Hoàn thiện chính sách bảo tồn và sử dụng đất ngập nước
Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 15:58, 20/08/2018
Thực trạng đất ngập nước ở Việt Nam
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 12 triệu ha đất ngập nước. Diện tích đất này phân bố ở hầu khắp mọi vùng sinh thái của Việt Nam, góp phần tạo nên sự phong phú và đa dạng về loài cho Việt Nam. Hiện, Việt Nam có 1.028 loài cá, 848 loài chim, 800 loài động vật không xương sống ở hệ sinh thái nước ngọt và trên 11.000 loài sống ở hệ sinh thái đất ngập nước biển, ven biển, với 6.300 loài sinh vật đáy, 2.500 loài cá, 653 loài rong biển, trên 300 loài san hô, 94 loài cây ngập mặn, 15 loài rắn biển và 25 loài động vật biển có vú. Ngoài ra, diện tích đất ngập nước lớn còn cung cấp nguồn lương thực, thủy sản đa dạng cho đời sống dân sinh, góp phần thúc đẩy kinh tế.
Tuy nhiên, do tác động tiêu cực của con trong quá trình sử dụng và khai thác; sự thiếu thống nhất trong cách quản lý và những lỗ hổng của văn bản pháp luật đang là những nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm và biến mất của nhiều diện tích đất ngập nước ở nước ta hiện nay.
Thực tế nhận thấy, các vùng đất ngập nước của Việt Nam đang giảm chất lượng đất và nước, thay đổi cấu trúc và chức năng dịch vụ hệ sinh thái; đa dạng sinh học bị suy giảm nghiêm trọng, số lượng các loài nguy cấp, quy hiếm đang ở mức đe doạ do đánh bắt quá mức. Theo Sách đỏ năm 2012 của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới, Việt Nam có ít nhất 135 loài đang bị đe dọa trên toàn cầu cư trú tại các sinh cảnh nước ngọt lục địa, bãi triều và ven biển.
Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước
Nhận thức được vai trò quan trọng của vùng đất ngập nước đối với cuộc sống và sự cần thiết phải hoàn thiện chính sách pháp luật về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng dự thảo Nghị định về Bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Tại dự thảo Nghị định, nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có các hoạt động sau đây: Bảo vệ các hệ sinh thái, nguồn lợi thuỷ sản, các giống, loài nguy cấp, quý, hiếm, các loài chim di cư và bảo vệ môi trường các vùng đất ngập nước;
Phục hồi các hệ sinh thái đất ngập nước đã bị suy thoái hoặc bị khai thác quá mức; duy trì đặc tính sinh thái vùng đất ngập nước;
Tham gia giám sát các hoạt động trên các vùng đất ngập nước quan trọng của các tổ chức, cá nhân;phát hiện và thông báo kịp thời với cơ quan chức năng về các hành vi vi phạm quy định liên quan đến bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng;
Thực hiện mô hình sinh kế bền vững về môi trường, các hoạt động du lịch sinh thái, mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, nhà nước huy động sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước bằng các quy định cụ thể như sau: Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thông tin liên quan đến các vùng đất ngập nướctheo quy định của pháp luật.
Thúc đẩy các phương thức đồng quản lý, quản lý tài nguyên vùng đất ngập nước với sự tham gia của cộng đồng dân cư, chính quyền các cấp và các bên liên quan trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước quan trọng.
Nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.
Bảo tồn và phát huy các giá trị và tri thức truyền thống, bản địa trong bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước.