai thác cát trái phép. Nhờ sự phối hợp này, hơn 30 vụ khai thác, với 82 tàu ghe hút cát lậu đã bị phát hiện và bắt giữ trên hồ Dầu Tiếng.

Đặc biệt, phía công an đã yêu cầu các doanh nghiệp khai thác cát trong hồ Dầu Tiếng phải dừng ngay việc liên kết, hợp đồng gia công, thuê phương tiện khai thác mà không đăng ký với cơ quan chức năng; tự ý lập bến bãi (bến bãi không được cấp giấy phép) để chứa cát. Đã phát hiện 12 bến bãi tập kết của các đơn vị, nhưng không có giấy phép khai thác cát. 

Ba tỉnh phối hợp tiêu trừ “cát tặt” trên hồ Dầu Tiếng2
Một bãi tập kết cát lậu ở hồ Dầu Tiếng. Ảnh: C.A

Sản lượng cát khai thác phải được tập kết về bến bãi trên địa bàn tỉnh theo quy trình khai thác được công bố, để có cơ sở kê khai, nộp thuế nhà nước theo đúng thực tế... khắc phục tình trạng núp bóng giấy phép của doanh nghiệp để khai thác cát lậu, khai thác quá mức quy định, không đúng địa bàn, trốn thuế nhà nước; vận chuyển quá tải, không che chắn, gây bức xúc trong dư luận như trong thời gian vừa qua. 

Hồ nước Dầu Tiếng nằm trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước có diện tích 27.000 ha, dung tích 1,58 tỉ m3. Đến thời điểm hiện nay, tại khu vực hồ lòng hồ, cơ quan chức năng đã cấp 18 giấy phép khai thác khoáng sản cát cho 15 doanh nghiệp (DN) với tổng diện tích 732,06 ha.

Ba tỉnh phối hợp tiêu trừ “cát tặt” trên hồ Dầu Tiếng3
Một tàu khai thác cát lậu. Ảnh: C.A

Tổng số phương tiện đăng ký khai thác hàng tháng là 118 tàu (96 tàu, thuyền khai thác và 22 dự phòng). Đồng thời có 41 bến thủy nội địa hoạt động tập kết cát trong lòng hồ, trong đó Tây Ninh có 20 bến bãi, Bình Dương 19 bến bãi và Bình Phước có 2 bến bãi.

Ông Lý Thanh Hùng - Phó phòng Tài nguyên và Môi trường, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương - cho biết: “Trong số 21 đơn vị kinh doanh cát, sỏi trên lòng hồ Dầu Tiếng vừa được lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường công bố về những sai phạm thì có 10 doanh nghiệp được chúng tôi điều tra, lập hồ sơ xử lý về hành vi vi phạm sử dụng đất sai mục đích.

Ba tỉnh phối hợp tiêu trừ “cát tặt” trên hồ Dầu Tiếng4
Hình ảnh một tàu khai thác cát lậu bị bắt quả tang ở hồ Dầu Tiếng. Ảnh: B.D

Cụ thể như trong quá trình hoạt động kinh doanh cát, sỏi trên lòng hồ Dầu Tiếng, phần lớn các chủ bến thủy nội địa không chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; nhiều bến thủy nội địa đã lấn chiếm đất vùng bán ngập của lòng hồ Dầu Tiếng để lập bãi tập kết, kinh doanh cát, sỏi”.

Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm được nạn khai thác cát trái phép trên hồ Dầu Tiếng, ông Hùng cho rằng, cần sự vào cuộc đồng bộ của lực lượng chức năng huyện, tỉnh trong việc thường xuyên tổ chức kiểm tra, xử lý, hoặc mạnh dạn rút giấy phép các cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng…