Đà Nẵng: Sẽ cắt điện, nước đối với công trình xây dựng sai phép, không phép

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 10:12, 02/11/2018

UBND TP Đà Nẵng vừa ban hành Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố liên quan việc xử lý các công trình xây dựng sai phép, không phép.

Ngày 29/10, UBND TP Đà Nẵng ban hành Văn bản số 36/2018/QĐ-UBND liên quan Quy chế quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Quy chế này quy định về nguyên tắc, trách nhiệm, thẩm quyền, cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự xây dựng.

Thông qua văn bản này, TP Đà Nẵng cũng đảm bảo xác định rõ trách nhiệm của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố. Thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của các bên liên quan, không làm ảnh hưởng đến hoạt động chung của các bên.

162515baoxaydung image001
Quy chế nhằm tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Từ đó tạo sự thống nhất giữa Sở Xây dựng, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng một cách chặt chẽ, đồng bộ, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, buông lỏng trong công tác quản lý trật tự xây dựng.

Công trình xây dựng, bộ phận công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng phải được ngăn chặn và xử lý kịp thời, triệt để theo quy định pháp luật. Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng phải đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân cùng tham gia giám sát.

Mọi thông tin phản ánh về công trình vi phạm trật tự xây dựng đều phải được kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp xử lý đối với công trình vi phạm qua thông tin phản ánh do các tổ chức hoặc cá nhân chuyển đến thì phải thông báo kết quả xử lý đến tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin được biết để tiếp tục tham gia giám sát.

162515baoxaydung image003
Khối công trình sai phạm không phép tại khách sạn Bạch Đằng Đà Nẵng.

Theo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết thêm, quy chế nhằm tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý trật tự xây dựng, chủ yếu là phân cấp cho UBND quận, huyện và UBND xã, phường nhằm tránh sự dẫm chân, đùn đẩy trách nhiệm trong việc phát hiện các công trình sai phép, không phép; cũng như trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan thẩm quyền trong công tác quản lý trật tự trên địa bàn thành phố.

Điển hình, công trình xây dựng không phép có diện tích khoảng 150m2 nằm tại khối đế tại Dự án khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng (số 50 Bạch Đằng, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng), Cty CP TM-DV Khách sạn Bạch Đằng (chủ đầu tư khách sạn Bạch Đằng) có Công văn số 170/CV/QLDA ký ngày 17/8/2018 đề nghị cấp phép xây dựng điều chỉnh hạng mục không phép này.

Xét thấy hạng mục công trình nêu trên không có trong quy hoạch khu phức hợp khách sạn Bạch Đằng được UBND thành phố phê duyệt và còn xây sát vỉa hè đường Bạch Đằng, ngoài chỉ giới xây dựng theo quy định, ảnh hưởng cảnh quan chung tại khu vực, Sở Xây dựng không có cơ sở xem xét và báo cáo thành phố tổ chức xử lý công trình xây dựng không.

Liên quan quy chế mới được ban hành, các quy định về hành vi vi phạm trong xây dựng được quy định ở Điều 6 như: Công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có Giấy phép xây dựng; công trình xây dựng sai nội dung của Giấy phép xây dựng; công trình xây dựng không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng.

Công trình xây dựng vi phạm quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng gây lún, nứt hoặc hư hỏng công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình lân cận (mà các bên không thỏa thuận được việc bồi thường theo quy định của pháp luật dân sự); gây sụp đổ hoặc có nguy cơ gây sụp đổ công trình lân cận nhưng không gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của người khác. Thi công xây dựng không che chắn hoặc có che chắn nhưng để rơi vãi vật liệu xây dựng xuống các khu vực xung quanh; để vật liệu xây dựng không đúng nơi quy định.

Công trình xây dựng không phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt; vi phạm chỉ giới; sai cốt xây dựng; lấn chiếm hành lang bảo vệ công trình quốc phòng, an ninh, giao thông; cơi nới, lấn chiếm diện tích, lấn chiếm không gian đang được quản lý, sử dụng hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác hoặc của khu vực công cộng, khu vực sử dụng chung.

Đặc biệt, tại Điều 14 cũng công bố trách nhiệm của các cơ quan liên quan khác, khi người có thẩm quyền ký Hợp đồng dịch vụ cung cấp điện, nước có trách nhiệm tạm dừng việc cung cấp dịch vụ đối với công trình vi phạm trật tự xây dựng quy định, khi có yêu cầu bằng văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã, Chủ tịch UBND cấp huyện hoặc Sở Xây dựng theo đúng thời hạn yêu cầu; đồng thời thông báo kết quả cho cơ quan ban hành văn bản để biết, theo dõi.