Chuỗi siêu thị Con Cưng tráo tem mác giả thì bị truy tố về tội gì?

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 09:41, 27/07/2018

Trước nghi ngờ và khiếu nại của khách hàng tại TP Hồ Chí Minh về việc chuỗi siêu thị Con Cưng có dấu hiệu cắt tem nhãn và thay thế bằng tem xuất xứ khác để lừa dối người tiêu dùng, Tổ công tác của Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương, phối hợp cùng Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra đồng loạt chuỗi siêu thị này.

Qua kiểm tra, Tổ công tác và Chi cục QLTT TP Hồ Chí Minh cho biết, tại chuỗi siêu thị Con Cưng (thuộc Công ty cổ phần Con Cưng, chuyên lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm dành cho mẹ bầu và em bé) có nhiều sản phẩm có nhãn mác ghi không đầy đủ nội dung nhãn theo quy định, một số sản phẩm được cắt nhãn mác cũ và thay rời, dán thay bằng một nhãn mác mới là nhãn mác CF (Con Cưng Fashion) và trên các nhãn mác này có ghi giá, nguồn gốc xuất xứ Thái Lan, mã vạch,…
 

con cung
Ngoài các sản phẩm ghi made in Việt Nam còn có made in Thai Lan...


Không những có sự cắt thay thế các nhãn mác của sản phẩm mà trên trang website của mình, Con Cưng tự giới thiệu là công ty tiên phong tại Việt Nam chuyên về nghiên cứu và cho ra đời các sản phẩm an toàn, chất lượng, giá thành hợp lý dành cho trẻ em.

“Đây là dấu hiệu chúng tôi nghi vấn có gian lận thương mại. Tuy nhiên, lực lượng Quản lý thị trường sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng khác làm rõ để xử lý theo đúng quy định pháp luật” - ông Trần Hùng, Tổ trưởng tổ công tác, cho biết.

Luật sư Dương Xuân Huề (thuộc VPLS Hoàng Huy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì “Hàng giả” gồm:
 

"8. “Hàng giả” gồm:

……………….

đ) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;

e) Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;

g) Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại

Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005;

h) Tem, nhãn, bao bì giả.

9. “Tem, nhãn, bao bì giả” gồm đề can, nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, các loại tem chất lượng, phiếu bảo hành, niêm màng co hàng hóa hoặc vật phẩm khác của cá nhân, tổ chức kinh doanh có chỉ dẫn giả mạo tên và địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại, tên thương phẩm hàng hóa, mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc bao bì hàng hóa của thương nhân khác”.


Vì vậy, nếu Con Cưng có hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả mạo nhãn hàng hóa hoặc sản xuất, buôn bán hàng có dãn tem mác giả thì bị xử phạt hành chính đối với các hành vi này theo quy định tại Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15-11-2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó mức xử phạt hành chính tùy vào khối lượng hàng hóa mua bán, sản xuất và mức xử phạt có thể lên đến 30.000.000 đồng.

con cung 1
Luật sư Dương Xuân Huề (VPLS Hoàng Huy).

Ngoài bị xử phạt hành chính thì hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả cũng sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Theo quy định này thì đối với hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả có thể bị phạt tù cao nhất là 15 năm, đối với pháp nhân thương mại có hành vi buôn bán, sản xuất hàng giả gây thiệt hại lớn thì có thể bị phạt tiền lên đến 9.000.000.000 đồng tùy vào khối lượng, giá thành của sản phẩm và thiệt hại xẩy ra.